Những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng văn bản và đưa ra những giải pháp khắc phục

Đề tài: Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng văn bản và đưa ra những giải pháp khắc phục. Minh họa bằng các tình huống thực tiễn.

Cùng với đà phát triển của nền kinh tế, ngày càng có nhiều khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhờ tới sự tư vấn, hỗ trợ của luật sư để hướng dẫn cho các hoạt động kinh doanh của họ phù hợp với các quy định của pháp luật, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các rủi ro pháp lý. Vì vậy, vai trò của luât sư tư vấn ngày càng trở nên quan trọng.

“Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng văn bản và đưa ra những giải pháp khắc phục. Minh họa bằng các tình huống thực tiễn.”

CHƯƠNG 1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TƯ VẤN PHÁP LUẬT BẰNG VĂN BẢN

1. Khái niệm tư vấn pháp luật

Tư vấn pháp luật là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ. Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật.[1] Bên cạnh đó, người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc.[2]

Tư vấn pháp luật được hiểu là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý của người có chuyên môn về pháp luật nhằm giúp công dân, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tư vấn pháp luật là một trong các hình thức trợ giúp pháp lý.

Là một dịch vụ nghề nghiệp và phương pháp đưa ra lời khuyên giúp đỡ thực tế cho các tổ chức, các nhà điều hành cải tiến công tác pháp luật. Tư vấn pháp luật đang phát triển thành một lĩnh vực đặc biệt của hoạt động nghề nghiệp giúp đỡ các tổ chức, các nhà điều hành cải tiến công tác pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức cũng như cá nhân.

Các hình thức tư vấn pháp luật hiện hành:

(1) Tư vấn trực tiếp bằng lời nói: đây là một trong những hình thức phổ biến và thường tiến hành đối với vụ việc có tính chất đơn giản hoặc khi người có nhu cầu tư vấn trực tiếp gặp người tư vấn để yêu cầu.

(2) Tư vấn bằng văn bản: thông thường được thể hiện qua việc người có nhu cầu tư vấn viết đơn, thư, chuyển thư điện tử (email), chuyển fax … đến cho người tư vấn nêu rõ yêu cầu tư vấn dưới dạng các câu hỏi cụ thể.

2. Tư vấn pháp luật bằng văn bản

2.1. Khái niệm “Tư vấn pháp luật bằng văn bản”

Hiện nay, bên cạnh hình thức tư vấn pháp luật bằng lời nói, người thực hiện tư vấn viết dưới hình thức một văn bản với các nội dung thông tin nhằm tư vấn pháp luật liên quan đến vụ việc cụ thể của khách hàng, giúp khách hàng hiểu được quy định của pháp luật, áp dụng pháp luật để bảo vện quyền lợi ích hợp pháp của mình (kèm theo phương án tư vấn có thể là các văn bản cần soạn thảo để phục vụ cho phương án tư vấn như đơn…)

Theo yêu cầu của khách hàng việc tư vấn bằng văn bản có thể được thực hiện theo hai hình thức: Khách hàng viết đơn, thư, chuyển fax và khách hàng trực tiếp đến gặp luật sư tư vấn và đề nghị tư vấn bằng văn bản.

2.2. Quy trình tư vấn pháp luật bằng văn bản

(1) Xác định được kết cấu của phương án tư vấn (đề cương); tham khảo cách kết cấu kinh điển: Yêu cầu; Diễn biến; Chứng cứ; Điều luật; Lập luận và giải pháp…

(2) Lắp ghép thông tin vào kết cấu đã xác định (chứng cứ, điều luật…)

(3) Đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ phương án về nội dung

(4) Xem lại hình thức: Thêm phần mở đầu (chào hỏi) và kết luận (cảm ơn, hợp tác, báo giá…); Soát lại hình thức (phông chữ, chính tả, nhấn mạnh, bảng biểu…)

Lưu ý: Có thể cân nhắc sử dụng bảng biểu, sơ đồ thay thế cho diễn đạt thuần túy để dễ hình dung vấn đề.

Cũng như việc tư vấn bằng miệng, việc tư vấn bằng văn bản yêu cầu phải quán triệt các bước sau đây:

  • Nghiên cứu kỹ yêu cầu của khách hàng.
  • Trao đổi với khách hàng về yêu cầu của họ để khẳng định trong một số trường hợp cần thiết.
  • Tra cứu các tài liệu văn bản pháp luật có liên quan để phục vụ cho việc tư vấn.
  • Soạn văn bản trả lời cho khách hàng.

CHƯƠNG 2. NHỮNG SAI SÓT THƯỜNG GẶP CỦA NGƯỜI TƯ VẤN KHI TƯ VẤN PHÁP LUẬT BẰNG VĂN BẢN VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

1. Những sai sót, hạn chế thường gặp

Nhìn chung, khác với tư vấn trực tiếp bằng miệng, tư vấn bằng văn bản tạo cơ hội cho luật sư thâm nhập hồ sơ kỹ càng và chính xác hơn, vì thế có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho khách hàng. Tuy vậy, tư vấn bằng văn bản vẫn tồn tại những sai sót nhất định, yêu cầu luật sư phải làm việc cẩn thận hơn, chu đáo và văn bản tư vấn đưa ra phải có độ chính xác, có cơ sở khoa học và đúng pháp luật.

Thứ nhất, tư vấn bằng văn bản thường được sử dụng khi khách hàng ở xa hoặc muốn khẳng định độ tin cậy của giải pháp và sử dụng chúng. Có thể nói hình thức này tiết kiệm một khoản chi phí đi lại nhưng người tư vấn khó có thể nắm bắt bắt được hết tâm lý khách hàng, khó có cơ hội tương tác để tìm hiểu rõ hơn những yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể gặp khó khăn trong cách đặt câu hỏi gửi đến người tư vấn vì cách sử dụng văn nói và văn viết có nhiều nét khác nhau. Chính vì vậy, người tư vấn khó có thể đưa ra được những giải pháp vừa đúng pháp luật, vừa hợp lý, lại hợp tình.

Thứ hai, nội dung của một vài văn bản tư vấn còn thiếu tính logic, súc tính và chính xác. Tất cả các văn bản do luật sư soạn đòi hỏi tính lôgic rất cao, nghĩa là phải được trình bày trong một trật tự lôgic. Chẳng hạn, một trật tự mà mọi thư tư vấn đều tuân thủ là:

            − Khẳng định phạm vi tư vấn;

            − Mô tả tóm tắt sự việc và các tài liệu đã kiểm tra;

            − Xác định các vấn đề luật sư được yêu cầu tư vấn;

            − Phân tích sự việc, đưa ra giải pháp và lời khuyên;

            − Kết thúc (chào cuối thư).

 Ví dụ, vấn đề A làm nảy sinh vấn đề B thì phải đề cập vấn đề A rồi đến vấn đề B nhưng người soạn thảo sắp xếp trật tự từng vấn đề sai chỗ, làm đảo lộn từng vấn đề khiến khách hàng thấy mông lung, khó định hình lại từng chi tiết. Điều này chứng tỏ khách hàng đọc tận cuối thư mới hiểu được vấn đề đã nói ở đầu thư và đặt ra câu hỏi “Tôi chưa hiểu được cách giải quyết mà anh/ chị tư vấn thông qua văn bản này, anh/ chị có thể làm rõ hơn được chứ?”

Tính súc tích yêu cầu phải diễn đạt sự việc bằng số lượng từ ít nhất chừng có thể. Tuy nhiên, cách diễn đạt dài dòng, nhắc lại hai ba lần cùng một sự việc và nói đến những điều không liên quan đến vấn đề mà khách hàng đặt ra vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đồng thời, lạm dụng quá sự súc tích, diễn đạt quá ngắn gọn đến độ khách hàng không hiểu được luật sư muốn nói gì. Ví dụ, không thể viết cho khách hàng rằng hợp đồng của họ vô hiệu vì trái với Điều 122 Bộ luật Dân sự 2005 mà không giải thích lý do cụ thể nào khiến cho hợp đồng lại bị xem là vô hiệu.

Một văn bản soạn thảo không rõ ràng làm cho khách hàng hiểu nhầm có thể dẫn tới những thiệt hại mà luật sư phải chịu trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, có không ít những trường hợp luật sư phải cân nhắc rất nhiều trước khi chọn lựa một thuật ngữ trong văn bản của mình.

Tiêu chí chính xác cũng yêu cầu người soạn thảo phải kỹ lưỡng đối với cả hình thức thể hiện văn bản. Tuy nhiên, người soạn thảo bất cẩn không để ý đến việc quy ước những từ ngữ được viết tắt đó ngay từ đầu thư.

Thứ ba, hình thức này, ngoài việc đòi hỏi người tư vấn phải có những kỹ năng chung về tư vấn pháp luật, thì còn đòi hỏi người tư vấn phải có kỹ năng soạn thảo văn bản tư vấn tốt. Tuy nhiên, trong một số văn bản vẫn tồn tại những sai sót về cách sử dụng ngôn từ và kỹ thuật trình bày văn bản. Như đã nói ở trên, cũng cần phải nói đến cách sử dụng thuật ngữ chuyên môn trong các văn bản do luật sư soạn thảo. Có rất nhiều tình huống chẳng hạn như việc viết một ý kiến pháp lý, người tư vấn cần phải sử dụng các thuật ngữ chuyên môn để diễn đạt. Tuy nhiên, người tư vấn lơ là khi sử dụng những thuật ngữ quá chuyên biệt khiến khách hàng không thể hiểu được, hoặc dẫn đến việc khách hàng hiểu sai nghĩa của một từ, một câu nào đó trong văn bản gây khó khăn cho việc tư vấn trong tương lai. 

Cách trình bày mỗi ý chính của văn bản còn thiếu mạch lạc, thiếu sự liên kết. Việc không chia đoạn và không xuống dòng theo từng ý sẽ khiến cho người đọc nắm bắt nội dung của văn bản một cách khó khăn.

Thứ tư, khách hàng không có cơ hội để tìm hiểu, yêu cầu giải đáp các vướng mắc mới phát sinh, thời gian nhận được sự tư vấn, hướng dẫn sẽ lâu hơn so với tư vấn trực tiếp bằng lời nói. Một câu trả lời muộn màng có thể khiến cho khách hàng tìm đến luật sư khác. Một thực tế cho thấy nhiều văn phòng luật sư Việt Nam chưa thực sự coi trọng tính đúng hẹn. Điều này khiến cho cả hai bên đều tốn thời gian, công sức để có thể trao đổi và giải quyết triệt để từng vấn đề. Đối với khách hàng, họ tốn thời gian chờ đợi được nhận phản hồi, ảnh hưởng đến tâm lý của họ rất nhiều, và dễ dàng để nhận thấy họ sẽ đi tìm trung tâm tư vấn hoặc một luật sư có thể mang lại cho họ sự tin tưởng và câu trả lời đúng, đủ căn cứ pháp lý và thời gian đã giao hẹn.

Thứ năm, người tư vấn gặp khó khăn khi tư vấn, hướng dẫn một cách rõ ràng, tỉ mỉ đến khách hàng những giấy tờ, tài liệu cần thực hiện. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm nhanh chóng giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tình trạng trên chưa được cải thiện nhiều do một số thủ tục vẫn rườm rà mà thông qua hình thức tư vấn bằng văn bản có thể giúp khách hàng hiểu được vấn đề hay không là một câu hỏi rất khó giải đáp. Không những khách hàng gặp khó khăn trong việc tìm hiểu, thực hiện những giấy tờ có liên quan mà còn làm cho người tư vấn phải loay hoay tìm cách để giải thích cho bên khách hàng hiểu rõ.

Bên cạnh đó, một hình thức tư vấn mà nhiều văn phòng, trung tâm tư vấn đã áp dụng đó là tư vấn qua mail. Những vấn đề, thắc mắc mà bạn gặp trong cuộc sống bạn có thể gửi đến các văn phòng qua mail. Những văn phòng sẽ có người check mail và trả lời thắc mắc của bạn. Tuy nhiên, hình thức này thường mất khá nhiều thời gian.

2. Giải pháp khắc phục

Có thể nói, khác với việc tư vấn trực tiếp, tư vấn bằng văn bản tạo cơ hội cho người tư vấn có thể nghiên cứu hồ sơ một cách kĩ càng và chính xác hơn, trên cơ sở đó đưa ra được các giải pháp hữu hiệu. Tuy vậy, tư vấn bằng văn bản vẫn còn những hạn chế nhất định. Để việc tư vấn pháp luật bằng văn bản được diễn ra một cách thuận lợi và đạt hiệu quả tốt hơn thì việc cần thiết là người tư vấn cần phải sửa, khắc phục hạn chế, sai sót còn tồn tại nói trên.

Cần hình dung và lập ra dàn ý chi tiết của phương án tư vấn trước khi bắt tay vào soạn thảo văn bản. Tổ chức các ý tưởng trả lời trong một trật tự logic: vấn đề nảy sinh trước thì cần đề cập trước. Chỉ bắt đầu dự thảo khi đã biết rõ mình đang viết gì. Phải diễn đạt sự việc bằng số lượng từ ít nhất chừng có thể. Điều đó có nghĩa là tránh diễn đạt dài dòng, không nhắc lại hai ba lần cùng một sự việc và đừng nói đến những điều không liên quan đến vấn đề mà khách hàng đặt ra. Phải đảm bảo độ chính xác của ngôn từ, tránh sử dụng những từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Ví dụ như “sáp nhập” và “sát nhập” là hai từ có cách đọc rất dễ gây nhầm lẫn, nhưng cách dùng lại khác nhau. “Sáp nhập” là nhập chung lại, gộp chung lại làm một. (Ví dụ: Sáp nhập ba xã làm một/ Công ty A sáp nhập vào công ty B). Với từ “sát nhập”, từ “sát” là từ biến âm, biến thể dân gian của từ “sáp” mà ra. Từ “sát” trong tiếng Việt có nghĩa phái sinh từ từ “sáp”. Nhưng không nên sử dụng hai từ này giống nhau bởi nó không hợp lý. Từ “sát” – tức là cạnh đến mức không còn khoảng cách, còn “sáp” nghĩa là cắm vào, cài vào; nếu sử dụng chung, nghĩa gốc của từ “sáp” không còn, từ đó, nghĩa của từ đã bị thay đổi. 

Ngôn ngữ của người tư vấn không được suồng sã, phải lịch sự và tôn trọng khách hàng, và không nên sử dụng thuật ngữ chuyên môn quá chuyên biệt khiến khách hàng không thể hiểu được thì tốt hơn hết hãy dùng một từ phổ thông có nghĩa tương đương hoặc định nghĩa hay giải thích thuật ngữ đó. Nhìn chung, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng (là một cá nhân thông thường hoặc là người cũng có đôi chút hiểu biết pháp luật), luật sư cần phải biết điều chỉnh văn phong cho phù hợp.

 Khi soạn thảo và đánh máy ý kiến xong, nhất thiết phải rà soát lại toàn bộ nội dung văn bản để chỉnh sửa sai sót về hình thức (như lỗi chính tả, ngữ pháp, ý bị lặp lại…) hay về nội dung (cách diễn đạt, dùng từ…). Một thư tín được đánh máy cẩn thận, trình bày sáng sủa chắc chắn sẽ gây thiện cảm cho người đọc. Vì vậy, đừng quên chia đoạn các nội dung trong văn bản. Việc chia đoạn và xuống dòng theo từng ý sẽ giúp cho người đọc dễ dàng nắm bắt nội dung của văn bản. Một nguyên tắc mà người soạn thảo cần phải biết là mỗi trang đánh máy phải được chia tối thiểu làm hai đoạn. Tốt nhất, đối với những văn bản quan trọng, nên cho một người khác đọc lại văn bản vì người khác có thể dễ dàng phát hiện những sai sót mà nhiều khi người soạn thảo không thấy.

Trả lời đúng hẹn: Hơn cả mọi lời nói đẹp, một câu trả lời đúng hẹn hay trả lời sớm là phương cách tốt nhất chứng tỏ thái độ chuyên nghiệp của luật sư và khiến cho khách hàng có cảm tưởng là thực sự luật sư đang cố gắng để làm hài lòng họ. Ngoài ra, một câu trả lời muộn màng có thể khiến cho khách hàng tìm đến luật sư khác.

Trên thực tế, khi gặp phải những vấn đề về pháp luật, khách hàng có thể có tâm lý căng thẳng, suy sụp và bối rối. Người tư vấn lúc này phải là người bạn đáng tin cậy và đồng cảm, thấu hiểu với khách hàng để giúp họ có được sự cân bằng trong tâm lý mà vượt qua được những khó khăn của bản thân[3]. Theo tác giả Lê Xuân Thân thì, chỉ khi người tư vấn có sự cảm thông và thật sự chân thành với khách hàng thì khách hàng mới tìm thấy sự an tâm, tin tưởng đối với người tư vấn[4]. Để thấu hiểu được tâm lý cũng như biểu hiện của khách hàng, người tư vấn nên tận dụng lợi ích mà các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… mang lại bằng cách trao đổi vấn đề trực tiếp bằng cách sử dụng cuộc gọi video có kết nối Internet. Trong tương lai gần, đây sẽ là cách khắc phục nhanh gọn vấn đề làm cách nào để thấu hiểu được khách hàng cũng như tạo tương tác tốt qua cách trả lời các câu hỏi của khách hàng một cách nhanh chóng, hướng dẫn một cách rõ ràng, tỉ mỉ đến khách hàng những giấy tờ, tài liệu cần thực hiện mà vẫn tiết kiệm được một khoản chi phí đi lại…

CHƯƠNG 3. TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN

1. Tình huống 1

Anh B và chị A cưới nhau có đăng ký kết hôn năm 2018, cả hai vợ chồng đều có việc làm và thu nhập ổn định. Anh B hộ khẩu thường trú tại Bắc Ninh, chị A hộ khẩu tại Phú Thọ. Sau gần 2 năm chung sống, hai vợ chồng đã sinh được một bé gái tên C 1 tuổi. Do bất dồng trong sinh hoạt và mâu thuẫn trong việc chăm sóc, giáo dục con, chị B muốn đơn phương ly hôn nhưng anh A không đồng ý sau nhiều lần hòa giải. Chị A đến văn phòng luật sư có yêu cầu được tư vấn và mong muốn được nhận phản hồi sớm nhất từ luật sư: “Vậy tôi muốn ly hôn đơn phương thì gửi đơn Tòa án nào thụ lý? Nếu gia đình tôi muốn được quyền nuôi cháu (sau 12 tháng tuổi) có được không? Vì hiện nay gia đình tôi có điều kiện đảm bảo cuộc sống cho cháu hơn.” 

STTCâu hỏiCâu trả lờiCơ sở pháp lý
1Chị A muốn ly hôn đơn phương thì gửi đơn Tòa án nào thụ lý?Về thủ tục ly hôn, chị A muốn đơn phương ly hôn thì phải nộp lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh Phú Thọ nơi chị A đơn cư trú.Điều 28, Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
2Chị A có quyền nuôi con là bé C (1 tuổi) hay không?Về quyền nuôi con, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được ưu tiên giao cho mẹ nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ khả năng (về sức khỏe, thời gian,…) để trực tiếp nuôi cháu.Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

Trên đây là bảng hỏi mà luật sư đã soạn và chuẩn bị gửi đến chị A. Đáp ứng mong muốn của chị A là được nhận phản hồi sớm nhất từ luật sư nên tránh trường hợp trì hoãn phản hồi quá lâu khiến chị A phải chờ đợi và tìm đến một trung tâm tư vấn hoặc luật sư khác để nhận được sự tư vấn.

2. Tình huống 2

Công ty A đang triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nên có ý định mở văn phòng đại diện hoặc công ty. Anh B đại diện cho công ty hỏi giá dịch vụ tư vấn ở một số văn phòng luật sư của Việt Nam cũng như một số chi nhánh văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam thì nhận được bản chào giá dịch vụ rất chi tiết từ các chi nhánh văn phòng luật sư nước ngoài, còn các văn phòng luật sư Việt Nam được hỏi thì không có câu trả lời hoặc chỉ trả lời vắn tắt qua điện thoại hoặc cả tuần sau mới gửi một bản chào giá rất sơ sài. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như uy tín, hiện nay với tình hình dịch bệnh Covid- 19 đang có chuyển biến phức tạp, hình thức tư vấn bằng lời nói không có nhiều lợi thế so với tư vấn bằng văn bản. Một số văn phòng luật sư của Việt Nam nên tận dụng hình thức tư vấn bằng văn bản và cần tập trung hoàn thiện bảng chào giá với nội dung đầy đủ chi tiết, đúng kĩ thuật soạn thảo văn bản để gửi đến anh A trong thời gian sớm nhất.

Bằng hình thức tư vấn pháp luật bằng văn bản, người tư vấn chỉ cho khách hàng thấy được những ưu, nhược điểm của mình và đưa ra các phương án giải quyết, đánh giá mức độ rủi ro để khuyên khách hàng nên hay không nên hành động. Hoạt động tư vấn pháp luật là cầu nối giữa người xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật và các công dân, tổ chức – đối tượng của việc áp dụng pháp luật. Mặt khác, các luật sư, chuyên viên tư vấn cũng phát hiện được những lỗ hổng của pháp luật, từ đó, có những kiến nghị kịp thời để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế xã hội cũng như nguyện vọng của người dân.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012)

2. Luật trợ giúp pháp lý năm 2017

3. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

4. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

5. Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật, TS. Phan Chí Hiếu – Ths. Nguyễn Thị Hằng Nga (Chủ biên), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2012.

Chu Liên Anh, Một số vấn đề lý luận về tư vấn pháp luật, Tạp chí Tâm lý học, số 2 (119), 2 – 2009.

6. Lê Xuân Thân, Nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp luật sư, Tạp chí dân chủ và pháp luật số 3(156), 2005.


[1] Điều 28 Luật luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012)

[2] Khoản 1 Điều 32 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017

[3] Chu Liên Anh, Một số vấn đề lý luận về tư vấn pháp luật, Tạp chí Tâm lý học, số 2 (119), 2 – 2009

[4] Lê Xuân Thân, Nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp luật sư, Tạp chí dân chủ và pháp luật số 3(156), 2005.

Bài luận liên quan:

1900.0191