Quyền trẻ em theo quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989

Quyền trẻ em theo quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989

23/04/2009

Trong mọi xã hội, trẻ em đều là đối tượng được Nhà nước và cả xã hội dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, bởi đó là thế hệ tương lai của mỗi quốc gia và của nhân loại. Chính vì vậy, việc tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển dần dần và đi tới sự phát triển một cách toàn diện về nhân cách, về lối sống, về nhận thức… chính là việc bảo đảm cho trẻ em có được các quyền cơ bản như quyền được có tên và quốc tịch; quyền được bảo vệ và chăm sóc; quyền không bị cách ly khỏi cha mẹ; quyền được chăm sóc sức khoẻ; quyền được học hành; quyền được sống trong môi trường lành mạnh; quyền được thông tin; quyền được giải trí; quyền được hội họp; quyền được bảo vệ chống lại sự ngược đãi…
Trước khi Liên hợp quốc được thành lập, các quốc gia đã thông qua Tuyên ngôn Giơnevơ 1924 về quyền trẻ em trong đó khẳng định trẻ em cần được chăm sóc đặc biệt. Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc khẳng định: "Tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo". Tuyên ngôn về các quyền của trẻ em do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1959 khẳng định: "Loài người có trách nhiệm trao cho trẻ em điều tốt đẹp nhất". Điều 24 Công ước về các quyền chính trị – dân sự năm 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1982) nêu rõ: "Mọi trẻ em… đều có quyền được hưởng sự bảo hộ của gia đình, xã hội và nhà nước". Điều 10 Công ước về các quyền kinh tế – xã hội và văn hoá năm 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1982) quy định: "Thanh thiếu niên cần được bảo vệ và không bị bóc lột về kinh tế – xã hội, cấm bóc lột lao động trẻ em".

Ngày 20/11/1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (Công ước về quyền trẻ em) và mở cho các nước ký, phê chuẩn và tham gia theo Nghị quyết số 44/25. Theo quy định tại Điều 49 của Công ước thì Công ước về quyền trẻ em có hiệu lực từ ngày 02/9/1990. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á và là nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.

Các quyền của trẻ em theo Công ước về quyền trẻ em năm 1989

Ngay trong phần Lời nói đầu của Công ước về quyền trẻ em năm 1989 đã nhắc lại khẳng định trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người mà Liên hợp quốc đã công bố rằng “trẻ em có quyền được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt… và tin tưởng rằng gia đình với tư cách là nhóm xã hội cơ bản và môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của tất cả các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em cầm có sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết để có thể đảm đương đầy đủ trách nhiệm của mình trong cộng đồng… và để phát triển đầy đủ và hài hoà nhân cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông. Phần lời nói đầu của Công ước xác định lý do để bảo vệ các quyền trẻ em là vì “do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời”. Theo quy định của Điều 1 của Công ước thì trẻ em là người có độ tuổi dưới 18, trừ trường hợp pháp luật áp dụng đối với trẻ em đó có quy định độ tuổi sớm hơn. Với khẳng định trong phần Lời nói đầu, các quốc gia thành viên tiếp tục khẳng định một cách cụ thể, chi tiết hơn các quyền của trẻ em, gồm các quyền cụ thể như:

1. Quyền về không phân biệt đối xử đối với trẻ em. Nguyên tắc cơ bản của Công ước là mọi trẻ em phải được hưởng quyền của mình dù là gái hay trai, giàu hay nghèo, khoẻ mạnh hay ốm đau, khuyết tật, đa số hay thiểu số, theo tôn giáo hay không tôn giáo…

2. Quyền được có họ tên và quốc tịch. Trẻ em có quyền được đăng ký lập tức khi sinh ra, và có quyền có họ tên và có quốc tịch ngay từ khi ra đời.

3. Quyền được bảo vệ và chăm sóc . Vì chưa đạt đến sự trưởng thành về mặt thể chất và trí tuệ, trẻ em cần phải được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, trước cũng như sau khi ra đời. Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn áo mặc. Khi làm việc vắng nhà, chúng ta cần phải lo thu xếp sao cho trẻ em luôn được người lớn có trách nhiệm trông nom, hoặc đưa các em đến nhà trẻ, trường học để các em được an toàn và chăm sóc tốt.

4. Quyền không bị cách ly khỏi cha mẹ. Trong trường hợp trẻ sống riêng với cha hoặc mẹ của mình, các em có quyền gặp gỡ với người cha hay người mẹ mà các em không được sống chung. Nếu vì một lý do nào đó mà một trong hai người đang ở nơi khác, trẻ em có quyền được biết nơi ở và tình hình của cha, mẹ mình. Khi cha mẹ không sống với con mình, họ cần phải chu cấp cho các em một khoản tiền trợ cấp đảm bảo cho các em cuộc sống đầy đủ.

5. Quyền được chăm sóc sức khoẻ. Các bậc cha mẹ cần phải chăm sóc sức khoẻ của con cái mình, giữ cho các em luôn sạch sẽ, được tiêm phòng và trong trường hợp các em bị ốm đau, được đưa tới các trung tâm y tế, nơi có điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho các em.

6. Quyền được học hành. Trẻ em cần nhận được sự giáo dục cần thiết, được giúp đỡ để phát triển tốt về thể chất, trí tuệ và xã hội, trở thành người công dân có trách nhiệm và biết tôn trọng những quyền của người khác.

7. Quyền trẻ em trong trường học. Nghĩa vụ của thầy cô giáo là lên lớp và giảng dạy tốt, khi uốn nắn trẻ em không được làm tổn hại đến các em, không được xúc phạm trẻ em. Các bậc cha mẹ cần phối hợp với nhà trường trong việc giám sát để đảm bỏ điều này được thực hiện.

8. Quyền được sống trong môi trường lành mạnh. Trẻ em có quyền được sống và hưởng một môi trường lành mạnh và tự nhiên. Để có được điều này, người lớn phải có trách nhiệm hướng dẫn và giáo dục các em biết giữ gìn thiên nhiên, nguồn nước, bầu không khí, cây cối và các loài vật.

9. Quyền được giải trí. Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí và tham gia vào bất kỳ một hoạt động nào cần thiết cho sự hình thành và phát triển nhân cách và thể chất của các em.

10. Quyền được thông tin. Trẻ em có quyền được đọc sách báo, xem các chương trình truyền hình và nghe các chương trình phát thanh phù hợp với lứa tuổi của các em. Các bậc cha mẹ cần biết con cái mình đọc gì và xem gì, để hướng dẫn các em tránh đọc và xem những điều làm cho các em sợ hãi, nhầm lẫn hoặc làm hại đến các em.

11. Quyền được tổ chức hội họp. Trẻ em cũng có quyền được tự do kết giao và tập hợp nhau theo những nhóm bạn cùng chung sở thích, cũng như tổ chức những cuộc họp mang tính chất hoà bình.

12. Quyền được tự do bày tỏ ý kiến. Trong tất cả mọi quyết định có ảnh hưởng đến trẻ em được đưa ra trong gia đình, trường học, toà án, bệnh viện hay tại bất kỳ một cơ quan nào khác, người lớn cần lắng nghe ý kiến của trẻ em và làm những điều tốt nhất cho các em.

13. Quyền được bảo vệ chống lại sự ngược đãi. Không ai được phép làm tổn hại đến trẻ em. Nghĩa vụ  của chúng ta là tôn trọng và bảo vệ các em. Không ai được ngược đãi trẻ em trai và gái về mặt thể chất, bằng ngôn ngữ hoặc tình cảm, kể cả cha, mẹ, thầy cô giáo hay những người chăm sóc trẻ. Ai xâm hại về thể chất và tinh thần, làm tổn thương hoặc gây thương tích cho một bé trai hay gái là người phạm tội.

14. Quyền được bảo vệ chống lại sự lạm dụng tình dục. Các bậc cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ con cái của mình tránh mọi nguy cơ bị xâm hại tình dục dưới mọi hình thức khác nhau (từ những lời nói bóng gió, những cái vuốt ve mơn trớn, tiếp xúc bằng tay đến những sự phô diễn xấu xa và hành vi cưỡng dâm). Không một ai, kể cả cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, anh em, họ hàng, thầy cô giáo, hàng xóm, hay những người xa lạ với gia đình, có thể lạm dụng và xâm hại trẻ em về mặt tình dục. Lạm dụng tình dục trẻ em là một tội ác. Nếu cha mẹ hay những người có trách nhiệm chăm sóc các em nhận thấy những điều đó mà không báo cho các nhà chức trách thì bị coi là kẻ đồng phạm.

15. Quyền được nhận làm con nuôi. Trẻ em vì một nguyên nhân nào đó không có cha mẹ, đều có quyền có một gia đình và được nhận làm con nuôi dưới hình thức hợp pháp. Cấm mọi hành vi mua bán trẻ em. Hãy nhớ rằng buôn bán trẻ em là một tội ác.

16. Quyền được nhận sự chăm sóc đặc biệt. Những trẻ em không thể nhìn, không thể nghe, phải dùng xe đẩy, nạng hay máy móc hỗ trợ; chậm phát triển hay có bệnh về mặt tinh thần, đều có quyền được mọi người yêu quý, chăm sóc, tôn trọng, được phục hồi chức năng và tạo điều kiện để làm việc bởi vì các em có giá trị cho chính bản thân mình, tuỳ theo khả năng sẵn có của các em. Các bậc cha mẹ cần phải tìm kiếm và nhận sự trợ giúp cũng như các thông tin cần thiết.

17. Quyền được bảo vệ chống lại sự bóc lột. Cấm lợi dụng trẻ em, buộc các em đi làm ăn xin, hoặc làm việc vì lợi ích riêng của người lớn. Đây chính là hình thức bóc lột trẻ em. Không một ai có quyền làm điều đó, kể cả các bậc cha mẹ.

18. Quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột về kinh tế. Trẻ em gái và trai từ đủ 15 tuổi trở lên do nhu cầu cần phải lao động sớm, phải có chế độ làm việc đặc biệt, chỉ làm những công việc nằm trong khả năng của mình, tại nơi không nguy hiểm và không độc hại. Các em cần phải được lĩnh một khoản tiền lương hợp lý để sử dụng cho nhu cầu của mình và phải có thời gian để các em học tập, vui chơi giải trí.

19. Trẻ em và cuộc sống nội trú. Vì một lý do nào đó mà trẻ em phải sống nội trú trong bệnh viện hoặc trung tâm giáo dưỡng thì có quyền được đối xử tốt, được giải thích vì sao các em ở đó và khi nào các em được ra, được tôn trọng về mặt nhân phẩm, được thương yêu và tạo mọi cơ hội để phát triển và nâng cao trình độ.

20. Bảo vệ trẻ em chống mọi hình thức tra tấn và đối xử tàn tệ. Cấm mọi hành vi làm nhục, đối xử dã man và vô nhân đạo đối với trẻ em như đốt, trói, đánh đập bằng gậy gộc và những vật dụng khác. Người lớn có nghĩa vụ phải bảo vệ các em và tố cáo với các nhà chức trách khi biết được ai đó đang phạm tội ác này.

21. Khi trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật. Luật pháp quy định, không một trẻ em nào có thể bị bắt hay bị tạm giam, tạm giữ trong đồn cảnh sát hoặc nhà tạm giữ nếu chưa có quyết định tạm giam, tạm giữ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Không trẻ em nào có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có phán quyết của Toà án. Trẻ em làm trái pháp luật cần nhận được mọi sự giúp đỡ, chăm sóc cần thiết để có điều kiện sớm hoà nhập vào cuộc sống của gia đình và cộng đồng, tránh các hành vi tái phạm. Các bậc cha mẹ và những người giám hộ đỡ đầu chính là những người chịu trách nhiệm về mọi hành vi của con cái mình.

22. Bảo vệ trẻ em trước nạn ma tuý. Các bậc cha mẹ hay người giám hộ phải luôn cảnh giác, phải giáo dục và hướng dẫn trẻ em nhằm ngăn ngừa việc các em tiêu thụ và sử dụng ma tuý, thuốc lá, rượu và bất kỳ sản phẩm nào khác làm hại đến sức khoẻ của các em.

Có thể nói Công ước quyền trẻ em năm 1989 đã bao quát được tất cả các khía cạnh của quyền trẻ em. Ngoài lời nói đầu, nội dung của Công ước gồm 3 phần với 54 điều khoản. Đặc biệt trong Phần I, bên cạnh định nghĩa, các nguyên tắc chung của việc bảo vệ quyền trẻ em, Công ước còn đề cập các biện pháp bảo vệ đối với trẻ em tị nạn, trẻ em trong khu vực có xung đột quân sự, trẻ em bị bóc lột và trẻ em thuộc dân tộc thiểu số.

Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 là điều ước quốc tế đa phương phản ánh tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ quyền trẻ em cũng như sự quan tâm của các quốc gia đối với thế hệ trẻ. Lần đầu tiên, Công ước về quyền trẻ em đã khái quát được các khía cạnh của quyền trẻ em và xác định rõ nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo đảm quyền của trẻ em và mỗi quan hệ giữa quyền trẻ em với quyền con người nói chung. Và để thực thi Công ước, Điều 43 của Công ước quyền trẻ em năm 1989 quy định thành lập Uỷ ban về quyền trẻ em nhằm xem xét sự tiến bộ mà các quốc gia thành viên đạt được trong việc thực hiện các nghĩa vụ mà họ đã cam kết thông qua các báo cáo định kỳ. Đồng thời theo Điều 45, bên cạnh Uỷ ban về quyền trẻ em thì các cơ quan chuyên môn, UNICEF và các tổ chức khác thuộc Liên hợp quốc cũng có thẩm quyền giám sát, giúp đỡ các quốc gia thành viên trong quá trình thực hiện Công ước.

Chu Tam Tuấn

1900.0191