Một số nội dung cần tìm hiểu khi áp dụng các quy định về pháp nhân trong BLDS và BLHS năm 2015

(Kiemsat.vn) – Pháp nhân là một trong những điểm mới, là vấn đề khá được quan tâm trong xây dựng Bộ luật dân sự (BLDS) và Bộ luật hình sự (BLHS); đặc biệt trong BLHS thì trách nhiệm hình sự của Pháp nhân là vấn đề rất mới được bổ sung vào BLHS năm 2015; việc nhận thức và áp dụng các quy định để xác định trách nhiệm dân sự, hình sự của pháp nhân cũng là vấn đề mới, khá phức tạp. Từ quy định của hai Bộ luật nêu trên qua nghiên cứu thấy cần đề cập đến một số nội dung cần lưu ý như sau:



1. Về chế định pháp nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2015

Điểm mới trong chế định pháp nhân tại BLDS là: Bộ luật quy định mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác (khoản 1 Điều 74). Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện:



– Được thành lập theo quy định của BLDS và luật khác có liên quan;



– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự năm 2015;



– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;



– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.



Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Để bao quát, dự báo được sự phát triển đa dạng của pháp nhân trong thực tiễn, BLDS quy định khai quát 02 loại pháp nhân (Điều 75-76).



Pháp nhân thương mại: Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.



Pháp nhân phi thương mại: Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.



Để hiểu rõ hơn về pháp nhân, đảm bảo việc áp dụng các quy định về pháp nhân trong BLDS năm 2015 đúng theo tinh thần của các điều luật, cần tìm hiểu thêm các quy định về chi tiết về pháp nhân như sau:



Điều lệ của pháp nhân: Pháp nhân phải có điều lệ trong trường hợp pháp luật có quy định. Điều lệ của pháp nhân có những nội dung chủ yếu sau đây: Tên gọi của pháp nhân; Mục đích và phạm vi hoạt động của pháp nhân; Trụ sở chính; chi nhánh, văn phòng đại diện, nếu có; Vốn điều lệ, nếu có; Đại diện theo pháp luật của pháp nhân; Cơ cấu tổ chức; thể thức cử, bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh của cơ quan điều hành và các cơ quan khác; Điều kiện trở thành thành viên hoặc không còn là thành viên của pháp nhân, nếu là pháp nhân có thành viên; Quyền, nghĩa vụ của các thành viên, nếu là pháp nhân có thành viên; Thể thức thông qua quyết định của pháp nhân; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; Thể thức sửa đổi, bổ sung điều lệ; Ðiều kiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân.



Tên gọi của pháp nhân: Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt. Tên gọi của pháp nhân phải thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động. Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự.Tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ.



Trụ sở của pháp nhân: Trụ sở của pháp nhân là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân.Trường hợp thay đổi trụ sở thì pháp nhân phải công bố công khai. Địa chỉ liên lạc của pháp nhân là địa chỉ trụ sở của pháp nhân. Pháp nhân có thể chọn nơi khác làm địa chỉ liên lạc.



Quốc tịch của pháp nhân: Pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam.



Tài sản của pháp nhân:Tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan.



Thành lập, đăng ký pháp nhân: Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật. Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai.



Cơ cấu tổ chức của pháp nhân: Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.



Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân: Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.



Đại diện của pháp nhân: Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện tại Chương IX Phần này.



Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân: Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự.



Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.



Trách nhiệm dân sự của pháp nhân: Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.



Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.



Hợp nhất pháp nhân: Các pháp nhân có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới. Sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân mới được thành lập; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.



Sáp nhập pháp nhân: Một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập). Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.



Chia pháp nhân: Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân. Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.



Tách pháp nhân: Một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân. Sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình phù hợp với mục đích hoạt động.



Chuyển đổi hình thức của pháp nhân: Pháp nhân có thể được chuyển đổi hình thức thành pháp nhân khác. Sau khi chuyển đổi hình thức, pháp nhân được chuyển đổi chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân chuyển đổi được thành lập; pháp nhân chuyển đổi kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được chuyển đổi.



Giải thể pháp nhân: Pháp nhân giải thể trong trường hợp :Theo quy định của điều lệ; Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;Trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản.



Thanh toán tài sản của pháp nhân bị giải thể: Tài sản của pháp nhân bị giải thể được thanh toán theo thứ tự: Chi phí giải thể pháp nhân; Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; Nợ thuế và các khoản nợ khác. Sau khi đã thanh toán hết chi phí giải thể pháp nhân và các khoản nợ, phần còn lại thuộc về chủ sở hữu pháp nhân, các thành viên góp vốn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc pháp luật có quy định khác. Trường hợp quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã thanh toán hết chi phí giải thể và các khoản nợ quy định tại khoản 1 Điều này, tài sản còn lại được chuyển giao cho quỹ khác có cùng mục đích hoạt động.Trường hợp không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc quỹ bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì tài sản của quỹ bị giải thể thuộc về Nhà nước.



Phá sản pháp nhân: Việc phá sản pháp nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.



Chấm dứt tồn tại pháp nhân: Pháp nhân chấm dứt tồn tại trong trường hợp: Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi pháp nhân chấm dứt tồn tại, tài sản của pháp nhân được giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định khác của pháp luật có liên quan.



2. Về chế định pháp nhân trong BLHS năm 2015



Bộ luật Hình sự năm 2015 dành riêng một chương quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân (chương XI); theo đó TNHS chỉ dặt ra đối với một loại pháp nhân đó là pháp nhân thương mại, còn pháp nhân phi thương mại không phải chịu TNHS. BLHS quy định 4 điều kiện chịu TNHS của Pháp nhân thương mại đó là: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ich của pháp nhân thương mại; có sự chỉ đạo điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và hành vi đó đang còn thời hiệu truy cứu TNHS. Một điểm lưu ý khá quan trọng đó là: việc pháp nhân thương mại chịu TNHS không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.



Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định phạm vi chịu TNHS, theo đó pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS về hai loại tội phạm cụ thể đó là tội phạm về kinh tế và các tội phạm về môi trường; các tội phạm về kinh tế như buôn lậu, đầu cơ, trồn thuế, trốn đóng bảo hiểm y tế, BH thất nghiệp cho người lao động…các tội phạm về môi trường như: tội gây ô nhiễm môi trường, tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hủy hoại rừng…(có 31 tội quy định tại Điều 76 BLHS).

Một điểm cần lưu ý trong áp dụng TNHS đối với pháp nhân theo quy định của BLHS là:



Về hình phạt: hình phạt được áp dụng với pháp nhân khác hơn so với cá nhân; theo đó các hình phạt gồm: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cám kinh doanh, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp. Như vậy là không áp dụng hình phạt tù đối với pháp nhân; hình phạt tiền vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung, mức phạt tiền tùy vào tính chất, mức độ, tình hình tài chính của pháp nhân nhưng không được thấp hơn mức 50 triệu đồng. BLHS cũng quy định căn cứ áp dụng hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS; quết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, việc tổng hợp nhiều bản án; việc miễn hình phạt…



Là chế định mới và TNHS của pháp nhân có phạm vi áp dụng hạn chế hơn, song trong điều kiện hiện nay thì đây là chế định cần thiết, có tác dụng xử lý cũng như phòng ngừa các hành vi vi phạm gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội của pháp nhân./.

Nguồn: Hoàng Thị Liên

Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An



1900.0191