Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong chiến lược cải cách tư phápcủa ngành tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong chiến lược cải cách tư pháp của ngành tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

06/05/2008

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng quan tâm và dày công xây dựng Đảng thành một khối đại đoàn kết thống nhất vững mạnh, trong sạch. Người thường chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ trở thành những con người vừa hồng vừa chuyên.
Người còn dạy “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém…”. Những tư tưởng của Người về công tác cán bộ vẫn luôn là những giá trị thực tiễn, là bài học kinh nghiệm vô giá trong công cuộc dựng xây nhà nước pháp quyền hiện nay và mai sau. Chính những tư tưởng vô cũng quí báu ấy đã được Đảng ta vận dụng xây dựng các chiến lược xây dựng, phát triển thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, mà điển hình là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhưng đề cập toàn diện nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn từ 2006 – 2010, nhằm góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ đất nước, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế.

Để thực hiện các nghị quyết này, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt các sở, ban ngành, hội đoàn thể ở tỉnh đến trưởng phó ngành tư pháp cấp huyện, thành phố để xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, với các nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề sau đây: Tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên trong ngành về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chỉ đạo quản lý chặt chẽ công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện công tác kiểm tra xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh để sửa đổi bổ sung hoặc huỷ bỏ những nội dung không còn phù hợp. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; thực hiện sắp xếp, bố trí đủ số lượng và đảm bảo về chất lượng cán bộ, công chức cho các cơ quan tư pháp nhất là ở cấp huyện… Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, các sở, ban ngành, các cấp uỷ, chính quyền nhằm quán triệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt đến năm 2010.

Quảng Ngãi là tỉnh nghèo, có tới 43 xã đặc biệt khó khăn và 65 xã thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, lại đang trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển khu kinh tế, các khu công nghiệp, mà đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được qua đào tạo còn ít, nhất là đội ngũ làm công tác tư pháp ở các cấp các ngành lại càng thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, do vậy tỉnh đã đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ công chức toàn tỉnh. Tỉnh đã xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015, trong đó xác định: phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá của tỉnh, vừa có tính cấp bách vừa có tính chiến lược, nhằm xây dựng lực lượng lao động có phẩm chất và năng lực ngày càng cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý. Nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực phải tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vững mạnh theo hướng trí thức hoá đội ngũ cán bộ xã, chuyên môn hoá cán bộ cấp huyện và đào tạo cán bộ cấp tỉnh có tầm chiến lược…;đến năm 2010 sẽ đào tạo, bồi dưỡng cho tổng số 15.930 lượt người, gồm: tiến sĩ 20, thạc sĩ 100, sau đại học (y tế) 89, đại học 1.714, cao đẳng 1.503, trung cấp 2.068, sơ cấp 1.261, bồi dưỡng ngoại ngữ – tin học 2.879, quản lý nhà nước, chuyên môn, và bồi dưỡng khác 6.096, đào tạo văn hoá cho cán bộ công chức cấp xã 200… với tổng kinh phí chi cho đào tạo, bồi dưỡng này là 69,162 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Là một trong số các cơ quan khối tư pháp tỉnh, Sở Tư pháp đã xây dựng Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện mà trọng tâm là: Xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp tỉnh trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, nâng cao chất lượng và năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Kiện toàn, đi đôi với tăng cường trách nhiệm, điều kiện làm việc của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thành phố. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ công chức trong ngành, nhất là cán bộ tư pháp cơ sở xã, phường, thị trấn; đồng thời thực hiện việc luân chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cho phù hợp với trình độ, năng lực của từng cán bộ, công chức và điều kiện thực tế của các cơ quan tư pháp…. Để có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ như chương trình, kế hoạch của Tỉnh uỷ đề ra, các cơ quan ngành tư pháp trong tỉnh đã tiến hành đánh giá thực trạng tình hình công tác tổ chức, rà soát đội ngũ cán bộ, phân loại đánh giá và kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp của tỉnh: tổng số cán bộ có chức danh tư pháp của tỉnh 461 người, so với yêu cầu thực tế thiếu 31 người; trong đó 352 người có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng chiếm 76%; 285 đảng viên chiếm 62%; hơn 100 người có trình độ lý luận chính trị đại học, cao cấp chiếm 22%; trên 50 người có trình độ lý luận chính trị trung cấp chiếm 11%. Qua rà soát cho thấy phần lớn đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp của tỉnh được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo thì hầu hết các cơ quan tư pháp của tỉnh còn phải bổ sung về số lượng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chất lượng, nhất là cấp cơ sở. Một số cán bộ công chức tuy được đào tạo chính quy, nhưng nhận thức về chính trị, kinh nghiệm trong công tác chưa nhiều, cần phải được đào tạo, bồi dưỡng thêm mới đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác. Một số cán bộ công chức không đủ tiêu chuẩn theo qui định, hạn chế về chuyên môn, không hoàn thành công việc theo yêu cầu hiện nay phải được thay thế kịp thời.

 Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới, và thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, ngành tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức đến năm 2010, trong đó chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ các phòng quản lý nghiệp vụ của ngành. Trong những năm qua, ngành tư pháp trong tỉnh đã sắp xếp bố trí công việc cử hơn 150 lượt cán bộ đi đào tạo đại học chuyên ngành và cao cấp lý luận chính trị ở các trường đại học và Học viên chính trị quốc gia. Với những chủ trương, chính sách đầu tư đúng đắn đã tạo bước chuyển đáng kể trong công tác cán bộ của tỉnh nói chung và ngành tư pháp nói riêng. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ký luận chính trị cho cán bộ, công chức nhiều năm qua đã bổ sung cho ngành tư pháp toàn tỉnh một đội ngũ cán bộ đáng kể, cả về số lượng và chất lượng. Chính lực lượng cán bộ, công chức này sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy được năng lực, sở trường trong việc thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là công tác tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo các cấp, góp phần từng bước thực hiện tốt chiến lược cải cách tư pháp trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể cấp tỉnh trong tổng số 53 biên chế, có 46 đại học chiếm 87% (có 1 người có 3 bằng đại học, 4 người có 2 bằng đại học, 1 người đang học thạc sĩ); trung cấp 7 chiếm 13% (có 3 người đang học đại học); đảng viên 27 chiếm 51%; lý luận chính trị đại học, cao cấp 5 chiếm 9,43% (ngoài ra còn có 3 người đang học cao cấp); ngoại ngữ cơ sở 35 chiếm 66%; tin học cơ sở 50 chiếm 94,34%, quản lý nhà nước 14 chiếm 26,42%. Cấp huyện, thành phố trong tổng số 134 biên chế, có 78 đại học chiếm 58,21% ; 45 trung cấp chiếm 34% (có 10 người đang học đại học); 16 sơ cấp chiếm 12%, lý luận chính trị đại học, cao cấp 10 chiếm 7,46%; trung cấp 22 chiếm 16,42% (hiện có 6 người đang học cao cấp); ngoại ngữ cơ sở 34 chiếm 25,37%; tin học cơ sở 73 chiếm 54,48%; quản lý nhà nước 36 chiếm 27%. Cấp xã, phường, thị trấn trong số 190 cán bộ tư pháp có 149 trung cấp chiếm 78,42% (có 180/180 xã bằng 100% số xã có cán bộ tư pháp chuyên trách); thành viên ban tư pháp xã 702 người, có 404 trung cấp chiếm 58%. Từ năm 1999 đến nay, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Luật Hà Nội tổ chức được 2 lớp trung cấp luật cho hơn 200 cán bộ xã phường, thị trấn và hiện nay đang mở lớp thứ 3 với trên 170 học viên. Sau khi tốt nghiệp có hơn 70% số cán bộ này được bố trí các chức danh phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo và phần lớn đã phát huy tốt chuyên môn được đào tạo, nhiều cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn đã trưởng thành đảm nhiệm những chức vụ công tác cao ở địa phương như chủ tịch, phó chủ tịch UBND, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, bí thư, phó bí thư đảng uỷ…

Đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp trong toàn tỉnh hiện nay tuy đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cơ bản, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo vẫn còn nhiều bất cập, vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, nhất là phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp các cấp. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, có ảnh hưởng lớn đến chất lượng hiệu quả trong việc thực hiện cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính. Là yêu cầu hàng đầu đặt ra cho các cấp các ngành phải quan tâm đầu tư có chiều sâu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ, công chức có đầy đủ phẩm chất đạo đức và năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời cũng là trách nhiệm của cả đội ngũ cán bộ, công chức trong việc tu dưỡng, rèn luyện nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp. Bởi hiện nay nước ta đang trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường, thì mối quan hệ giữa cơ quan công quyền với tổ chức, cá nhân cũng phải đổi mới cho phù hợp tiến trình cải cách hành chính. Chính vì vậy, ngành tư pháp sẽ phải đối mặt với tính chất phức tạp vốn sẵn có trong hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ăn buôn bán của các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng cũng sẽ tinh vi hơn, nhiều hơn. Nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện nhà nước pháp quyền, nhà nước của dân, do dân và vì dân, thì đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp phải đáp ứng những yêu cầu của xã hội của công dân là điều hiển nhiên.

Để tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc này, trước hết công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức là việc cần phải làm ngay và không chỉ riêng ngành tư pháp, mà phải có sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức phải làm thường xuyên, liên tục trong nhiều năm liền thì cũng chỉ mới đáp ứng được một phần về yếu tố con người trong tổng thể các yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp mà Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 đề ra đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020./.

HTM

1900.0191