Quy định về rút đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án và yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành

Quy định về rút đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án và yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành

 

 

Theo nội dung bản án của Tòa án, Công ty chúng tôi là bên nợ (người phải thi hành án), Công ty A là chủ nợ (người được thi hành án). Khi cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án buộc Công ty chúng tôi phải trả nợ cho Công ty A, thì Công ty A lại tự rút đơn. Sau đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra Quyết định đình chỉ thi hành án.

Hỏi: Công ty A có quyền thuê Công ty đòi nợ đến đòi nợ đối với Công ty tôi không? Pháp luật quy định như thế nào về hoạt động của các Công ty đòi nợ thuê? Tính pháp lý của quyết định đình chỉ thi hành án dân sự do người được thi hành án tự rút đơn yêu cầu thi hành án. Sau khi tự rút đơn yêu cầu thi hành án tại cơ quan thi hành án thì người được thi hành án có quyền đề nghị cơ quan nào thi hành án? Công ty chúng tôi có quyền và nghĩa vụ gì đối với các Công ty đòi nợ thuê nêu trên và đối với Công ty A? Chúng tôi rất mong được sự giúp đỡ và tư vấn của Ban tư vấn pháp luật, Xin chân thành cảm ơn!

 

Gửi bởi: vinh le

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định khoản 2 Điều 3 Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì “Chủ nợ: là tổ chức kinh tế, cá nhân có quyền đòi nợ”. Tuy nhiên, Điều 1 của Nghị định này quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định tại Nghị định này chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đầy đủ các yếu tố: có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp; đã quá hạn thanh toán. Các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Trường hợp của bạn khoản nợ đã được xác định bằng bản án. Do vậy, trường hợp Công ty A rút đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án thì Công ty A có quyền đề nghị Văn phòng Thừa phát lại thi hành án theo khoản 13 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh quy định: Đối với các vụ việc đã được tổ chức thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự nhưng sau đó đương sự có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án và yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành hoặc ngược lại thì nội dung yêu cầu phải nêu rõ kết quả thi hành trước đó, những nội dung yêu cầu tổ chức thi hành tiếp và nội dung bảo lưu kết quả thi hành trước đó (nếu có). Văn phòng Thừa phát lại, cơ quan thi hành án dân sự có thể chấp thuận đề nghị bảo lưu kết quả thi hành trước đó của đương sự để làm căn cứ tiếp tục tổ chức thi hành án.

Bạn muốn biết tính pháp lý của quyết định đình chỉ thi hành án: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án do người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Việc ra quyết định đình chỉ thi hành án đảm bảo vụ việc do cơ quan thi hành án tổ chức thi hành đã kết thúc và người được thi hành án không còn quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành tiếp cho bạn.

Các văn bản liên quan:

Luật 64/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự

Nghị định 104/2007/NĐ-CP Về kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Nghị định 135/2013/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Thu Hằng

Tham khảo thêm:

1900.0191