Từ 01/7/2016: Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền sửa toàn bộ bản án đã có hiệu lực pháp luật

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị do kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.



Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chỉ có thẩm quyền: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại; huỷ bản án, quyết định của Toà án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án.



Để hạn chế tình trạng vụ án phải xét xử đi, xét xử lại nhiều lần, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật với 02 điều kiện: Tài liệu, chứng cứ đã đầy đủ, rõ ràng, có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án và việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.



Điều 347. Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật

1. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án;

b) Việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

2. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.

Hồng Hải

1900.0191