Sang tên xe trên hợp đồng có được không

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Sang tên xe trên hợp đồng có được không

Hi mọi người, mong mọi người giúp đỡ.
Mình có đứng tên trên Hợp đồng mua bán xe (xe biển số tỉnh) + Giấy tờ gốc đã rút cầm tay. Nhưng mình không có hộ khẩu tại TP.Hồ Chí Minh (mình ở thành phố khác), nay muốn sang tên cho người thân đứng tên (có hộ khẩu tại TP.HCM) vậy có được không ? Có gặp rắc rối gì không ạ ?
Mong mọi người hiểu biết giúp đỡ tư vấn ạ ! Mình cảm ơn ạ !


Luật sư Tư vấn Pháp luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 19 tháng 09 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Đăng ký sang tên xe cho người thân khi chưa đứng tên trên Giấy đăng ký xe

Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 64/2017/TT-BCA)

3./ Luật sư tư vấn

Theo quy định của pháp luật thì một số loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như xe ô tô, xe máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe gắn máy,… đều phải có biển số phương tiện và đăng ký. Việc đăng ký, cấp biển số các loại xe trên thông thường là của Phòng Cảnh sát giao thông và chủ sở hữu của phương tiện sẽ được xác định là người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe. Khi muốn sang tên xe cho người thân ở tỉnh khác đứng tên thì:

Vấn đề xác định chủ sở hữu của chiếc xe được đặt ra bởi cơ quan nhà nước sẽ được xác định dựa trên Giấy chứng nhận đăng ký xe. Giấy chứng nhận đăng ký xe như là một chứng từ pháp lý chứng minh chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe. Nếu không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc người đứng tên trên Giấy chứng nhận được xác lập quyền sở hữu xe là trái với quy định của pháp luật thì điều hiển nhiên là chiếc xe sẽ là của người đứng tên trên Giấy chứng nhận đăng ký xe.

Vấn đề sang tên cho người thân khi mới chỉ đứng tên trên hợp đồng mua bán xe được thực hiện theo quy định sau:

Căn cứ Khoản 2 Điều 23 Thông tư 15/2014/TT-BCA:

2.Xe đã làm thủ tục sang tên, di chuyển sang địa phương khác nhưng chủ xe chưa đăng ký, lại bán tiếp cho chủ xe mới, nếu thủ tục mua bán và lệ phí trước bạ đúng quy định thì tiếp nhận giải quyết đăng ký và gửi thông báo cho địa phương di chuyển xe biết để điều chỉnh sổ đăng ký xe.

Theo đó, khi bạn đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán xe theo quy định của pháp luật xong, có giấy tờ gốc (tức là xe được xác định là xe đã làm thủ tục sang tên nhưng chủ xe chưa đăng ký) và muốn sang tên cho người thân ở tỉnh khác thì việc đăng ký vẫn được tiến hành mà bạn không cần phải đăng ký trước khi chuyển quyền sở hữu cho người thân của bạn để người này được đăng ký.

Theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư 15/2014/TT-BCA thì khi cá nhân mua, cho, tặng xe,… thì cá nhân đó phải đến cơ quan đăng ký xe ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe để làm thủ tục, không phải đưa xe đến kiểm tra nhưng phải xuất trình giấy tờ của chủ xe và nộp hồ sơ gồm:

-Hai giấy khai sinh sang tên, di chuyển xe

-Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe

-Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền của người bán, cho, tặng xe: trong trường hợp này là Hợp đồng mua bán đã ký với người đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký xe và Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân có công chứng hoặc chứng thực đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định.

Sau đó, cá nhân mua, được tặng, được cho xe có thể tiến hành thủ tục đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định

Tóm lại, theo những thông tin bạn cung cấp thì bạn hoàn toàn có quyền sang tên xe mà bạn đã mua được (có Hợp đồng theo quy định và đã giữ các giấy tờ gốc) cho người thân ở Thành phố Hồ Chí Minh theo thủ tục sang tên xe ở khác tỉnh để người thân bạn có thể đứng tên trên giấy chứng nhận khi bạn chưa đứng tên trên giấy chứng nhận.

Với những tư vấn về câu hỏi Sang tên xe trên hợp đồng có được không, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191