Hành vi mua bán dâm

Hành vi mua bán dâm

Theo tôi được biết khoảng 15h ngày 22/5, Công an quận Đống Đa, Hà Nội bất ngờ kiểm tra hành chính khách sạn Vân Nam (26 đường Láng, Đống Đa, Hà Nội), phát hiện ở phòng 704 có một nam hai nữ, phòng 705 có một nam và một nữ đang có hành vi mua bán dâm. Xin hỏi, hành vi mua bán dâm được hiểu như thế nào? Có khi nào tôi và người yêu của mình cũng bị quy vào trường hợp đó hay không?

Gửi bởi: Huỳnh Khánh

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo Pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003 thì:

1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

2. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.

Bên cạnh đó, Điều 256 Bộ luật Hình sự 1999 quy định:Tội mua dâm người chưa thành niên như sau:

Người nào mua dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Như vậy, hành vi mua bán dâm đối với người đã thành niên sẽ không bị xử lý hình sự mà chị bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Đối với người mua dâm, Điều 22 Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003 quy định:

“1. Người mua dâm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền.

2. Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV/AIDS mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đối với người bán dâm, Điều 23 Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003 quy định:

“1. Người bán dâm: tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm là người nước ngoài thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất.

2. Người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đối với đối tượng người mua dâm là cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài bị xử lý theo quy định trên, còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật. Trong thời gian bị xử lý kỷ luật không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; không được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan nhà nước hoặc trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Như vậy, đối với trường hợp của hai bạn xuất phát từ tình yêu trong sáng thì rất khó có thể bị quy chụp với trường hợp này.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 73/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Pháp lệnh 10/2003/PL-UBTVQH11 Phòng, chống mại dâm

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Viện Khoa học pháp lý

1900.0191