Dự án Luật Dân quân Tự vệ: Dân quân Tự vệ có được sử dụng vũ khí?

Dự án Luật Dân quân Tự vệ: Dân quân Tự vệ có được sử dụng vũ khí?

25/02/2009

Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu dự án Luật Dân quân Tự vệ. Nâng lên từ Pháp lệnh, dự án Luật với 9 Chương, 68 Điều có khá nhiều vấn đề được bổ sung, sửa đổi nhằm mục tiêu xây dựng một lực lượng dân quan tự vệ “vững mạnh và rộng khắp”.

Tham gia dân quân tự vệ là nghĩa vụ của mọi công dân

Theo tinh thần của dự án Luật, Dân quân Tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác và là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân. Lực lượng Dân quân được tổ chức ở xã, phường, thị trấn, còn lực lượng Tự vệ được tổ chức ở cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội.  Tham gia Dân quân Tự vệ là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, nghề nghiệp… Độ tuổi phục vụ của Dân quân Tự vệ đối với công dân nam là từ đủ 18-45 tuổi, công dân nữ là từ đủ 18-40 tuổi. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ Dân quân và Tự vệ đều 4 năm, ở các xã biên giới, hải đảo, miền núi, vùng cao, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá không quá 6 năm.

Công dân là phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng; không đủ sức khỏe; có chồng hoặc vợ đang phục vụ trong quân đội, công an; là lao động duy nhất trong gia đình sẽ được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ Dân quân Tự vệ.

Dân quân Tự vệ vi phạm pháp luật có thể bị đưa ra xét xử ở Tòa án binh

            Bên cạnh những khía cạnh tích cực như đảm bảo an ninh nhân dân, an toàn xã hội, trong thời gian gần đây tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, lực lượng Dân quân Tự vệ cũng đã có khá nhiều hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí lợi dụng danh nghĩa Dân quân Tự vệ để sử dụng vũ khí, cướp của, đánh người. Đơn cử như các vụ Nguyễn Minh Thưởng dân quân tự vệ xã Gio Việt, Gio Linh tỉnh Quảng Trị cầm đầu nhóm cướp 7 tên thực hiện 2 vụ đánh người cướp của tại bờ biển Cửa Việt vào tháng 5/2008, vụ 5  dân quân tự vệ phường 15 quận 10 TP.HCM  bắt, đánh học sinh trái pháp luật năm 2007, hay gần đây nhất là vụ 10 dân quân, dân phòng thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương chỉ vì một xích mích nhỏ đã dùng sung uy hiếp,  đánh hội đồng một người đi đường ngày 7/1/2009.

            Từ thực tế này, dự án Luật Dân quân Tự vệ đã đưa ra một số hành vi bị nghiêm cấm đối với Dân quân Tự vệ, trong đó có hành vi giả danh, lợi dụng lực lượng Dân quân Tự vệ để vi phạm pháp luật (Khoản 3 Điều 13). Dân quân Tự vệ vi phạm pháp luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm  sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự… (Khoản 2 Điều 67). Trả lời tại cuộc họp báo, ông Lê Thanh Trung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng cho biết, tùy theo tính chất vụ việc và thời điểm vi phạm (trong thời gian huấn luyện, hoặc trong thời gian phối hợp với các lực lượng vũ trang khác bảo vệ ANTT), Dân quân Tự vệ vi phạm pháp luật có thể bị đưa ra xét xử ở Tòa án quân đội. Còn nếu hành vi vi phạm  của Dân quân Tự vệ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì vi phạm ở lĩnh vực nào sẽ bị thanh tra của lĩnh vực đó xử phạt vi phạm hành chính.

Xuân Hoa

Dân quân Tự vệ được sử dụng vũ khí khi nào?

            Theo Điều 42 của dự án Luật, Dân quân Tự vệ chỉ được sử dụng vũ khí khi có lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Tư lệnh các quân khu hoặc người chỉ huy các cấp khi được ủy quyền, và trong các trường hợp thực hiện phòng vệ chính đáng; khi thực hiện nhiệm vụ nhưng sau khi đã áp dụng không hiệu quả các biện pháp khác nhằm ngằn chặn đối tượng thực hiện hành vi gây hậu quả nghiêm trọng; khi làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, tuần tra biên giới, biển, đảo…

            Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tối đa, việc nổ súng trong các trường hợp trên sẽ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn dưới luật

1900.0191