Một số vấn đề về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Tố tụng dân sự

 Một số vấn đề về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

– Trong thực tế xét xử, có nhiều vụ án dân sự, nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn trả tiền, Tòa án đã thụ lý và đang giải quyết vụ án thì bị đơn chuyển nhượng nhà, đất thuộc sở hữu, sử dụng của mình cho người thứ ba. Nguyên đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” để bảo đảm cho việc xét xử và thi hành án. Nhiều trường hợp sau khi xem xét, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” để bảo đảm cho việc xét xử và thi hành án.

Một số Tòa án lập luận rằng nhà đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bị đơn. Bị đơn bán nhà đất, nhưng thủ tục mua bán chưa hoàn thành; người mua nhà chưa qua công chứng; người nhận chuyển nhượng đất chưa được đăng ký, nên nhà và đất vẫn thuộc về bên bán. Từ đó, không đưa người mua tham gia tố tụng (có trường hợp họ đã trả đủ tiền, nhận nhà đất hoặc đất). Chúng tôi cho rằng: trường hợp này, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với căn nhà mà người thứ ba đã mua, để bảo đảm cho việc xét xử và thi hành án, mà không đưa người mua nhà tham gia tố tụng, là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Ví dụ: Vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản ở tỉnh X giữa nguyên đơn là: anh Dương Văn Khiêm; bị đơn là chị Nguyễn Thị Kim Anh, anh Nguyễn Đức Tân. Theo đó, anh Khiêm đòi chị Anh và anh Tân trả tiền vay và một phần tiền lãi (Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý ngày 11-5-2010). Đến ngày 08-6-2010, chị Anh và anh Đức chuyển nhượng nhà và đất cho vợ chồng anh Đặng Văn Đương, chị Trần Thị Liễu. Sau đó, anh Khiêm có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tại Quyết định số 12/QĐ-BPKCTT ngày 15-6-2010, Tòa án nhân dân thành phố Y áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản nói trên. Nhưng khi giải quyết vụ án, Tòa án các cấp không đưa người mua nhà đất tham  gia tố tụng, là thiếu sót. Bản án phúc thẩm số 23/PTDS ngày 25-4-2011 của TAND tỉnh X đã bị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 240/GĐT ngày 28-5-2012, Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Y xét xử sơ thẩm lại để đưa người mua nhà đất tham gia tố tụng và giải quyết vụ án cho đúng pháp luật.

– Về việc tuyên án: “Tiếp tục giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời….” tại phần quyết định của bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm:

Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” (tại chương VIII) và Nghị quyết số 02/HĐTP/NQ-HĐTP ngày 27-4-2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn thi hành một số quy định về “các biện pháp khẩn cấp tạm thời” nói trên. Theo đó, trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đương sự có yêu cầu. Tại phiên tòa, việc áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định. Đồng thời, BLTTDS (Điều 125) cũng quy định về giải quyết kiến nghị, khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nghị quyết số 02/HĐTP/NQ-HĐTP nói trên còn ban hành kèm theo các biểu mẫu văn bản tố tụng dùng cho Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, chuẩn bị xét xử phúc thẩm hoặc được phân công thụ lý yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đồng thời các biểu mẫu dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là quyết định riêng biệt có hiệu lực thi hành ngay và bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 122 BLTTDS. Việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại của đương sự đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định riêng, chứ không theo thủ tục xem xét kháng cáo (khi xét xử phúc thẩm) hay xem xét đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, việc tuyên án tiếp tục giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phần quyết định của bản án đã trở thành thói quen của nhiều Thẩm phán ở một số Tòa án. Việc Tòa án tuyên án: “Tiếp tục giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời…” tại phần quyết định của bản án, là không phù hợp với quy định của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27-5-2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

1900.0191