Giải phápphòng ngừa tội hiếp dâm trẻ em ở Việt Nam

Trong những năm qua tội phạm hiếp dâm trẻ em xảy ra nhiều và phức tạp, tính chất mức độ nguy hiểm cao, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Tính từ năm 2007 đến 2013(1), bình quân mỗi năm trên địa bàn cả nước xảy ra 842,28 vụ với 933 bị can phạm tội hiếp dâm trẻ em bị khởi tố. Và như vậy có thể tính bình quân mỗi ngày ở nước ta xảy ra 2,3 vụ hiếp dâm trẻ em với 2,55 bị can bị khởi tố. Tội phạm xảy ra trên hầu khắp 63 tỉnh thành nhưng tập trung nhiều ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Vĩnh Long, Kiên Giang… Chủ thể thực hiện tội phạm ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng chiếm đa số thủ phạm có tuổi đời còn trẻ (từ 14 đến 30 tuổi). Thủ đoạn phạm tội là rất đa dạng, song nhìn chung các thủ phạm thường lợi dụng sự non nớt, những nhược điểm về thể chất và tinh thần của nạn nhân để mua chuộc, dụ dỗ cưỡng ép nạn nhân nhằm thực hiện hành vi giao cấu… Tội phạm hiếp dâm trẻ em là loại tội có mức độ nguy hiểm cao luôn gây ra những hậu quả rất nặng nề, dai dẳng đối với người bị hại và cả gia đình, xã hội. Để góp phần vào việc đấu tranh, phòng chống loại tội phạm nguy hiểm này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau đây:



Một là, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện tội phạm hiếp dâm trẻ em



Phát hiện tội phạm kịp thời hay không có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng ngừa tội phạm. Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện tội phạm hiếp dâm trẻ em trước tiên cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu rõ tác hại của việc không tố giác tội hiếp dâm trẻ em, xóa bỏ những tâm lý e ngại của các nạn nhân và gia đình nạn nhân, giúp họ dũng cảm đứng ra tố giác tội phạm. Cần giúp nạn nhân và gia đình họ hiểu rõ tố giác tội phạm hiếp dâm trẻ em không chỉ là nghĩa vụ của công dân mà còn góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của họ. Cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tố giác tội phạm hiếp dâm trẻ em, như quan tâm, khích lệ động viên của cán bộ tiếp nhận thông tin; sự nhiệt tình giải quyết vụ án của những người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng.



Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế hữu hiệu bảo vệ bí mật thông tin của nạn nhân và gia đình nạn nhân. Phần lớn những người không muốn khai báo về hành vi hiếp dâm trẻ em đều có tâm lý lo ngại dư luận xã hội. Họ sợ ảnh hưởng tới tương lai của con em họ nên họ cố tình che giấu thông tin về tội phạm. Để khắc phục điều này, rất cần có những cơ chế đặc biệt để bảo vệ các thông tin của nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ án cũng như cả sau khi vụ án đã được giải quyết. Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới có các chương trình bảo vệ nạn nhân, theo đó nạn nhân của tội phạm không những được bảo vệ nghiêm ngặt mà còn được tạo điều kiện thay đổi họ tên, lựa chọn nơi cư trú phù hợp sau khi vụ án đã giải quyết xong nhằm tạo thuận lợi cho cuộc sống sau này của họ, tạo tâm lý yên tâm cho nạn nhân và gia đình trong việc tố giác tội phạm. Đây là kinh nghiệm rất đáng để chúng ta vận dụng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của nước ta.



Hai là, nâng cao hiệu quả trong xử lý (điều tra, truy tố, xét xử) tội phạm hiếp dâm trẻ em



Cùng với việc áp dụng các biện pháp theo luật định, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, thì trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hiếp dâm trẻ em cần chú ý một số nội dung sau:



– Khuyến khích động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân tích cực tham gia các hoạt động điều tra (giám định, nhận dạng, đối chất…). Trong vụ án hiếp dâm trẻ em, nạn nhân giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, là những người chưa thành niên, những nạn nhân thường rất sợ hãi, hoảng loạn khi bị hành vi phạm tội xâm hại. Vì vậy cán bộ thụ lý vụ án cần phải có những hiểu biết sâu sắc về tâm, sinh lý của trẻ vị thành niên để sử dụng các chiến thuật hợp lý, giúp nạn nhân vượt qua nỗi sợ hãi, mặc cảm, ám ảnh để nhớ lại những tình tiết phục vụ quá trình điều tra làm rõ vụ án.



– Kịp thời áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân và gia đình nạn nhân trong và sau quá trình giải quyết vụ án. Trong các vụ án hiếp dâm trẻ em, người phạm tội nếu bị phát hiện thường có xu hướng thỏa thuận bồi thường hoặc đe dọa gia đình nạn nhân và nạn nhân nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Vì vậy nhiều nạn nhân và gia đình nạn nhân của tội hiếp dâm trẻ em đã không dám tố cáo, tham gia tố tụng. Để khuyến khích nạn nhân và gia đình họ tích cực cộng tác với cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có các biện pháp bảo vệ nạn nhân và gia đình họ.



– Nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động thu thập chứng cứ, giám định… góp phần bảo đảm đánh giá vụ án một cách khách quan, toàn diện nhất.



Vụ án hiếp dâm trẻ em với đặc thù là nạn nhân thường chưa nhận thức rõ hành vi phạm tội nên chưa có ý thức bảo vệ chứng cứ. Mặt khác, nhiều gia đình nạn nhân cũng thường có xu hướng mặc cảm, lo ngại dư luận nên che giấu thông tin. Vì vậy, cần phải có những quy định đặc thù trong điều tra thu thập thông tin, chứng cứ về các vụ phạm tội hiếp dâm trẻ em để bảo đảm có thể thu thập thông tin, chứng cứ nhanh chóng, chính xác.



Ba là, trang bị tốt những kiến thức, kỹ năng làm cha, làm mẹ để cha mẹ, gia đình thực sự là nền tảng giúp cá nhân phát triển và hoàn thiện nhân cách



Trong thực tế hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trước khi kết hôn không được trang bị những kiến thức tối thiểu về đời sống hôn nhân và gia đình, đặc biệt là những kỹ năng chăm sóc và nuôi dạy con cái. Từ sự thiếu hụt các kỹ năng sống đã làm cho nhiều gia đình bị rạn nứt, mâu thuẫn, thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, thiếu sự quan tâm chăm sóc nuôi dạy con cái hoặc quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái một cách phản khoa học. Nghiên cứu 458 bị cáo từ 348 bản án hiếp dâm trẻ em cho thấy có đến 354 bị cáo sinh ra trong các gia đình cha mẹ thiếu sự quan tâm, chăm sóc giáo dục con cái hoặc cha mẹ rất quan tâm chăm sóc và giáo dục con cái nhưng không có phương pháp chăm sóc, giáo dục con cái phù hợp. Việc trang bị các kiến thức, kỹ năng cho những người chuẩn bị làm cha mẹ là hết sức cần thiết, giúp họ vừa có một cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, vừa bảo đảm cho họ có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để nuôi dạy con cái. Điều này cũng góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm hiếp dâm trẻ em nói riêng.



Bốn là, tăng cường giáo dục về pháp luật giới tính cho trẻ em và người chưa thành niên



Cần tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên, người chưa thành niên; tuyên truyền về các thủ đoạn phạm tội hiếp dâm trẻ em và các biện pháp phòng ngừa… thông qua các hình thức phù hợp như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, về giới tính, về các biện pháp phòng ngừa tội phạm.



Năm là, tăng cường kiểm soát các trang web có nội dung không lành mạnh, các dịch vụ kinh doanh internet, trò chơi có tính bạo lực



Để việc quản lý dịch vụ internet và kiểm soát các trang web có nội dung không lành mạnh, nội dung kích dục được hiệu quả, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội, giảm nguy cơ phát sinh tội phạm về tình dục (trong đó có hiếp dâm trẻ em) chúng ta cần phải gắn trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ internet với việc ngăn chặn các trang web có nội dung độc hại.



Cần có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ internet; gắn trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh với việc ngăn chặn các trang web có nội dung độc hại, các trò chơi điện tử mang tính bạo lực, kích động, khiêu dâm…

Nâng cao trách nhiệm hiệu quả trong công tác quản lý cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, đặc biệt đối với những địa bàn thành phố, đô thị, khu vực có trường học đóng trụ sở. Thường xuyên kiểm tra và nắm chắc tình hình hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ internet. Trong quá trình kiểm soát quản lý nếu phát hiện cơ sở vi phạm thì cần phải kịp thời xử lý một cách nghiêm minh; nếu có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật.




(1) Tổng cục thống kê (2013), Niên giám thống kê năm 2012.

Lê Hữu Du



Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội





1900.0191