Những nội dung cơ bản của Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN – Úc – Niudilân

Những nội dung cơ bản của Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN – Úc – Niudilân

21/04/2009

Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 tại Thái Lan, các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN, Úc, Niudilân đã ký Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN – Úc – Niudilân (Hiệp định AANZFTA) với các văn bản liên quan: Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN – Úc – Niudilân; Bản ghi nhớ về Điều 1, Chương 2 thuộc Hiệp định AANZFTA và Thỏa thuận thực hiện Chương trình làm việc về hợp tác kinh tế theo Chương 12 của Hiệp định AANZFTA.
AANZFTA là Hiệp định xây dựng khu vực thương mại tự do toàn diện, nội dung của Hiệp định được xây dựng phù hợp với quy định tại Điều XXIV về áp dụng theo lãnh thổ – hàng biên mậu liên minh thuế quan và khu thương mại tự do của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại/WTO quy định tại Điều V về hội nhập kinh tế của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ/WTO, theo đó AANZFTA xác định mục tiêu là nhằm từng bước tự do hóa thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và tăng cường các cơ hội đầu tư thông qua việc xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi; thành lập khuôn khổ hợp tác, thúc đẩy trao đổi thương mại về đầu tư giữa các bên; khuyến khích, tạo điều kiện để các nước thu hẹp khoảng cách phát triển.

Hiệp định gồm có 18 Chương với 4 phụ lục về lộ trình cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, cam kết di chuyển thể nhân. Cơ cấu của Hiệp định như sau: Chương I – Thành lập khu vực thương mại tự do, mục tiêu và định nghĩa; Chương II – Thương mại hàng hóa; Chương III – Quy tắc xuất xứ; Chương IV – Thủ tục hải quan; Chương V – Kiểm dịch động thực vật; Chương VI – Tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp; Chương VII – Các biện pháp tự vệ; Chương VIII – Thương mại dịch vụ; Chương IX – Di chuyển thể nhân; Chương X – Thương mại điện tử; Chương XI – Đầu tư; Chương XII – Hợp tác kinh tế; Chương XIII – Sở hữu trí tuệ; Chương XIV – Cạnh tranh; Chương XV – Các điều khoản chung và ngoại lệ; Chương XVI – Thể chế; Chương XVII – Tham vấn và giải quyết tranh chấp; Chương XVIII – Các điều khoản cuối cùng.

Về thương mại hàng hóa, AANZFTA chia lộ trình cắt giảm thuế quan thành 4 nhóm nước theo cấp độ giảm thuế từ nhanh đến chậm, Nhóm 1: Úc, Niudilân; Nhóm 2: ASEAN 6; Nhóm 3: Việt Nam; Nhóm 4: CLMV (bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Danh mục giảm thuế gồm Danh mục thông thường với các dòng thuế được cắt giảm xuống 0% trong 10 năm, chiếm 90% tổng số dòng thuế, còn lại là Danh mục nhạy cảm (chiếm 10% số dòng thuế), trong đó 6% thuộc danh mục nhạy cảm thường và 4% thuộc danh mục nhạy cảm cao. 1% tổng số dòng thuế thuộc danh mục nhạy cảm cao được loại trừ khỏi nghĩa vụ cắt giảm, xóa bỏ thuế quan.

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho các mặt hàng thuộc danh mục thông thường, trong đó danh mục thông thường 1 chiếm 85% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế vào năm 2018, danh mục thông thường 2 chiếm 5% sẽ được xóa bỏ thuế vào năm 2020. Đối với danh mục nhạy cảm thường, Việt Nam cam kết giảm dần xuống mức 5% vào năm 2022, với các nhóm mặt hàng hải sản, thịt cá đóng hộp, một số loại dược phẩm, khí dầu mỏ, nhựa nguyên liệu, săm lốp, giấy… Đối với danh mục nhạy cảm cao, Việt Nam được quyền giữ nguyên mức thuế suất MFN (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi) hoặc giảm xuống 50% hoặc giảm đi 20%-5% thuế suất vào năm 2022, bao gồm các nhóm mặt hàng như thịt gà, rượu bia, đường, sắt thép..

Quy tắc xuất xứ, theo AANZFTA Quy tắc xuất xứ bao gồm các tiêu chí về xuất xứ thuần túy, hàm lượng giá trị khu vực 40%, tiêu chí chuyển đổi nhóm và tiêu chí các mặt hàng cụ thể.

Thủ tục hải quan, AANZFTA tạo thuận lợi thương mại thông qua đẩy mạnh hợp tác, đơn giản và hài hòa hóa thủ tục hải quan, trong đó đặc biệt quan tâm đến thực hiện cơ chế hải quan một cửa, sử dụng công nghệ điện tử trong thông quan và phân loại hàng hóa trước khi cập cảng.

Quy định về kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp được quy định tại Chương 5 và Chương 6 với các quy định chủ yếu về nâng cao tính minh bạch, khuyến khích trao đổi trong việc áp dụng các thủ tục và quy định liên quan cũng như tăng cường hợp tác giữa các cơ quan kiểm dịch động thực vật của các bên. AANZFTA ưu tiên áp dụng tham vấn khi có phát sinh tranh chấp liên quan thay vì sử dụng các chế tài, quy định này phù hợp với quy định của WTO.

Chương 7 quy định về các biện pháp tự vệ, theo đó một bên có quyền áp dụng biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp nếu lượng nhập khẩu một hàng hóa tăng lên đột biến do thực hiện cam kết của AANZFTA, hậu quả của sự tăng đột biến hàng hóa này đã đe dọa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp nội địa sản xuất hàng hóa tương tự. Điều kiện để được áp dụng các biện pháp tự vệ: nhập khẩu từ một bên vượt quá 3% tổng nhập khẩu từ các bên khác và trong trường hợp tổng nhập khẩu từ nhiều nước vượt quá 9% tổng nhập khẩu từ các bên khác sẽ có lợi cho các nước có năng lực xuất khẩu nhỏ.

Những vấn đề về thương mại dịch vụ được quy định tại Chương 8, Chương này có 24 Điều và hai phụ lục về dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông và cam kết tự do hóa. Chương này áp dụng quy định về bảo hộ đầu tư (đối xử đầu tư, tước quyền sở hữu, đền bù thiệt hại, chuyển tiền ra nước ngoài, thế quyền và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước) của Chương đầu tư (Chương 11) trong lĩnh vực dịch vụ. Các phụ lục về tài chính và viễn thông, ngoài một số chi tiết được bổ sung thêm thì về cơ bản được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc và cam kết của GATs.

Đối với cam kết mở cửa thị trường, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường dịch vụ giáo dục, cụ thể nếu trong tương lai Việt Nam cùng các nước ASEAN tham gia hiệp định thương mại dịch vụ với đối tác thứ ba và trong đó Việt Nam đưa ra cam kết về phương thức 1 cao hơn cam kết trong AANZFTA thì Việt Nam sẽ dành cho Úc, Niudilân nhưng ưu đãi đó. Ngoài ra, Việt Nam cũng đồng ý giảm tiêu chuẩn về số năm kinh nghiệm đối với giáo viên nước ngoài từ năm năm xuống còn ba năm. Chúng ta cũng cam kết mở cửa thêm một số ngành học như quản lý khách sạn, hướng dẫn du lịch, kiến trúc, y dược, dịch vụ thú ý, nghệ thuật… đây là những ngành học mà Úc, Niudilân có thể cung cấp dịch vụ đào tạo tại Việt Nam. Ngoài những cam kết này, Việt Nam bảo lưu chưa áp dụng cam kết đối với người nước ngoài thường trú tại Úc, Niudilân.

Chương về đầu tư bao gồm các quy định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc… đặc biệt là quy định của nguyên tắc dành đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước thành viên mới của ASEAN (nhóm các nước CLMV). Theo đó các bên sẽ dành đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước này thông qua hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư của CLMV… và cho phép các những nước này đưa ra cam kết phù hợp với mức độ phát triển của họ.

AANZFTA quy định Ủy ban hỗn hợp về Khu vực thương mại tự do (FTA JC) là quan có quyền lực cao nhất, chịu trách nhiệm theo dõi thực hiện Hiệp định, thực hiện báo cáo thường xuyên lên Hội nghị tham vấn các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Úc – Niudilân thông qua Hội nghị quan chức kinh tế cấp cao (SEOM), cơ quan này có quyền thành lập các cơ quan cấp dưới để giúp việc cho FTA JC trong từng vấn đề cụ thể. FTA JC sẽ họp phiên đầu tiên trong vòng một năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, sau đó các bên sẽ quyết định lịch họp cho phiên tiếp sau. AANZFTA cũng yêu cầu các nước thành lập cơ quan  liên lạc của nước mình để thúc đẩy đối thoại giữa các bên về những vấn đề liên quan của AANZFTA.

Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định được quy định một cách linh hoạt tại Chương 18 nhằm tạo điều kiện cho một số nước ký kết Hiệp định sau. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 nếu Úc, Niudilân và có ít nhất bốn nước ASEAN đã hoàn thành thủ tục pháp lý trong nước trước ngày 01/7/2009.

Có thể nói rằng AANZFTA sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các nước trong khu vực ASEAN mở rộng hội nhập và đẩy mạnh xuất khẩu. Với việc tham gia AANZFTA, Việt Nam tiếp tục khẳng đinh vị thế, tiếng nói của mình không những trong khu vực mà trên toàn thế giới, thể hiện nỗ lực tăng cường hội nhập kinh tế với quốc tế và khu vực. AANZFTA sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các bên, trong đó Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ AANZFTA, với những cơ chế về tự do thương mại và những ưu ái mà Hiệp định dành cho các nước mới, hàng hóa Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc mở rộng thị trường sang Úc, Niudilân.

TTT

1900.0191