Thời hạn làm Lễ đăng ký kết hôn

Thời hạn làm Lễ đăng ký kết hôn

Tôi và chồng tôi đã tiến hành các thủ tục cần thiết để xin đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội. Tôi được biết chúng tôi có thời hạn tối đa là 90 ngày để trình diện tại Sở Tư pháp và tiến hành lễ đăng ký kết hôn, nhận đăng ký kết hôn. Thời hạn 90 ngày được tính như thế nào? Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ mà Sở Tư pháp không làm việc thì thời gian đó có tính bù lại hay không?

Gửi bởi: Đỗ Thuỳ Linh

Trả lời có tính chất tham khảo

Căn cứ Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn, trừ trường hợp có lý do chính đáng mà đương sự mới yêu cầu khác về thời gian, nhưng không quá 90 ngày; hết thời hạn này mà đương sự mới yêu cầu tổ chức Lễ đăng ký kết hôn thì phải làm thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu

Căn cứ tiểu mục 1.4, Mục 1, Phần II của Thông tư 07/2002/TT-BTP ngày 16/12/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định: Lễ đăng ký kết hôn được tiến hành theo quy định tại Điều 17 của Nghị định. Khi tổ chức lễ đăng ký kết hôn, hai bên gia đình nam nữ đều phải có mặt, xuất trình chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế (như giấy thông hành hoặc giấy tờ tùy thân có dán ảnh) và tự thể hiện ý chí tự nguyện kết hôn, ký tên vào sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Trong trường hợp vì ốm đau, bệnh tật, bận công tác hoặc có lý do chính đáng mà không thể có mặt vào thời điểm đã định, đương sự phải có đơn đề nghị gửi Sở Tư pháp cho hoãn việc đăng ký kết hôn; đơn không cần chứng thực. Thời gian tạm hoãn việc kết hôn không được quá 90 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn.Nếu quá thời hạn này mà vẫn không tổ chức đăng ký kết hôn được do vắng mặt đương sự, Sở Tư pháp báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc này. Nếu sau đó đương sự mới yêu cầu tổ chức đăng ký kết hôn, thì phải làm lại giấy tờ theo thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.

Căn cứ Khoản 5 Điều 153 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.

Như vậy 90 ngày là thời hạn tiến hành lễ đăng ký kêt hôn tính từ ngày Chủ tịch Ủy ban Nhân dân ký Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Nếu ngày thứ 90 trùng vào ngày nghỉ ngày lễ thì thời hạn kết thúc là thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó.

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội

Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn

Các văn bản liên quan:

Nghị định 68/2002/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Thông tư 07/2002/TT-BTP Về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: z

1900.0191