Một số vấn đề về việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án

Một số vấn đề về việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án.

Biện pháp bảo đảm được hiểu là những chế tài theo quy định của pháp luật do chấp hành viên tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Đây là một điểm mới được Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định. Trước đây các Pháp lệnh về thi hành án dân sự (Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, 1993,…) không quy định các biện pháp bảo đảm thi hành án. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 giành hẳn Mục 1 Chương IV để quy định về các biện pháp bảo đảm cho thấy tính cấp thiết và quan trọng của các biện pháp này trong công tác thi hành án dân sự. Và thực tế cũng cho thấy, các biện pháp bảo đảm thi hành án đã mang lại những khởi sắc nhất định trong công tác thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, biện pháp này vẫn còn nhữnghạn chế, khó khăn nhất định. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề đang là tâm điểm khó khăn của chấp hành viên qua thực tiễn tổ chức áp dụng biện pháp này.

Thứ nhất, xét một cách tổng thể thì biện pháp bảo đảm thi hành án không khác nhiều so với biện pháp kê biên ngay (theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004). Điều khác biệt cơ bản là có sự phân định rạch ròi về bản chất của các biện pháp này (biện pháp bảo đảm mới ở giai đoạn ngăn chặn, khác với biện pháp kê biên ngay ở giai đoạn cưỡng chế). Tuy nhiên, biện pháp bảo đảm lại quy định các dấu hiệu “…tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án…”(1) như biện pháp kê biên ngay của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004.Những dấu hiệu này trước đây đã từng cản trở chấp hành viên áp dụng biện pháp kê biên ngay vì rất khó xác định dấu hiệu, nhưng lại dễ dàng cho đương sự khiếu nại, và để an toàn, chấp hành viên rất ít khi áp dụng biện pháp kê biên ngay.

Cho đến nay, chưa có thống kê trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2008 và từ khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực đến nay có bao nhiêu vụ việc được áp dụng biện pháp kê biên ngay và áp dụng biện pháp bảo đảm. Nhưng theo chúng tôi tìm hiểu, qua thực tiễn tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bình Phước,… rất ít chấp hành viên áp dụng các biện pháp này. Lý do được đưa ra là biện pháp bảo đảm thi hành án còn rườm rà hơn cả biện pháp kê biên ngay vì phải thực thi quá nhiều thủ tục như trong trường hợp thu giữ tài sản trong thời hạn 15 ngày phải xác minh, thông báo, áp dụng biện pháp cưỡng chế, hoặc trả lại tài sản trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án,..

Thứ hai, việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản theo quy định tại Điều 67 Luật Thi hành án dân sự năm 2008: “Việc phong toả tài khoản được thực hiện trong trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án…”(2).

Biện pháp này xét trên khía cạnh lý thuyết thì rất ưu điểm, vì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án phải tự nguyện thi hành và để phòng ngừa người phải thi hành án tẩu tán, biện pháp này cho phép chấp hành viên được quyền phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án để đảm bảo việc thi hành án sau này. Tuy nhiên, biện pháp này cũng rất ít khi được chấp hành viên áp dụng, bởi lẽ, có các khó khăn sau đây:

Một là, các kho bạc, ngân hàng, tổ chức tín dụng thường từ chối cung cấp số tài khoản, số dư tài khoản cho cơ quan thi hành án dân sự với những lý do rất tế nhị và rất khó để quy trách nhiệm. Và càng khó khăn hơn cho người được thi hành án xác định và cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự số tài khoản, số dư tài khoản của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự làm căn cứ tổ chức thi hành (ra quyết định phong tỏa tài khoản).

Hai là, trong trường hợp chấp hành viên xác định được số tài khoản, số dư tài khoản của người phải thi hành án hoặc người được thi hành án cung cấp được cho cơ quan thi hành án dân sự số tài khoản, số dư tài khoản của người phải thi hành án thì trong khoảng thời gian tự nguyện thi hành án chấp hành viên vẫn có thể vận dụng các quy định khác của pháp luật để thực thi. Trong trường hợp này, chấp hành viên có thể vận dụng quy định tại Điều 11 Luật Thi hành án dân sự năm 2008(3), theo đó chấp hành viên lập biên bản với đại diện kho bạc, ngân hàng, tổ chức tín dụng về việc thi hành án và yêu cầu kho bạc, ngân hàng, tổ chức tín dụng đó tạm giữ đủ số tiền phải thi hành án để đảm bảo việc thi hành án mà không nhất thiết phải ra quyết định phong tỏa – tốn thời gian, công sức và không kịp thời. Bởi vì, ra được quyết định phong tỏa, “tìm” được người đại diện hợp pháp của kho bạc, ngân hàng, tổ chức tín dụng để tống đạt quyết định là cả một vấn đề nan giải.

Ba là, khó khăn về thời gian xử lý quyết định phong tỏa tài khoản. Theo quy định tại khoản 3 Điều 67 thì: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế …”(4). Vấn đề đặt ra là trong thời gian này đương sự – người phải thi hành án chưa hết quyền thỏa thuận thi hành án “Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận….”(5). Hơn thế nữa, đương chưa mất quyền/hết thời gian tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 8 và Điều 45 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Như vậy, việc chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế là vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người phải thi hành án. Bởi vì, quy định tại khoản 2 Điều 45 là cho phép chấp hành viên được áp dụng các biện pháp bảo đảm chứ không phải là biện pháp cưỡng chế. Thủ tục cưỡng chế vẫn phải tuân theo trình tự luật định.

Các nhà làm luật đã đưa ra những quy phạm pháp luật thiếu rõ ràng, và để an toàn nếu có áp dụng biện pháp này, chấp hành viên đều phải vượt rào – vi phạm thời hạn 05 ngày để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án.

Theo chúng tôi, với trường hợp trên, biện pháp cưỡng chế – khấu trừ ngay vào tài khoản của người phải thi hành án (như quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004)lại mang tính hiệu quả và tiết kiệm nhất – nếu không có sự phân định quá rạch ròi về biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế như Luật Thi hành án dân sự đã quy định.

Thứ ba, đối với biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự theo quy định tại Điều 68 Luật Thi hành án dân sự thì: “Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng…”(6).

Những quy định nêu trên tưởng chừng như rất thuận lợi cho chấp hành viên thực thi, nhưng những ai đã thực hiện mới nhận thấy hết những vất vả, khó khăn.

Khó khăn đầu tiên là khi thực hiện biện pháp này phải cần có sự hỗ trợ lực lượng như: Công an, viện kiểm sát, chính quyền địa phương,… nhưng công an và viện kiểm sát đều từ chối với lý do là không có hướng dẫn hỗ trợ, kiểm sát hoạt động này. Thực vậy, đến nay chỉ có văn bản hướng dẫn về hỗ trợ cưỡng chế (Quyết định số 1501/2008/QĐ-BCA (C11), ngày 10/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy trình hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân) chứ chưa có văn bản nào hướng dẫn hỗ trợ lực lượng cho biện pháp bảo đảm.

Khó khăn thứ hai là chấp hành viên phải xác định được dấu hiệu: Tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án để có căn cứ tạm giữ. Chúng tôi xin nêu một vụ việc là người phải thi hành án đến trụ sở cơ quan thi hành án bằng xe gắn máy, trong khi nghĩa vụ thi hành án tương xứng với chiếc xe trên, chấp hành viên tạm giữ chiếc xe để đảm bảo thi hành án. Đương sự cho rằng không có ý tẩu tán, hủy hoại hay trốn tránh việc thi hành án và chống đối quyết liệt. Trong trường hợp trên chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý như thế nào? đang được luật bỏ ngỏ. Và vấn đề sẽ thực sự phức tạp nếu không được sự kiểm sát của viện kiểm sát, không được sự hỗ trợ của lực lượng công an thì uy tín và tính nghiêm minh của pháp luật sẽ bị xâm phạm. Theo chúng tôi, để đảm bảo việc áp dụng khả thi điều luật này, nên chăng cũng cần phải có quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ của viện kiểm sát và công an.

Khó khăn thứ ba là theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ, chấp hành viên ra một trong các quyết định hoặc là áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu xác định được tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu của người phải thi hành án; hoặc trả lại tài sản tạm giữ cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án.

Tuy nhiên, tại Điều 89 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng có quy định: “Trước khi kê biên… tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký”(7). Và theo quy định này, thì thời hạn xác minh, cung cấp thông tin không phải hoàn toàn dựa vào chấp hành viên mà phần lớn phụ thuộc vào các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin. Thực tiễn cho thấy, việc trả lời xác minh, cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án dân sự của các cơ quan có liên quan không phải bao giờ cũng nhanh chóng mà đa phần là chậm trễ, và nhanh nhất cũng 20 đến 30 ngày, còn chậm thì chưa biết đến bao giờ.

Theo chúng tôi để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của chế định bảo đảm thi hành án, rất cần một sự tổng kết thực tiễn áp dụng biện pháp bảo đảm trên phạm vi cả nước để có những hướng dẫn, bổ sung phù hợp với thực tiễn và tháo gỡ những khó khăn cho người áp dụng.

ThS. Đinh Duy Bằng

Tài liệu tham khảo:

(1). Khoản 1 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

(2). Điều 67 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

(3). Điều 11 Luật Thi hành án dân sự quy định: “1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành án.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên theo quy định của Luật này.

Mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật đối với hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên đều bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

(4). Khoản 3 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

(5). Khoản 1 Điều 6 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

(6). Điều 68 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

(7). Khoản 1 Điều 89 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Tham khảo thêm:

1900.0191