Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội

Nghiên cứu thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội.

Nghiên cứu thủ tục hành chính đăng ký thành nghiệp doanh nghiệp tư nhân dưới đây theo quy định của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội  (Nguồn: Cồng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội: Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

I. Trình tự thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ:

– Công dân, tổ chức: nộp hồ sơ tại Bộ phận “một cửa” hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử, nộp phí, lệ phí (nếu có) và nhận giấy biên nhận giải quyết hồ sơ.

– Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT: tiếp nhận hồ sơ, trả giấy biên nhận cho công dân, tổ chức; Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia tự động gửi giấy biên nhận cho công dân, tổ chức theo địa chỉ email đã đăng ký.

Bước 2: Giải quyết hồ sơ:

+ Phòng Đăng ký kinh doanh thụ lý hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu cần) trong quá trình giải quyết.

+ Hoàn tất kết quả giải quyết hồ sơ và chuyển cho Bộ phận một cửa phòng ĐKKD để trả cho công dân, doanh nghiệp.

Bước 3: Trả kết quả giải quyết hồ sơ:

+ Công dân nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phòng ĐKKD hoặc qua đường bưu điện (nếu có đăng ký dịch vụ).

II. Cách thức thực hiện

– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận “một cửa” phòng ĐKKD của Sở KH&ĐT: Tầng 3, Nhà B10A – Khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội;

– Hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn

III. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ, bao gồm:

1. Giấy đề nghị Đăng ký doanh nghiệp (đã ghép nội dung công bố thông tin);

2. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của chủ sở hữu công ty;

3. Cam kết thực hiện Mục tiêu xã hội, môi trường (đối với DN xã hội);

4. Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành Doanh nghiệp xã hội. (đối với trường hợp chuyển cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành Doanh nghiệp xã hội);

5. Trường hợp người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (1. Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực. 2. Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực), kèm theo:

1. Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; hoặc

2. Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

b) Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)

IV. Mẫu đơn, mẫu tờ khai

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục I-1, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT ngày 08/01/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư);

2. Cam kết thực hiện Mục tiêu xã hội, môi trường (theo Biểu mẫu 1, Thông tư số 04/2016/TT- BKHĐT ngày 17/05/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ;

V. Thời hạn giải quyết

03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ

VI. Đối tượng thực hiện TTHC

Tổ chức /cá nhân

VII. Cơ quan thực hiện TTHC

a) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC và có thẩm quyền quyết định: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): /;’không

c) Cơ quan phối hợp (nếu có): Các cơ quan liên quan (các Bộ, các Sở, Ngành, UBND quận, huyện…).

VIII. Kết quả giải quyết TTHC

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân

IX. Phí, lệ phí

Lệ phí: 100.000 VNĐ (Miễn lệ phí đối với trường hợp Doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử);

Phí công bố thông tin: Miễn phí

XI. Các yêu cầu khác trong giải quyết TTHC

Khi nhận kết quả giải quyết hồ sơ, người đến nhận phải mang các giấy tờ sau:

– Giấy biên nhận giải quyết hồ sơ.

– Trường hợp người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác đến nhận kết quả giải quyết hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (1. Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực. 2. Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.), kèm theo:

1. Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; hoặc

2. Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

– Công dân, tổ chức có thể đăng ký để nhận kết quả giải quyết hồ sơ qua đường bưu điện.

XII. Căn cứ pháp lý liên quan của TTHC

1/ Các Luật:

– Luật Doanh nghiệp 2014;

– Luật Đầu tư năm 2014;

2/ Các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương:

– Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp; Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp;

– Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp;

– Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 về Chứng minh nhân dân; Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân. Nghị định 106/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/9/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 của Chính phủ;

– Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp; Thông tư số 130/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 04/12/2017 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2016/TT-BTC;

– Thông tư số 20/2015 /TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

– Thông tư số 04/2016/TT-BKHĐT ngày 17/05/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định các biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp xã hội theo Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh

nghiệp;

– Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ ngày 06/07/2018 về việc ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

– Các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan khác.

Phân tích thủ tục:

1. Phân tích biểu hiện của các nguyên tắc “khách quan, công bằng”, “công khai, minh bạch” và “đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, kịp thời” trong nội dung của thủ tục hành chính nêu trên.

2. Phân tích vai trò của thủ tục hành chính trong việc bảo đảm quyền của các tổ chức, cá nhân trong quản lý hành chính nhà nước.

Nội dung:

1. Phân tích biểu hiện của các nguyên tắc “khách quan, công bằng”, “công khai, minh bạch” và “đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, kịp thời” trong nội dung của thủ tục hành chính nêu trên.

    Việc quản lý nhà nước có 3 loại thủ tục: Thủ tục lập pháp; thủ tục tư pháp; thủ tục hành chính. Trong đó thủ tục hành chính là thủ tục phức tạp và liên quan đến nhiều loại chủ thể khác nhau, bao hàm nhiều yếu tố: các hoạt động cụ thể cần thực hiện; trình tự thực hiện các hoạt động đó; cách thức tiến hành, thời hạn tiến hành các hoạt động cụ thể.

Thủ tục hành chính có thể hiểu là cách thức tổ chức thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước theo đó chủ thể có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cá nhân, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết các công việc của quản lý hành chính nhà nước.

* Một số đặc điểm của thủ tục hành chính:

+ Chủ thể là thủ tục hành chính là chủ thể thực hiện TTHC (nhân danh Nhà nước sử dụng quyền lực Nhà nước để tiến hành các thủ tục hành chính) và chủ thể tham gia TTHC (chủ thể phục tùng quyền lực Nhà nước).

1, Chủ thể thực hiện TTHC: cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân được Nhà nước ủy quyền.

2, Chủ thể tham gia TTHC: là cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước, cá nhân, tổ chức.

+ Thủ tục hành chính mang tính quy phạm nhưng cũng có tính linh hoạt, mềm dẻo trong tổ chức và thực hiện thủ tục hành hính.

+ Một thủ tục hành chính có: Trình tự thực hiện, cách thức thực hiện, thành phần số lượng hồ sơ, thời hạn thời hiệu và các biểu mẫu đi kèm.

* Phân loại thủ tục hành chính

– Theo mục đích của thủ tục: Thủ tục ban hành QPPL và thủ tục giải quyết các công việc cụ thể (cấp các loại giấy phép, giải quyết yêu cầu, đề nghị của cá nhân, tổ chức; thủ tục khiếu nại, tố cáo…).

– Theo tính chất công việc: Thủ tục hành chính nội bộ (thủ tục ban hành VBQPPL, thành lập, sáp nhập, giải thể, tuyển dụng, bổ nhiệm, kỉ luật….) và thủ tục hành chính liên hệ (thủ tục cấp giấy phép, khiếu nại, cưỡng chế hành chính..).

* Các nguyên tắc mà một thủ tục hành chính cần tuân theo quy định của Pháp luật:

1, Nguyên tắc Pháp chế.

2, Nguyên tắc khách quan, công bằng.

3, Nguyên tắc công khai, minh bạch.

4, Nguyên tắc đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, kịp thời.

5, Nguyên tắc các bên tham gia đều bình đẳng trước Pháp luật.

Thủ tục hành chính trên là thủ tục hành chính liên hệ hay cũng là thủ tục hành chính giải quyết các công việc cụ thể về việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội. Chính vì vậy, thủ tục trên cũng phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản của thủ tục hành chính.

Trong đó:

CÁC NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:

1.1. Biểu hiện của nguyên tắc “Khách quan, công bằng”

   Tính công bằng, khách quan khi thực hiện thủ tục hành chính thể hiện ở việc cơ quan tiến hành thủ tục phải có đủ tài liệu, chứng cứ khi xem xét giải quyết công việc, đảm bảo thực hiện đúng các yêu cầu của thủ tục nhằm giải quyết một cách đúng đắn nhất các công việc của nhà nước, các kiến nghị, yêu cầu hợp pháp của công dân, tổ chức. Khi thực hiện thủ tục hành chính phải bảo đảm tính khách quan, không vì vụ lợi mà gây thiệt hại cho nhà nước, tập thể và cá nhân.

1.1.1. Việc quy định thủ tục hành chính xuất phát từ nhu cầu khách quan của hoạt động quản lý, phải hợp lý, thuận tiện cho việc thực hiện.

+ Trong thủ tục hành chính trên điều đó được thể hiện ở việc nhu cầu thành lập doanh nghiệp là nhu cầu hiện nay là vô cùng cần thiết của các cá nhân, tổ chức và việc kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp cũng rất khó khăn vì vậy thủ tục hành chính trên được ban hành nhằm quản lý hoạt động trên dễ dàng hơn. Việc ban hành thủ tục hành chính trên mang tính khách quan vì khi các doanh nghiệp được thành lập thì xã hội cũng đòi hỏi phải có một công cụ để điều chỉnh nó. Và công cụ đó chính là Pháp luật cụ thể là thủ tục hành chính: “Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân”.

+ Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội các đầu mục được liệt kê rõ ràng về trình tự, thủ tục các loại giấy tờ cần thiết cho việc quản lý hoạt động trên. Thủ tục trên đưa ra các ý rõ ràng và hợp lý phù hợp với tình hình thực tế tại Hà Nội, thuận tiện cho cả hai chủ thể trong mối quan hệ Pháp luật này.

+ Trong khi xây dựng Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân, Sở KH&ĐT soạn thảo văn bản lấy ý kiến của đối tượng TTHC trên tác động giúp Sở có những thông tin cần thiết về đối tượng và nắm bắt được tình hình nhu cầu thực tế của chủ thể tham gia. Sở không được mô tẩ, bình luận sự việc theo quan điểm, nhận định chủ quan của bản thân chủ thể tổ chức lấy ý kiến.

1.1.2 Việc thực hiện thủ tục hành chính phải dựa trên cơ sở những căn cứ khách quan, không áp đặt vì lợi ích chủ quan của bất cứ đối tượng nào.

+ Việc ban hành thủ tục này đã căn cứ dựa trên rất nhiều nguồn pháp lý: Luật, Nghị định, Thông tư thông tư liên tịch, quyết định của UBND tỉnh..

+ Không chỉ dựa trên căn cứ pháp lí mà còn dựa cả vào tình hình thực tế từng địa phương. Hà Nội là 1 trong những thành phố trung tâm của Việt Nam cũng chính vì vậy các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế diễn ra rất sôi nổi và cũng vì điều đó nên Nhà nước cần phải giám sát các hoạt động trên để các hoạt động đó không gây hại cho xã hội và hợp pháp.

+ Không một cá nhân nào hay tổ chức nào có quyền áp đặt để thực hiện lợi ích chủ quan của mình trong các TTHC.

1.1.3 Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng tham gia vào các thủ tục hành chính.

Bảng 1: Phân tích quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia trong TTHC.

NHÀ NƯỚCCÔNG DÂN, TỔ CHỨC
QuyềnNghĩa vụQuyềnNghĩa vụ
Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu đủ hồ sơ, giấy tờ và thực hiện TTHC theo đúng trình tự đối với công dân, tổ chức.Phòng đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT có nghĩa vụ tiếp nhận hồ sơ, trả giấy biên nhan cho công dân, tổ chức; trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia thì sẽ tự động gửi lại giấy biên nhận cho công dân, tổ chức.  Công dân được  nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phòng ĐKKD hoặc qua đường bưu điện (nếu có đăng ký dịch vụ).  Công dân, tổ chức thực hiện nộp hồ sơ tại Bộ phận “một cửa” hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử, nộp phí, lệ phí (nếu có) và nhận giấy biên nhận giải quyết hồ sơ.  
Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC và có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép thành lập Doanh nghiệp tư nhân: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT Hà NộiPhòng Đăng ký kinh doanh thụ lý hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu cần) trong quá trình giải quyết. Hoàn tất kết quả giải quyết hồ sơ và chuyển cho Bộ phận một cửa phòng ĐKKD để trả cho công dân, doanh nghiệp.  Cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ chuẩn bị đủ hồ sơ giấy tờ theo quy định Pháp luật và thực hiện đăng ký TTHC theo đúng trình tự quy định.   
 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ  03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ   
 Cán bộ thu đúng, đủ lệ phí nộp vào ngân sách Nhà nướcLệ phí: 100.000 VNĐ (Miễn lệ phí đối với trường hợp Doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử);   

 – Quyền của chủ thể bên này sẽ là nghĩa vụ của chủ thể bên kia. Bảng 1 đã thể hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền và công dân, tổ chức đăng ký TTHC.

– Bất cứ chủ thể nào tham gia cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định của Pháp luật. Trong đó, chủ thể thực hiện TTHC giữ vai trò vô cùng quan trọng của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình với công dân, tổ chức.

– Nguyên tắc “Khách quan, công bằng” không chỉ được thể hiện chỉ ở TTHC trên mà nó còn được biểu hiện ở các TTHC khác. Trong đó những căn cứ pháp lý của Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân cũng có, biểu hiện ở:

+ Theo khoản 6 điều 5 nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản QPPL  của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “ Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL”.

+ Theo điều 5 của Luật doanh nghiệp 2014. Bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp

1. Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật này; bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh.

2. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp.

3. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.

  Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của doanh nghiệp; trường hợp trưng mua thì doanh nghiệp được thanh toán, trường hợp trưng dụng thì doanh nghiệp được bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm trưng mua hoặc trưng dụng. Việc thanh toán hoặc bồi thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.

1.2. Biểu hiện của nguyên tắc “Công khai, minh bạch”

   Thủ tục hành chính phải rõ ràng. Đây là một nguyên tắc quan trọng vì sự thiếu rõ ràng của hệ thống thủ tục hành chính trong việc giải quyết các nhu cầu, đề nghị của công dân, tổ chức gây nhiều khó khăn cho công dân, tổ chức khi đến cơ quan quản lý nhà nước để xin giải quyết một vấn đề nào đó. Sự không rõ ràng của thủ tục hành chính cũng nảy sinh tiêu cực trong thực hiện thủ tục hành chính. Bởi vì người dân không biết mình phải thực hiện những quy định gì, các quy định đó được giải quyết ở đâu?. Do sự không rõ ràng này mà trong quá trình tiến hành thẩm định các dự án, các nhà quản lý đã lợi dụng làm ăn không hợp pháp hoặc gây ra sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt. Thủ tục hành chính rõ ràng đòi hỏi thủ tục hành chính phải được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, dễ hiểu và dễ thực hiện.

1.2.1 Nhà nước tạo điều kiện cho những đối tượng thực hiện thủ tục đóng góp:

 – Theo khoản 6 điều 5 về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

 – Theo khoản 2 điều 6 về tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản Pháp luật: “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật”.

 Trên web của Sở KH&ĐT mục đầu tư xây dựng có nêu rõ: “Quyền của công dân, tổ chức, doanh nghiệp”:

1. Yêu cầu được giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

2. Đóng góp ý kiến theo Mẫu Phiếu tiếp nhận các góp ý của công dân, tổ chức, doanh nghiệp gửi vào Hòm thư góp ý đặt tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc theo địa chỉ chính của cơ quan.

3. Thông báo qua đường dây nóng hoặc khiếu nại, tố cáo những hành vi tiêu cực hoặc gây phiền hà, nhũng nhiễu công dân, tổ chức của cán bộ, công chức Sở theo quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

→ Các minh chứng trên có thể cho thấy rõ Nhà nước luôn tạo điều kiện đóng góp ý kiến về các văn bản Pháp luật cho công dân, tổ chức nhằm thể hiện tính công khai minh bạch trong các văn bản pháp lí.

1.2.2 Nội dung các thủ tục phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện:

+ Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân do Sở KH&ĐT ban hành gồm 12 phần, trong mỗi phần đã liệt kê đầy đủ những yêu cầu cũng như những quyền lợi mà chủ thể tham gia TTHC là những đối tượng có nhu cầu đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân. Trong đó cũng đã chỉ rõ căn cứ pháp lý của văn bản này là gồm các luật, các nghị định, thông tư có phạm vi điều chỉnh rộng hơn văn bản này.

+ Tất cả hồ sơ, giấy tờ trong TTHC đều được lưu trữ lại để khi có vấn đề gì xảy ra sẽ có căn cứ pháp lí xác nhận bên đúng, bên sai thuận tiện cho việc tổ chức và quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

1.2.3 Các TTHC phải được công bố cho người thực hiện TTHC biết để có thể thực hiện dễ dàng.

+ Công dân, tổ chức khi tham gia Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân sẽ được tiếp nhận hồ sơ thủ tục tạiPhòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT: tiếp nhận hồ sơ, trả giấy biên nhận cho công dân, tổ chức; Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia tự động gửi giấy biên nhận cho công dân, tổ chức theo địa chỉ email đã đăng ký.

+ Công dân được  nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phòng ĐKKD hoặc qua đường bưu điện (nếu có đăng ký dịch vụ): Điều đó thể hiện rõ sự công khai trong quá trình thực hiện TTHC. Bộ phận một cửa, nơi tiếp đón mọi người dân không phân biệt cá nhân, tổ chức nào cả.

+ Thành phần hồ sơ, những giấy tờ cần thiết để thực hiện TTHC được công khai trên văn bản cũng như trên web điện tử của Sở KH&ĐT.

Xã hội ngày càng dân chủ, nhu cầu thu hút nhân dân vào việc quản lý Nhà nước ngày càng lớn thì yêu cầu về tính công khai, minh bạch của TTHC càng cấp thiết. Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng thì tính công khai, minh bạch trở thành một yếu tố quyết định. Đây là một trong những nguyên tắc pháp lí được nêu trong các văn bản pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam thừa nhận.

1.3. Biểu hiện của nguyên tắc “Đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, kịp thời”

  Nguyên tắc này có liên hệ mật thiết với nguyên tắc khách quan khi xây dựng các quy định về thủ tục hành chính

  Trong việc thực hiện thủ tục hành chính, nguyên tắc này đòi hỏi chủ thể thực hiện thủ tục hành chính phải có những biện pháp tổ chức thực hiện khoa học

– Theo Nghị quyết của CP số 38/CP/1994 yêu cầu “các quy định về TTHC phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện”.

– Theo khoản 1,2,3 điều 8 của Luật ban hành văn bản quy phạm Pháp luật:

1. Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật và tiếng Việt. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.

2. Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.

3. Tùy theo nội dung, văn bản quy phạm pháp luật có thể được bố cục theo phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm; các phần, chương, mục, tiểu mục, điều trong văn bản quy phạm pháp luật phải có tiêu đề. Không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có nội dung mới.

– Thủ tục hành chính trên quy định rất chi tiết và rõ ràng, từng khoản từng mục một và thời hạn giải quyết hồ sơ, hoàn tất thủ tục… Nội dung viết ngắn gọn, dễ hiểu, rõ ràng giúp người đọc có thể hiểu được và thực hiện đúng quy định.

→ Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải cách hành chính là vô cùng cần thiết như là khai báo trực tuyến điện tử  để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính với các cơ quan hành chính. Tiết kiệm chi phí cho công tác nhân sự do thực hiện thủ tục hành chính, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, xã hội văn minh.

2. Phân tích vai trò của thủ tục hành chính trong việc bảo đảm quyền của các tổ chức, cá nhân trong quản lý hành chính nhà nước.

Quy định TTHC là một đảm bảo pháp lý cho việc thực hiện các quy định

– Một VBQPPL hành chính: + Quy định nội dung

                                              + Quy định thủ tục. Trong đó, quy định TTHC là một bộ phận quan trọng của quy phạm pháp luật hành chính, là phương tiện để đưa quy phạm nội dung của Luật Hành chính vào thực tế cuộc sống.

– Quy phạm nội dung là các nguyên tắc quản lý, thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức.. và quy phạm thủ tục đưa các nguyên tắc đó ra thực hiện hành động cụ thể.

– Theo điều 21 Nghị định 63/2010/NĐ-CP quy định về kiểm soát TTHC

Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính

1. Thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục hành chính.

2. Từ chối thực hiện những yêu cầu không được quy định trong thủ tục hành chính hoặc chưa được công khai theo quy định.

3. Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác của các giấy tờ có trong hồ sơ và cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan.

4. Không được cản trở hoạt động thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.

5. Không hối lộ hoặc dùng các thủ đoạn khác để lừa dối cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong thực hiện thủ tục hành chính.

6. Giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính; phản ánh, kiến nghị với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền về những bất hợp lý của thủ tục hành chính và các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong thực hiện thủ tục hành chính.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính theo quy định của pháp luật.

8. Trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình tham gia thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

9. Thực hiện quy định khác của pháp luật.

   Từ những quy định trên có thể thấy vai trò của TTHC tới cá nhân, tổ chức là vô cùng quan trọng. Nó tác động trực tiếp tới quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, pháp nhân:

2. VAI TRÒ CỦA TTHC TRONG VIỆC ĐẢM BẢO QUYỀN CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

2.1. TTHC là phương tiện cụ thể hóa một cách chính thống phần lớn các quyền, tự do của công dân vốn được ghi nhận trong Hiến pháp,

  Về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội…. Nhiều quyền cơ bản của công dân chỉ có thể được bảo đảm, bảo vệ khi được cụ thể hóa thông qua TTHC, nhờ có các quy phạm pháp luật TTHC mà các quy phạm Hiến pháp về Quyền công dân được thực hiện trên thực tế.

+ Theo điều 22 trong Hiến Pháp Việt Nam 2013:

1, Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2, Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3, Việc khám xét chỗ ở là do luật quy định.

+ Ta có dự thảo Luật cư trú năm 2020 quy định rất rõ ràng, cụ thể hóa về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Song, đi cùng với quyền của mình, công dân cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình với xã hội.

 Điều 4. Quyền tự do cư trú của công dân

1. Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Công dân không có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thực hiện khai báo thông tin về nơi đang thực tế sinh sống để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

2. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật.

2.2. TTHC nhằm giới hạn quyền lực của hệ thống hành chính nhà nước trong mối quan hệ với cá nhân, tổ chức của công dân.

  Trong bộ máy nhà nước, bộ máy hành chính nhà nước có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính rất đông đảo, hoạt động của họ luôn gắn với công vụ, công chức nhà nước, luôn gắn với việc giải quyết các công việc của cá nhân, tổ chức và được bảo đảm bởi một bộ máy mang tính quyền lực nhà nước có tính cưỡng chế cao. Vì vậy, mọi hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức đều phải được giới hạn bởi các quy phạm pháp luật về TTHC, trước hết là TTHC để tránh sự tùy tiện trong việc giải quyết các công việc của cá nhân, tổ chức, đặc biệt là giới hạn việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính.

     Trong Nghi định 63/2010/NĐ-CP quy định về kiểm soát TTHC:

   Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong

1. Nghiêm cấm cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính thực hiện các hành vi sau đây:

a) Tiết lộ thông tin về hồ sơ tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính mà mình biết được khi thực hiện thủ tục hành chính, trừ trường hợp được đối tượng thực hiện thủ tục hành chính đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin đó để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện hoặc tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định mà không nêu rõ lý do bằng văn bản;

c) Hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, gây khó khăn cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; lợi dụng các quy định, các vướng mắc về thủ tục hành chính để trục lợi;

d) Nhận tiền hoặc quà biếu dưới bất cứ hình thức nào từ đối tượng thực hiện thủ tục hành chính khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngoài phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính đã được quy định và công bố công khai;

đ) Đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, chậm trễ, gây cản trở trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Nghiêm cấm đối tượng thực hiện thủ tục hành chính cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền; đưa hối lộ hoặc dùng các thủ đoạn khác để lừa dối cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong thực hiện thủ tục hành chính.

3. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

  Điều 20. Trách nhiệm của cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính

1. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

2. Phải tạo thuận lợi cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc trong thực hiện thủ tục hành chính.

3. Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của cá nhân, tổ chức theo quy định.

4. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự, hồ sơ hành chính đầy đủ, rõ ràng, chính xác không để tổ chức, cá nhân phải đi lại bổ sung hồ sơ quá hai lần cho một vụ việc, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng theo hướng dẫn của cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính.

5. Chấp hành nghiêm túc các quy định của cấp có thẩm quyền về thủ tục hành chính đã được người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố.

6. Chủ động tham mưu, đề xuất, sáng kiến cải tiến việc thực hiện thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay đổi hoặc hủy bỏ, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính không phù hợp, thiếu khả thi.

7. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

8. Thực hiện quy định khác của pháp luật.

– Trong Nghị Định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính đã quy định rất rõ ràng quyền và nghĩa cụ của bên chủ thể thực hiện TTHC đó là: cán bộ, công chức, cơ quan Nhà nước phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với công dân.

– Thực tế có thể thấy trong các TTHC ban hành văn bản QPPL đều quy định rất cụ thể quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề cụ thể.

– Sử dụng biện pháp cường chế hành chính luôn là biện pháp mà cơ quan Hành pháp sử dụng cuối cùng trong mọi trường hợp. Vì biện pháp này mang tính bạo lực rất cao, thể hiện sự áp đặt tuyệt đối của Nhà nước lên cá nhân, tổ chức. Mà Nhà nước ta luôn đề cao tính nhân đạo kể cả xử lý các trường hợp mang tính quy phạm. Chính vì vậy việc giới hạn biện pháp cưỡng chế hành chính trong TTHC được Nhà nước cực kỳ chú trọng.

2.3. TTHC là phương tiện để công dân có thể kiểm soát được các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN)

  Từ hoạt động điều hành hành chính đến hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động tổ chức có tính nội bộ cơ quan HCNN đến hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính trên mọi lĩnh vực, mọi mặt đời sống dân cư trên toàn lãnh thổ quốc gia… Kiểm soát hoạt động của hành chính nhà nước, một mặt để tăng cường pháp chế trong quản lý, mặt khác nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm của hệ thống hành chính tới Quyền công dân.

+ Trong điều 21 NĐ 63/2010/NĐ-CP đã nêu rõ:

6. Giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính; phản ánh, kiến nghị với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền về những bất hợp lý của thủ tục hành chính và các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong thực hiện thủ tục hành chính.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính theo quy định của pháp luật.

→ Quyền của chủ thể bên này cũng là nghĩa vụ của chủ thể tham gia bên kia. Tức là công dân có quyền giám sát quá trình thực hiện TTHC của cán bộ, công chức, cơ quan. Nếu thấy có bất kỳ sai phạm nào về TTHC cũng như hành vi của chủ thể thực hiện TTHC thì công dân có quyền khiếu nại, tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

2.4. TTHC là biện pháp pháp lý, các phương thức, cách thức khác nhau để bảo vệ các quyền công dân khi bị xâm hại trong hầu hết các lĩnh vực quan hệ xã hội.

  Trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội, quyền công dân có thể bị xâm hại từ phía các cơ quan quyền lực nhà nước, hay từ các chủ thể khác.

– Từ những phân tích trên có thể thấy rằng TTHC đóng một vai trò vô cùng quan trọng do TTHC liên quan trực tiếp tới việc thực hiện thẩm quyền của các chủ thể quản lý hành chính Nhà nước, tới việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức. Đây được coi là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài và thường xuyên. Hiện nay, nhu cầu cải cách hành chính là cấp thiết vì TTHC vẫn còn rất nhiều bất cập như: mang đậm dấu ấn thời kì bao cấp, nặng về cơ chế “xin-cho”, rườm rà, phức tạp, nhiều cấp trung gian,….Những hạn chế này đã gây nhiều trở ngại cho việc thực hiện quản lý làm hạn chế quyền của công dân, tạo ra một nên hành chính mang tính quan liêu phong kiến trì trệ. Đặc biệt, TTHC là một trở ngại lớn đối với tình hình hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, giảm khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

– Cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách TTHC nhằm tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức xã hội và giữa cơ quan Nhà nước với công dân. Cải cách TTHC là một bộ phận của cải cách thể chế hành chính nhà nước, nhằm xây dựng và thực thi TTHC theo những chuẩn mực nhất định. CCTTHC thực chất là cải cách trình tự thực hiện thẩm quyền hành chính trong mối liên hệ tới quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức và nội bộ cơ quan Nhà nước:

Một là, hoàn thiện nội dung và hình thức của TTHC bằng cách thực hiện rà soát, sửa đổi và thay thế những văn bản, quy phạm không còn phù hợp và cần phải pháp điển hóa, nâng cấp chất lượng ban hành văn bản quy phạm… Bên cạnh đó, phải thay đổi tư duy, quan điểm, nhận thức về Nhà nước, về hệ thống hành chính nhà nước. Cần nhận thức và sửa chữa, khắc phục những hạn chế trong quá trình xây dựng và ban hành các quy phạm pháp luật; thay đổi nhận thức, thái độ trong CCTTHC.

Hai là, cần có cách nhìn tổng quát, hệ thống về CCTTHC; giải quyết cái cốt lõi, cái gốc của vấn đề, đặc biệt là những quy định của hệ thống hành chính liên quan tới việc hạn chế các quyền của công dân, hay việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính trong quản lý.

Ba là, hoàn thiện pháp luật hành chính phải được tiến hành một cách đồng bộ cả pháp luật vật chất, pháp luật thủ tục, pháp luật tố tụng hành chính. Hoàn thiện TTHC với tư cách là phương tiện bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Phương tiện này cần được đặc biệt chú ý bởi nó liên quan đến đời sống hằng ngày cũng như chiếm khối lượng chủ yếu trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân (như đăng ký kinh doanh, đóng thuế, tạm trú, xử phạt hành chính,…).

Nhiệm vụ cải cách nền hành chính đặt ra các yêu cầu bức xúc về cải cách mạnh mẽ hơn TTHC theo hướng xóa bỏ triệt để cơ chế “xin – cho”, đơn giản hóa các thủ tục. Cần thay đổi nhận thức về CCHC nhà nước từ cai trị chuyển sang Nhà nước phục vụ, xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Trên cơ sở đó, Nhà nước cũng có những thay đổi về vai trò quản lý từ “người chèo thuyền” sang “ người lái thuyền” trong bối cảnh hội nhập của đất nước.

Bốn là, đổi mới nhận thức về mối quan hệ giữa CQHCNN và công dân. Các CQHCNN không nên quan niệm công dân chỉ là người thụ hưởng mà cần nhìn nhận đây là khách hàng. Tính chất phục vụ thể hiện trên nhiều hình thức khác nhau và phải thể hiện trong tư duy công dân là khách hàng của các CQHCNN. Từ đó, các CQHCNN phải thiết lập cơ cấu tổ chức hợp lý để hiểu khách hàng của mình hơn thông qua điều tra, nghiên cứu khách hàng, chăm sóc, theo dõi khách hàng, giải quyết các kiến nghị, yêu cầu khiếu nại. Xây dựng các khế ước cam kết về sự phục vụ của các CQHCNN đối với công dân.

Năm là, vai trò trách nhiệm giải trình của các CQHCNN trước Nhân dân cần được đề cao. Phải có những quy định được thể chế hóa, chế tài rõ ràng, cụ thể và nghiêm minh đối với những hành vi che giấu hoặc từ chối cung cấp thông tin hợp pháp của các cơ quan, của cán bộ, công chức nhà nước. Nhà nước cần tiếp tục bổ sung và bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan công quyền trong việc cung cấp thông tin. Phải làm rõ trách nhiệm cung cấp thông tin, trách nhiệm giám sát tuân thủ và các chế tài xử phạt trong trường hợp không cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp Việt Nam 2013

2. Nghị định 63/2010/NĐ-CP quy định về kiểm soát TTHC

3. Luật ban hành văn bản quy phạm Pháp luật năm 2015/QH13

4.Nghị định 45/2020/NĐ-CP quy định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử

5. Luật Doanh nghiệp 2014;

6. Luật Đầu tư năm 2014;

7.Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp

8. Cổng thông tin điện tử của Sở kế hoạch & đầu từ thành phố Hà Nội.

Các bài luận liên quan:

1900.0191