Một số hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình

Một số hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình

Bố mẹ tôi lấy nhau được 34 năm và có bốn người con. Mấy năm gần đây bố tôi có quan hệ bât chính với người phụ nữ khác và suốt ngày về đánh vợ chửi con. Chúng tôi đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng bố tôi không nghe. Giờ ông muốn đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà để cho người đàn bà đó nhà và đất. Bố tôi đã viết đơn ly dị và bắt mẹ tôi phải ký nhưng mẹ tôi chưa ký. Tôi muốn hỏi, bố tôi làm như vậy có vi phạm quy định của pháp luật không (sổ đỏ đứng tên bố tôi) và mẹ tôi có được chia tài sản không?

Gửi bởi: Nguyễn Thị Hạnh

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về các hành vi bạo lực gia đình

Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 và Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì các hành vi của bố anh/chị như đánh vợ, chửi con, đuổi vợ, con ra khỏi nhà thuộc một trong các hành vi bạo lực gia đình được quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời vi phạm quy định về một trong các hành vi bị cấm được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

2. Về mối quan hệ giữa bố của anh/chị với một người phụ nữ khác

Theo chị trình bày thì giữa bố của anh/chị với một người phụ nữ khác có mối quan hệ bất chính. Tuy nhiên, Tòa án sẽ không thể căn cứ vào trình bày này để xác định bố của anh/chị có vi phạm quy định của pháp luật không, vì cụm từ quan hệ bất chính là chưa rõ ràng, đồng thời mối quan hệ này có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trong trường hợp có căn cứ chứng mình mối quan hệ bất chính này thuộc trường hợp “chung sống như vợ chồng” tức là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì mới có căn cứ để khẳng định bố của anh/chị có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Hành vi của người “Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác” có thể bị xử phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (điểm b khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP).

3. Về việc chia tài sản khi ly hôn

Để xác định tài sản có trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng thì cần phải căn cứ vào nguồn gốc tạo dựng nên tài sản, không thể chỉ căn cứ vào ai là thực hiện giao dịch hay ai là người đứng tên trên các giấy tờ đó. Do đó, việc chỉ một mình bố của anh/chị đứng tên trên sổ đỏ không phải là căn cứ để xác định quyền sở hữu riêng của của ông đối với tài sản này.

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.

Nếu nhà và đất mà bố bạn đứng tên thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì đó là một trong số những tài sản chung của vợ chồng, sẽ được chia khi ly hôn.

Các văn bản liên quan:

Luật 02/2007/QH12 Phòng, chống bạo lực gia đình

Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: vietduc

1900.0191