Phân tích Tội vu khống

TỘI VU KHỐNG ( ĐIỀU 122 )

Vu khống là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người khác, hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

  1. Đối với người phạm tội

Người phạm tội phải có một trong các hành vi sau:

– Bịa đạt những điều không có thực

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp không biết bao nhiêu những điều man trá và khi phải nghe những điều người ta nói không đúng về mình thì chúng ta thường có một phản ứng lại và coi đó là vu khống, vu cáo, đồ bịa đặt, đồ lừa thầy phản bạn và coi đó là hành vi xấu xa, đê tiện v.v.. Nhưng không phải bao giờ những hành vi đó đều coi là tội phạm hình sự mà nhiều trường hợp người nghe, người biết chỉ coi đó là hành vi mất đạo đức, nếu cần thì xử lý hành chính, có khi giữa người bị vu khống với người có hành vi bịa đặt gặp nhau thông cảm và họ lại quan hệ tốt với nhau như cũ. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, nhiều kẻ lợi dụng quyền tự do, dân chủ để vu khống một số cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, nhằm bôi nhọ danh dự hoặc thực hiện những mưu đồ khác. Vì vậy, việc đưa ra truy tố xét xử những kẻ có hành vi vu khống là rất cần thiết.

Bịa đặt là tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có đối với người khác như: không tham ô thì bảo là tham ô, không quan hệ bất chính lại tố cáo là quan hệ bất chính, không nhận hối lộ lại tố cáo là nhận hối lộ, người đã tốt nghiệp đại học, đã bảo vệ luận văn thạc sỹ, tiến sỹ nhưng lại tố cáo họ là bằng giả v.v… Trong thực tế không ít trường hợp kẻ có hành vi bịa đặt rất tinh vi, nếu không điều tra xác minh thì rất dễ tin điều đó là sự thật, kẻ bịa đặt trong trường hợp này thường sử dụng những sự kiện có thực mà ai cũng biết để gài đặt vào trong những sự kiện có thực đó những điều không có thực. Ví dụ: Nguyễn H nguyên là Uỷ viên Uỷ ban mặt trận tổ quốc tỉnh, chỉ vì không được chấp nhận là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội vì H che giấu quá trình hoạt động bản thân của mình. Từ đó, H nhân danh mặt trận tổ quốc tỉnh, cấu kết với một số phần tử bất mãn viết nhiều đơn gửi đến các cơ quan Đảng và Nhà nước vu cáo một số cán bộ chủ chốt của địa phương. Trong các đơn thư tố cáo, Nguyễn H đã dựa vào những việc có thực như: cưỡng chế giải toả, di dân để xây dựng công trình phúc lợi, quyết định thu hồi nhà vắng chủ của UBND, cơ quan Công an có bắt tạm giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ v.v.. để gài đặt những điều không có thực như: ông T là chủ tịch tỉnh đã cho quân càn quết, bắt trói đánh đập dã man người vô tội, xâm phạm nghiêm trọng chính sách đối với người dân tộc thiểu số, lấy nhà vô chủ cấp cho người nhà v.v..

– Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt

Tuy người phạm tội không bịa đặt, nhưng lại loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: sáo chép làm nhiều bản gởi đi nhiều nơi, kể lại cho người khác nghe, đăng tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng v.v… Người có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt có thể biết điều đó do ai bịa đặt hoặc cũng có thể chỉ biết đó là bịa đặt còn ai bịa đặt thì không biết.

Người loan truyền phải biết rõ điều mình loan truyền là không có thực nếu họ còn bán tin bán nghi thì cũng chưa cấu thành tội vu khống.

– Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền

Đây là trường hợp tố cáo trước cơ quan có thẩm quyền về một tội phạm xảy ra và người thực hiện tội phạm mà hoàn toàn không có thực. Trong thực tế có nhiều trường hợp các cơ quan nhà nước nhận được tin báo về tội phạm và người phạm tội, sau khi xác minh thấy không có tội phạm xảy ra đã không khởi tố vụ án hình sự hoặc tuy đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thậm chí đã truy tố ra trước Toà án và Toà án đã kết án người bị tố cáo, nhưng sau khi kiểm tra lại toàn bộ các tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập thì mới xác định tội phạm và người phạm tôi bị tố cáo là không có thực, nhưng không phải vì thế mà cho rằng người đã tố cáo đã có hành vi vu khống mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định người tố cáo không đúng đó có phải là vu khống không. Đây cũng là một vấn đề khá phức tạp cả về lý luận cũng như thực tiễn xét xử. Nhiều người sau khi được minh oan, đã yêu cầu các cơ quan nhà nước phải trừng trị kẻ đã tố cáo sai sự thật đã đẩy họ tới chỗ phải tù tội, nhưng cũng có người không yêu cầu gì. Mặc dù Bộ luật hình sự quy định tương đối đầy đủ những hành vi của công dân và của những người tiến hành tố tụng, nếu cố tình làm oan người ngay thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng trên thực tế lại có rất ít những trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu cho rằng do trình độ nghiệp vụ non kém hoặc không cố ý. Trong hoạt động tố tụng tình trạng người làm chứng man khai cũng không phải ít, nhưng để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội khai báo gian dối theo Điều 307 Bộ luật hình sự thì lại không phải là dễ dàng. Người làm chứng man khai có thể đưa ra đủ lý do để biện bạch cho lời man khai của họ, để chứng minh là mình không cố ý. Hiện nay và sau này chắc chắn tình trạng này còn xảy ra nhiều, chúng tôi hy vọng rằng, đã đến lúc các cơ quan tiến hành tố tụng cần tổng kết thực tiến xét xử về những trường hợp tố cáo người phạm tội không đúng sự thật, người phiên dịch đã cố tình dịch không đúng mà họ biết rõ là sai sự thật để có thể đề ra chủ trương xử lý bảo đảm sự công bằng xã hội.

Tất cả những hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt hoặc tố cáo sai người phạm tội với cơ quan có thẩm quyền đều nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người bị hại. Những hiệt hại này có thể có xảy ra hoặc cũng có thể chưa xảy ra.

 

VỀ PHÍA NGƯỜI BỊ HẠI

Người bị hại chính là người bị vu khống, là công dân (con người cụ thể) chứ không phải pháp nhân hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Điều này tưởng đơn giản không có gì phức tạp, nhưng thực tiễn có trường hợp có hành vi vu khống, có người vu khống nhưng lại không xác định được người bị hại là ai hoặc xác định sai người bị hại dẫn đến giải quyết vụ án không đúng. Ví dụ: Ch đã bịa đặt và loan truyền nhiều tin mà Ch biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự của một số cán bộ chủ chốt ở địa phương, nhưng Ch không chỉ đích danh ai mà chỉ nói chung chung là “những người lãnh đạo địa phương”. Khi hành vi của Ch bị phát hiện, cần phải xác minh ai là người bị hại để yêu cầu khởi tố Ch thì không ai nhận mình là người bị hại, vậy là cơ quan điều tra xác định luôn người bị hại là Uỷ ban nhân huyện và thay mặt Uỷ ban nhân dân huyện ông chủ tịch ký vào công văn yêu cầu khởi tố Ch về tội vu khống.

Người bị hại trong vụ án vu khống có thể bị xúc phạm danh dự, cũng có thể bị thiệt hại về tài sản hoặc những thiệt hại khác về tinh thần, về sức khoẻ v.v..nhưng chủ yếu là thiệt hại về tinh thần (danh dự).

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Vu khống một người và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự ( khoản 1 Điều 112)

Đây là trường hợp phạm tội không có các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự. Người phạm tội vu khống trong trường hợp này bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 122 Bộ luật hình sự có khung hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đén hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Đây là tội phạm ít nghiêm trọng, việc đưa ra truy tố xét xử chủ yếu để giáo dục, nếu không có nhiều tình tiết tăng nặng và hậu quả của hành vi vu khống gây ra chưa nghiêm trọng lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì chỉ nên cảnh cáo hoặc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.

Tuy nhiên, theo Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự quy định tội vu khống chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nên chỉ khi nào người bị hại có yêu cầu thì mới được khởi tố vụ án. và người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

  1. Phạm tội có tổ chức ( điểm a khoản 2 Điều 122)

Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội vu khống có tổ chức là trường hợp có nhiều người tham gia, trong đó có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy có người trực tiếp thực hiện tội phạm, có người xúi giục, hoặc giúp sức, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm thế nào để vu khống được người khác. Vu khống có tổ chức là trường hợp phạm tội nguy hiểm hơn trường hợp phạm tội không có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức do có sự phận công, cấu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm nên chúng dễ dàng thực hiện việc vu khống và cũng dễ dàng che giấu hành vi phạm tội của mình.

Đây là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999, nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

  1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vu khống ( điểm b khoản 2 Điều 122)

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một cong vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.15

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vu khống là hành vi vu khống do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi vu khống đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc vu khống; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc vu khống một cách dễ dàng. Tuy nhiên, người phạm tội  có việc lợi dụng chức vụ để vu khống thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vu khống.

Đây cũng là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999, nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

  1. Vu khống nhiều người ( điểm c khoản 2 Điều 122)

Cũng tương tự như trường hợp phạm tội đối với nhiều người, nhưng vì khoản 2 Điều 122 không có quy định trường hợp vu khống nhiều lần, nên vu khống đối với nhiều người bao gồm cả trường hợp một lần vu khống từ hai người trở lên hoặc nhiều lần vu khống mà tổng số người bị vu khống từ hai người trở lên. Tuy nhiên, do Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự quy định tội vu khống chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nên chỉ coi là phạm tội đối với nhiều người khi có từ hai người trở lên bị vụ khống và cả hai người đều có yêu cầu khởi tố vụ án.

Đây cũng là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999, nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

  1. Vu khống ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình ( điẻm d khoản 2 Điều 122)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tư như đối với các trường hợp phạm tội đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình, chỉ khác nhau ở chỗ người bị hại trong trường hợp này là người bị vu khống.

Đây cũng là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999, nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

  1. Vu khống người thi hành công vụ ( điểm đ khoản 2 Điều 122)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội khác đối với người thi hành công vụ, chỉ khác ở chỗ trong trường hợp này người bị hại là người bị vu khống. Như vậy, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đẻ vu khống người khác và vu khống người thi hành công vụ đều bị coi là nghiêm trọng hơn và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự.

Đây cũng là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999, nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

  1. Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng ( điểm e khoản 2 Điều 122)

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự thì tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù. Ví dụ: tội gián điệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 80; tội giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93; tội cưỡng dâm trẻ em thuộc trường hợp quy định tại  khoản 2 Điều 114. v.v…

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ví dụ: Tội phản bội tổ quốc thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 78; tội giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 93; tội cướp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 133; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 279.v.v…

Nếu hành vi vu khống người khác phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật hình sự.

Phạm tội thuộc các trường hợp: có tổ chức; lợi dụng chức vu, quyền hạn; đối với nhiều người; đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đối với người thi hành công vụ; vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặcbiệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ một năm đến bảy năm tù. So với khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn, nhưng tất cả các tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự là tình tiết mới nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội vu khống cũng có khoản 2, nhưng chỉ có một tình tiết định khung là phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng nên có thể coi những trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999 là trường hợp nghiêm trọng nếu người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999 thì áp dụng khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hình phạt bổ sung đối với tội làm nhục người khác, vì vậy đói với người phạm tội làm nhục người khác trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì không được áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ.

Tham khảo thêm:

1900.0191