Cần mở rộng đối tượng áp dụng Luật Phá sản

Cần mở rộng đối tượng áp dụng Luật Phá sản

16/06/2008

(Trao đổi của Bà Bùi Thị Hải – Phó Chánh Toà Kinh tế – TANDTC với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam)

– Thưa bà, xin bà cho biết thực trạng giải quyết các loại việc về phá sản trong cả nước sau hơn 3 năm thi hành Luật phá sản?

Từ khi Luật phá sản có hiệu lực đến nay, tình hình thụ lý, giải quyết phá sản trong cả nước như sau: Năm 2005 TAND cấp  huyện và TAND cấp tỉnh, trong cả nước phải giải quyết 14 việc, trong đó thụ lý mới 11 đơn,  tồn năm 2004 chuyển sang  03 việc. Đã giải quyết  được 01 việc,  còn tồn 13 việc chuyển sang năm 2006. Đến năm 2006, con số mà TA cấp huyện, tỉnh của cả nước phải  giải quyết là 53 việc, trong đó thụ lý mới 40 đơn. Đã giải quyết được 16 việc, còn tồn 37 việc. Đến năm 2007, tổng số phải giải quyết 175 việc, đã giải quyết 159 việc. Như vậy là sau hơn 3 năm thi hành, lượng thụ lý đơn yêu cầu và số lượng được tuyên bố phá sản nhiều hơn số lượng thụ lý và tuyên bố phá sản doanh nghiệp của 9 năm thực thi Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 ( Trong 9 năm toàn ngành TAND chỉ thụ lý có 151 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp (DN), trong đó chỉ tuyên bố được 46 DN bị phá sản).

-Như vậy là việc tiến hành thủ tục phá sản của ngành TAND đang ngày càng tăng. Nhưng, dường như con số này cũng chưa phản ánh đúng thực tế?

Đúng vậy! So với hơn nữa triệu DN, hợp tác xã (HTX)  hiện hữu, thì tỷ lệ bị yêu cầu mở thủ tục phá sản là rất nhỏ, chưa phản ánh đúng thực tế, tình trạng hiện nay của các DN, HTX.

Đối với  DN nhà nước, việc phá sản hay không phụ thuộc  nhiều vào đại diện chủ sở hữu, tức là phụ thuộc và Bộ quản lý ngành,  UBND tỉnh … Khi thấy DN lâm vào tình trạng phá sản,  DN có muốn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN mà không có sự đồng ý của đại diện chủ sở hữu thì không thực hiện được. Ở khía cạnh khác, người đại diện hợp pháp của DN có thể vì động cơ cá nhân nên không báo cáo đại diện chủ sở hữu về tình trạng mất khả năng thanh toán của DN, không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản  Sau đó, hoặc là họ về hưu, hoặc là họ được điều động đi nơi khác. Khi đại diện chủ sở hữu nộp đơn hoặc yêu cầu DN nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN thì tài sản của DN đã bị điều chuyển,  còn lại chẳng là bao nên khả năng thu hồi nợ rất khó khăn.

Số lượng đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN,HTX đã ít, nhưng không phải cứ có đơn yêu cầu là Toà án đã thụ lý được, vì có những đơn yêu cầu không đủ điều kiện để thụ lý. Ví dụ, như đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với xí nghiệp, nhà máy là đơn vị hạch toán nội bộ của DN, bản thân các đơn vị này không phải là đối tượng áp dụng Luật phá sản; có trường hợp nộp đơn nhưng không nộp dự phí phá sản hoặc nộp đơn rồi lại rút đơn v.v…

Thời gian tiến hành thủ tục phá sản kéo dài. Từ khi Luật phá sản có hiệu lực đến nay, có Toà án địa phương đã thụ lý cả chục đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN và đều đã ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, có quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản ra từ tháng 12/2004, nhưng cho đến đầu tháng 6 /2008 vẫn chưa ra được quyết định tuyên bố phá sản DN, HTX nào.

Rất nhiều Toà án địa phương kêu vướng về cơ chế liên quan đến việc thanh lý tài sản (đây có thể nói là khó khăn lớn nhất trong thực thi Luật phá sản). Xin bà cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Việc thanh lý tài sản hiện gặp rất nhiều khó khăn. Đó là, thủ tục thanh lý tài sản kéo dài do khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu là rất khó, các con nợ không có tài sản hoặc các con nợ ở các địa phương khác nhau nên thủ tục xác minh, kê biên tài sản cũng còn gặp nhiều khó khăn. Trường hợp các con nợ không có tài sản để thu hồi thì chưa có quy định của pháp luật hướng dẫn phải giải quyết như thế nào; Thứ nữa, tài sản được định giá rồi, nhưng quá sáu tháng không bán được thì phải tổ chức định giá lại, gây kéo dài thời gian, tốn kém về sức người sức của, trong khi tài sản ngày một hao mòn, giảm giá trị;

Bên cạnh đó, theo quy định, tài sản bán đấu giá, nếu sau hai lần giảm giá mà vẫn không bán được thì các chủ nợ có quyền nhận tài sản theo giá đã giảm. Nếu các chủ nợ không nhận thì trả lại tài sản đó cho doanh nghiệp, hợp tác xã.  Quy định như vậy là không khả thi, vì thủ tục thanh lý tài sản là thủ tục (giai đoạn) cuối cùng, trước khi Thẩm phán ra quyết định  tuyên bố DN, HTX bị phá sản. Do đó, tài sản của DN, HTX đã được thu hồi buộc phải bán (thanh lý) hết. Nếu không bán được, chủ nợ không nhận thì trả lại cho doanh nghiệp, hợp tác xã đó, thì sẽ không thể kết thúc được thủ tục thanh lý tài sản, lại rơi vào tình trạng DN, HTX “chết không được chôn”;

Điều đặc biệt là việc thanh lý tài sản liên quan đến quyền sử dụng đất.   Đối với DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản, tài sản có giá trị lớn nhất là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Nhưng theo quy định của Luật đất đai thì trong trường hợp phá sản thì đất đai phải bị thu hồi (khoản 2 Điều 38). Tức là, khi bán đấu giá tài sản gắn liền với đất, thì chỉ được bán tài sản trên đất, còn đất thì phải thu hồi. Có nhiều trường hợp UBND chỉ chấp thuận làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho đối tượng cụ thể. Do vậy, xảy ra tình trạng  sẽ hạn chế đối tượng tham gia đấu giá tài sản, từ chỗ tài sản có giá trị rất lớn nếu được bán cùng với việc chuyển  quyền sử dụng đất cho người mua, trở thành tài sản mất giá hoặc chẳng có giá trị gì nếu đất bị thu hồi để giao quyền sử dụng cho người khác hoặc ký hợp đồng thuê với người khác mà không phải là người mua tài sản trên đất đó. Hậu quả là cả DN, HTX, cả các chủ nợ đều phải gánh chịu sự thiệt thòi.

– Như vậy Luật Phá sản đã bộc lộ nhiều bất cập. Nếu sửa đổi bổ sung, theo bà cần sửa đổi, bổ sung những nội dung gì, đặc biệt là gỡ cho công tác giải quyết phá sản của ngành Toà án?

Theo tôi, về lâu dài, các Cơ quan, Bộ, ngành chức năng cần tiến hành khảo sát, tổng kết, đánh giá tình hình thực thi Luật phá sản 2004, trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi một cách căn bản, toàn diện Luật này. Nếu sửa đổi, bổ sung Luật phá sản cần thực hiện theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng Luật phá sản, không  chỉ hạn chế cho hai đối tượng là doanh nghiệp và hợp tác xã như quy định của Luật phá sản năm 2004; xã hội hoá hoạt động quản lý, thanh lý tài sản, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào quá trình này.

Trước mắt, hiệu quả thực thi Luật phá sản không chỉ phụ thuộc vào nội dung của Luật mà còn phụ thuộc vào sự hoàn thiện của cả hệ thống pháp luật có liên quan, để giải quyết những khó khăn vướng mắc hiện nay, giúp ngành Toà án thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết phá sản theo quy định của Luật phá sản hiện hành, Chính phủ,  các Bộ, ngành có liên quan ban hành sớm các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành một số Điều của Luật phá sản và sớm sửa đổi , bổ sung và hoàn thiện các văn bản có liên quan đến giải quyết phá sản như Luật đất đai, Nghị định về án phí, lệ phí Toà án và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

         Xin cảm ơn bà đã dành cho Pháp luật Việt Nam cuộc trao đổi này!

Bình An

1900.0191