Phân tích, đánh giá và nêu ví dụ minh họa đối với các quy định về đối tượng chịu thuế và căn cứ tínhthuế tiêu thụ đặc biệt

Xã hội ngày càng phát triển với nền kinh tế đang có sự chuyển mình, thuế tiêu thụ đặc biệt ngày càng có vai trò quan trọng hơn, góp thêm một phần quan trọng vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tồn tại không ít bất cập xoay quanh vấn đề thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, em quyết định lựa chọn đề số 02: “Phân tích, đánh giá và nêu ví dụ minh họa đối với các quy định về đối tượng chịu thuế và căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt.” làm đề tài nghiên cứu cho bài tiểu luận.

Chương I: Cơ sở lý luận về thuế tiêu thụ đặc biệt

1.  Khái niệm thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Đồng thời điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng. Góp phần tăng thu cho Ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

2.  Đặc điểm của thuế tiêu thụ đặc biệt

Thứ nhất, thuế TTĐB là loại thuế gián thu vì nó đánh vào thu nhập của người tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ chịu thuế TTĐB một cách gián tiếp thông qua giá cả của hàng hoá, dịch vụ mà người đó tiêu dùng.

Thứ hai, thuế TTĐB có đối tượng chịu thuế hẹp, chỉ bao gồm một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước cần điều tiết.

Thứ ba, thuế TTĐB chỉ điều tiết một lần trong suốt quá trình lưu thông hàng hoá và dịch vụ. Cụ thể, các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB chỉ được đánh 1 lần ở khâu sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc kinh doanh dịch vụ.

Thứ tư, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao. Do đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là những loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, không thực sự cần thiết nên việc áp dụng thuế suất cao là nhằm điều tiết lại quá trình sản xuất, sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ này.

3. Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là những ai

Theo Điều 2 Luật thuế TTĐB năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2016, đối tượng chịu thuế TTĐB bao gồm:

“1. Hàng hóa:

  • Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;
  • Rượu;
  • Bia;
  • Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;
  • Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;
  • Tàu bay, du thuyền;
  • Xăng các loại;
  • Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;
  • Bài lá;
  • Vàng mã, hàng mã.

2. Dịch vụ:

  • Kinh doanh vũ trường;
  • Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke);
  • Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự;
  • Kinh doanh đặt cược;
  • Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;
  • Kinh doanh xổ số.1

4. Căn cứ tính thuế

Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt đc quy định tại Điều 5, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: “Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và thuế suất. Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bằng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhân với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.”

Các điều khoản liên quan tới giá tính thuế và thuế suất cũng được pháp luật phân tích và liệt kê cụ thể tại các Điều 7, Điều 7 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chương II: Thực tiễn áp dụng các quy định về đối tượng chịu thuế và căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

1.  Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

1.1.  Phân tích, đánh giá.

Căn cứ Điều 2, Luật Thuế TTĐB và Điều 2 Nghị định 26/2009/NĐ-CP ngày 16/03/2009 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều khoản của luật thuế TTĐB2 thì đối tượng luật này điều chỉnh đã liệt kê phần 3, Chương I, đối tượng chịu thuế có nhiều điểm mới như:

Thứ nhất, các loại hàng hóa như xe mô tô có dung tích xi lanh trên 125 phân phối (cm3), với đặc thù là đại bộ phận thuộc loại xe tay ga, xe đua, thường có giá trị lớn, chủ yếu được sử dụng và lưu thông ở các thành phố lớn và người sử dụng chủ yếu là thu nhập cao. Vì vậy, Nhà nước đưa loại xe này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là rất hợp lý vì vừa đảm bảo nhu cầu người tiêu dùng lại vừa khuyến khích sử dụng năng lượng có hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường. Đối với tàu bay, du thuyền sử dụng với mục đích cá nhân. Có thể nói đây là những mặt hàng cao cấp mà chỉ phục vụ cho những khách hàng có thu nhập rất cao vì giá chưa thuế của các sản phẩm này đã rất cao, chưa kể còn chịu thêm nhiều loại thuế suất khác.

Đây cũng là một trong những đối tượng giúp quá trình điều tiết thu nhập của Nhà nước cực hiệu quả.

Đối với các mặt hàng như đồ uống có cồn và thuốc lá điếu thì không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều đánh thuế TTĐB với mặt hàng này rất cao, Việt Nam đánh thuế thuốc lá điếu lên tới 70%3, Indonesia đánh tới 75%, Trung Quốc từ 25-30%4,… Sở dĩ loại mặt hàng này chịu thuế cao đến vậy vì ảnh hưởng tiêu cực của nó tới sức khỏe và khả năng gây nghiện cho con người.

Xe có động cơ ( chủ yếu là ô tô) cũng là đối tượng chịu thuế rất cao mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đánh thuế. Dung tích xi lanh càng lớn thì thuế suất phải chịu cũng càng cao. Ví dụ Luật thuế TTĐB quy định với loại có dung tích xi lanh tên 6.000 cm3 thuế suất lên tới 150%, cao nhất trong bảng thuế suất các hàng hóa dịch vụ. Quy định này dựa trên mục tiêu bảo vệ môi trường như vấn đề tắc đường hay ô nhiễm khí thải. Tiêu chí chỗ ngồi cũng được nhiều nước áp dụng để phân loại đối tượng chịu thuế đối với xe ô tô. Như Việt Nam thì có quy định ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng. Quy định cụ thể như vậy vì mục đích kinh doanh hoặc mục đích các nhân. Xe dưới 24 chỗ chủ yếu là xe gia đình, phục vụ mục đích đời sống xã hội cá nhân và ảnh hưởng tới môi trường nên cũng trở thành đối tượng chịu thuế TTĐB từ 5-10%.

Đối với các loại nhiên liệu như xăng, dầu cũng được các quốc gia áp dụng vào đối tượng chịu thuế này với mục đích bảo vệ môi trường vì các nguồn năng lượng tài nguyên này có hạn. Thuế TTĐB với mặt hàng này ở Việt Nam chịu thuế TTĐB từ 7-10% vì Việt Nam nhìn chung cũng giàu sản lượng tài nguyên và mức thu nhập còn thấp của người dân. Một số quốc gia phát triển khác có tỉ trọng thuế TTĐB với xăng dầu khá cao: Pháp, Ý, Hà Lan tới 20-40%.

Thứ hai, các loại dịch vụ điển hình như kinh doanh vũ trường, mát-xa, ca-si-nô,… đều phải chịu thuế TTĐB từ 15-40% tùy dịch vụ. Hiện nay, việc thu thuế TTĐB đối với các loại dịch vụ này ở Việt Nam còn khá ít vì Nhà nước vẫn còn hạn chế các hoạt động dịch vụ trên vì nhiều mặt tiêu cực tác động tới xã hội và con người5.

Có thể thấy hoạt động thu thuế TTĐB góp phần tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước: Trong giai đoạn 2015-2019, số thu thuế TTĐB năm sau luôn cao hơn năm trước. Số thu thuế TTĐB hàng năm chiếm khoảng 6-7% trong tổng thu NSNN. Bằng việc đánh thuế TTĐB với thuế suất cao vào các càng hóa, dịch vụ xa xỉ, các hàng hóa cần điều tiết, qua đó Nhà nước thu được số thu thuế TTĐB khá lớn. Trong tổng thu từ thuế TTĐB thì số thu từ các mặt hàng ô tô, thuốc lá, rượu, bia chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Thu thuế TTĐB còn góp phần điều tiết thu nhập của những người có thu nhập cao. Thông qua quy định thuế suất thuế TTĐB cao đối với hàng hóa, dịch vụ cao cấp, xa xỉ đã góp phần tăng điều tiết vào thu nhập của những người có thu nhập cao, qua đó góp phần giải quyết vấn đề tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội và cũng phần nào hạn chế được người dân sa ngã vào các dịch vụ này.

Mục đích chính của Nhà nước trong việc áp thuế TTĐB với một số mặt hàng cũng có hiệu quả đáng kể góp phần hạn chế sản xuất và tiêu dùng những mặt hàng không có lợi như thuốc lá, rượu, bia: Hiện hành, thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá là 75%; đối với bia là 65%; đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%, đối với rượu dưới 20 độ là 35%. Việc quy định thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia cao là nhằm mục đích hạn chế việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, bởi lẽ những hàng hóa này có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, đến môi trường.

Thu thuế TTĐB còn góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, giảm thiểu lượng rác thải và khí ô nhiễm ra bầu khí quyển.

Đó là những thành công lớn lao khi áp dụng quy định luật Thuế TTĐB vào thực tiễn đời sống, tuy vẫn còn vướng mắc phải một số hạn chế như: phạm vi áp dụng còn hẹp, một số quy định còn chưa rõ ràng gây hiểu lầm pháp luật khi áp dụng và thuế suất đánh vào một số mặt hàng tiêu cực còn chưa cân đối với nhu cầu và giá trị thực của sản phẩm.

1.2.  Ví dụ minh họa

Trong thực tế, mặc dù thuế TTĐB được đánh thuế khá cao ở nhiều loại hình dịch vụ nhưng vì nhu cầu người dùng và sự chênh lệch giữa giá trị thực của sản phẩm nên nhiều mặt hàng vẫn chưa thực sự đúng theo nguyện vọng của Nhà nước.

Đơn giản nhất như bộ bài tú lơ khơ mà trong dịp tụ tập nào của nhiều lứa tuổi trong xã hội đều không thể thiếu. Giá bán của một bộ bài trên thị trường khoảng 5.000 VNĐ mặc dù giá đó đã được nhà nước đánh các loại thuế khác và thuế tiêu thụ đặc biệt là 40% nhưng đến tay người tiêu dùng giá vẫn rất rẻ do giá trị thực của sản phẩm rất thấp. Hay các loại dịch vụ đặc biệt như massage, kinh doanh karaoke, vũ trường cũng chịu mức thuế này lên đến 30-40% nhưng các cơ sở vẫn mọc lên “như nấm” do nhu cầu vui chơi không thể thiếu của đại bộ phận giới trẻ. Chính người tiêu dùng sẽ là người chịu loại thuế gián thu này vì vậy, nhu cầu tăng thì dù thuế cao vẫn có thể đáp ứng được tùy vào kinh tế của người tiêu dùng.

2.  Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt

2.1.  Phân tích, đánh giá

Như căn cứ pháp lý đã nêu trên, thuế TTĐB được tính dựa trên giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ và thuế suất. Giá tính thuế được pháp luật quy định cụ thể đối với từng loại mặt hàng như sau:

Thứ nhất, đối với mặt hàng trong nước, doanh nghiệp sản xuất hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường (nếu có) của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại đó bán ra. Nếu giá bán của cơ sở sản xuất thấp hơn 10% so với giá cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế là giá do cơ quan thuế ấn định (Khoản 1, Điều 6, Luật Thuế TTĐB).

Thứ hai, đối với hàng nhập khẩu, giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu thuộc diện chịu thuế TTĐB được xác định bằng giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu, trong đó, giá tính thuế nhập khẩu được xác định theo các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn, giảm.

Thứ ba, đối với hàng hóa gia công là giá tính thuế của hàng hóa bán ra của cơ sở giao gia công hoặc giá bán của sản phẩm cùng loại hoặc tương đương tại cùng thời điểm bán hàng chưa có thuế Giá trị gia tăng và chưa có thuế TTĐB.

Thứ tư, đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá bán theo phương thức bán trả tiền một lần của hàng hóa đó không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm;

Thứ năm, đối với dịch vụ là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở kinh doanh, giá cung ứng dịch vụ đối với một số trường hợp được quy định như sau: kinh doanh gôn là giá bán thẻ hội viên, giá bán vé chơi gôn bao gồm cả tiền phí chơi gôn và tiền ký quỹ (nếu có); kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược là doanh thu từ hoạt động này trừ số tiền đã trả thưởng cho khách; kinh doanh vũ trường, mát-xa, ka-ra-ô-kê là doanh thu của các hoạt động kinh doanh trong vũ trường, cơ sở kinh doanh mát-xa, ka-ra-ô-kê.

Thứ sáu, đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi hoặc tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng cho là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều này bao gồm cả khoản thu thêm, được thu (nếu có) mà cơ sở kinh doanh được hưởng. Giá tính thuế được tính bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế. Ví dụ đối với mặt hàng bia chai nếu có đặc tiền cược vỏ chai, định kỳ hàng quý cơ sở sản xuất và khách hàng thực hiện quyết toán số tiền đặt cược vỏ chai thì số tiền đặt cược tương ứng giá trị số vỏ chai không thu hồi

được phải đưa vào doanh thu tính thuế TTĐB. Trong trường hợp các mặt hàng như vậy thì cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng theo công thức chung nêu trên.

Thuế suất theo quy định tại Điều 7 Luật Thuế TTĐB, điều này được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 195/2015/TT-BTC như sau:

“1. Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 70/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Điều 5 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ.

  • Trường hợp cơ sở sản xuất nhiều loại hàng hóa và kinh doanh nhiều loại dịch vụ chịu thuế TTĐB có các mức thuế suất khác nhau thì phải kê khai nộp thuế TTĐB theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ không xác định được theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở có sản xuất, kinh doanh”.

Và mức thuế suất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ đã được liệt kê đầy đủ trong bảng số liệu tại Điều 7.

Có thể thấy, pháp luật về thuế TTĐB đã quy định rất đầy đủ và chia từng trường hợp cụ thể khi áp dụng vào tính thuế để hạn chế tình trạng nhầm lẫn và bất công trong hoạt động thu thuế TTĐB. Sở dĩ cần chia từng giá tính thuế đối với từng loại mặt hàng vì mỗi loại mặt hàng sẽ phải chịu những mức thuế khác nhau chứ không riêng thuế TTĐB. Như các loại bánh kẹo nhập khẩu còn phải chịu cả thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng,… nên cách tính giá của mỗi mặt hàng mới có sự khác nhau cần thiết như vậy.

2.2.  Ví dụ minh họa

Để minh chứng cho căn cứ tính thuế TTĐB của Nhà nước, em xin phép phân tích ví dụ cụ thể đơn hàng của một doanh nghiệp nhập khẩu rượu như sau: Công ty TNHH đầu tư Nga Hoàng nhập khẩu 300 chai rượu Vodka (Nga) 40 độ, giá mua tại cửa khẩu nhập là 20$/chai, chi phí vận chuyển và bảo hiểm quốc tế cho cả lô hàng là 250$, hàng đang ở kho tại Cảng. Biết thuế suất thuế nhập khẩu của rượu 40 độ là 65%, thuế suất thuế TTĐB của rượu 40 độ cũng là 65%. Tỉ giá 1$ được quy đổi là 21.000vnđ. Để tính được số tiền thuế TTĐB mà Công ty Nga Hoàng phải nộp, trước hết cần tính được thuế nhập khẩu đối với rượu Vodka nhập khẩu. Công thức: Thuế nhập khẩu phải nộp = ((Số lượng x đơn giá) + Chi phí vận chuyển và bảo hiểm) x thuế suất. Áp công thức đó vào số lượng hàng Công ty Nga Hoàng nhập sẽ như sau:

Thuế nhập khẩu phải nộp = ((300 x (20$ x 21.000)) + 250$ x 21.000) x 65%

= (126.000.000 + 5.250.000) x 65% = 85.312.500.

Như vậy Công ty Nga Hoàng phải nộp thuế nhập khẩu cho 300 chai rượu Vodka 40 độ là 85.312.500 vnđ.

Sau khi tính được thuế nhập khẩu ta mới có đủ số liệu để tính thuế TTĐB mà Công ty Nga Hoàng phải trả cho 300 chai rượu này như sau: Thuế TTĐB phải nộp = ((( Số lượng hàng hóa NK x Giá tính thuế NK) + Chi phí liên quan) + Thuế NK) x Thuế suất thuế TTĐB. Áp công thức vào số liệu sẽ như sau:

Thuế TTĐB = ((300 x (20$ x 21.000)) + (250$ x 21.000) + 85.312.500) x 65%

= 126.000.000 + 5.250.000 + 85.312.500 = 140.765.625.

Như vậy số tiền thuế TTĐB mà Công ty Nga Hoàng cần phải nộp cho 300 chai rượu 40 độ nhập khẩu là 140.765.625vnđ.

Từ phân tích ví dụ trên ta thấy quy định của pháp luật Thuế TTĐB về đối tượng chịu thuế và căn cứ tính thuế được liệt kê rất minh bạch, khá đầy đủ và hiệu quả thực tiễn cao.   Tuy nhiên các quy định trên của luật vẫn còn tồn tại nhều hạn chế và thiếu sót mà các nhà làm luật cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp từng giai đoạn kinh tế đời sống.

3.  Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt

Chính vì còn tồn tại nhiều thiếu sót giữa quy phạm pháp luật và thực tiễn áp dụng nên sau quá trình nghiên cứu và phân tích, em xin đưa ra một số đề xuất để hoàn thiện hơn quy định về thuế TTĐB ở Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB: Chính vì quy định cụ thể, liệt kê cụ thể các đối tượng chịu thuế nên luật đã bỏ sót rất nhiều các đối tượng cũng cần phải chịu thuế TTĐB như mỹ phẩm cao cấp, đá quý,…Do vậy, cần nghiên cứu để dần đưa các hàng hóa, dịch vụ này vào diện chịu thuế TTĐB, bởi đây là những loại hàng hóa, dịch vụ cao cấp mà thành phần sử dụng đa số là những người có thu nhập cao trong xã hội. Việc mở rộng diện chịu thuế TTĐB với những hàng hóa dịch vụ này sẽ góp phần điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, mở rộng thêm được nguồn thu, góp phần tăng tỷ trọng thu thuế TTĐB trong tổng thu NSNN.

Thứ hai, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB: Cần điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB hợp lý để thực hiện các mục tiêu của thuế TTĐB là rõ ràng, khuyến khích sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường, tăng điều tiết đối với các hàng hóa có hại để giảm sản xuất kinh doanh và tiêu dùng các hàng hóa này.

Thứ ba, tồn tại lớn nhất của việc thực thi thuế TTĐB đó là hành vi trốn thuế của các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng bị áp

dụng thuế TTĐB. Các đơn vị tìm cách trốn thuế…Việc ấn định thuế được quy định tại điều 25 Nghị định 85/2007/NĐ-CP có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thuế TTĐB mà doanh nghiệp, cá nhân phải thực hiện. Điều này dẫn tới hậu quả là nếu tồn tại sự “hợp tác ngầm” giữa cán bộ thu thuế và người nộp thuế sẽ làm thất thoát số thuế TTĐB phải nộp mà không bị xử lý. Việc trốn thuế có thể thực hiện thông qua hành vi chuyển giá, tức là hành vi do các cơ sở kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá hàng hóa, dịch vụ trong các giao dịch mua, bán giữa các cơ sở kinh doanh có mối quan hệ đặc biệt, với mục đích giảm thiểu tới mức có thể nghĩa vụ thuế của các bên trong giao dịch đối với nhà nước. Ý thức, văn hóa tôn trọng pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý thuế.

Đây là đội ngũ thay mặt cho Nhà nước thực thi pháp luật thuế TTĐB ở thu, kiểm tra việc thi hành của người nộp thuế TTĐB. Vì vậy, ý thức tôn trọng pháp luật của họ sẽ quyết định phần quan trọng tới việc thực thi pháp luật. Hành vi trốn thuế dù tinh vi đến đâu nếu thực hiện kiểm tra một cách triệt để, công minh thì đều có thể tìm ra. Các văn bản pháp luật gần như không có chế tài xử lý thích đáng đối với đội ngũ cán bộ thuế khi có vi phạm. Đối với những cán bộ đã vi phạm tùy vào mức độ vi phạm mà có mức xử lý phù hợp. Nếu không có các quy định rõ ràng sẽ dẫn tới việc tiếp tay cho hoạt động trốn thuế, hoặc chính bản thân cán bộ sẽ gợi ý cho đối tượng nộp thuế có quen biết cách trốn thuế.

Từ những phân tích trên ta có thể thấy các quy định của Thuế tiêu thụ đặc biệt về đối tượng chịu thuế và căn cứ tính thuế được quy định rất cụ thể cho từng loại hàng hóa và dịch vụ. Sự liệt kê cụ thể đó mang tính minh bạch nhưng cũng mang tính bất cập do bỏ sót một số hàng hóa, dịch vụ cần chịu thuế TTĐB. Nhìn chung, các quy định của Luật Thuế TTĐB cũng mang tính hiệu quả cao khi áp dụng vào thực tiễn, đem lại nguồn ngân sách đáng kể cho Nhà nước.

1900.0191