Bán phá giá – Vận dụng các quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO

Bán phá giá – Vận dụng các quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO.

Bán phá giá hàng xuất khẩu là hiện tượng gắn liền với kỷ nguyên công nghiệp hóa diễn ra ở châu Âu ngay từ thế kỷ 17 và sau đó nhanh chóng trở thành một hiện tượng phổ biến của thế giới. Ngay từ khi xuất hiện, hiện tượng này đã được xem như là mối đe dọa đối với nền kinh tế của nước nhập khẩu. Do vậy, em chọn đề bài số 8 để làm bài tập học kỳ của mình: “Vận dụng các quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO để phân tích những vấn đề pháp lý sau đây:

  • Khái niệm một sản phẩm bị coi là bán phá giá
  •  Các điều kiện và thủ tục để áp dụng thuế chống bán phá giá

1. Khái niệm một sản phẩm bị coi là bán phá giá

Trước hết, hiểu thế nào là bán phá giá (BPG)? Theo TS.Vũ Thị Phương Lan, “bán phá giá trong thương mại quốc tế là hiện tượng xảy ra khi một hàng hóa được bán ở thị trường nước nhập khẩu với mức giá thấp hơn mức giá bán của hàng hóa đó ở thị trường nước xuất khẩu”[1].

Hiệp định Marakesh thành lập WTO (The World Trade Organization – WTO) với phần Phụ lục bao gồm các Hiệp định thương mại đa biên trong khuôn khổ WTO, trong đó có Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT 1994) và Hiệp định về việc thực thi Điều VI của GATT 1994 (thường được gọi là Hiệp định về chống BPG 1994 hay ADA 1994). Khái niệm BPG được thể hiện rõ nét tại khoản 1 Điều VI GATT 1994: “Các bên ký kết công nhận rằng BPG, theo đó hàng hóa của một nước được đưa vào kinh doanh thương mại ở một nước khác với giá trị thấp hơn giá trị thông thường của hàng hóa đó, phải bị lên án nếu như nó gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại lớn đối với một ngành công nghiệp đã được thiết lập trên lãnh thổ của một nước ký kết hoặc cản trở nghiêm trọng việc thiết lập một ngành sản xuất nội địa”. Hay tại khoản 2.1 Điều 2 ADA 1994 quy định: “Trong phạm vi Hiệp định này, một hàng hóa được coi là BPG (tức là được đưa vào lưu thông thương mại ở một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của hàng hóa đó) nếu như giá xuất khẩu của hàng hóa được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường”.

Như vậy, hiểu theo một cách đơn giản là nếu giá xuất khẩu của một mặt hàng thấp hơn giá nội địa (giá thông thường) của nó thì sản phẩm đó được coi là BPG tại thị trường nước nhập khẩu sản phẩm đó. Ví dụ: Một người sản xuất tivi lâu năm bán một mặt hàng tivi với giá 300USD/chiếc, nếu người đó xuất khẩu tivi cùng loại tới nước khác và bán với giá 230USD/chiếc thì người đó đã thực hiện hành động BPG, hay xảy ra hiện tượng BPG đối với loại tivi đó xuất khẩu sang nước khác.

Trong đó, giá trị thông thường của hàng hóa được xác định là giá của hàng hóa trong điều kiện thương mại thông thường khi đưa ra tiêu thụ tại thị trường. ADA 1994 không đưa ra định nghĩa về điều kiện thương mại thông thường nhưng có nêu trong một trường hợp có thể coi là không được bán trong điều kiện thương mại thông thường. Đó là khi sản phẩm được bán tại thị trường nước nội địa của nước xuất khẩu hoặc bán sang một nước thứ ba với giá thấp hơn giá sản xuất theo đơn vị sản phẩm (Điều 2.2.1 ADA 1994). Còn giá xuất khẩu là giá giao dịch sản phẩm mà người bán ở nước xuất khẩu bán hàng cho nhà nhập khẩu ở nước nhập khẩu.

BPG hàng hóa không đồng nghĩa với hàng hóa bán rẻ. Một nước có thể xuất khẩu hàng hóa sang nước khác, bán với giá rẻ hơn hàng hóa cùng loại đang bán trên thị trường nước nhập khẩu, nếu giá bán không thấp hơn giá bán của hàng hóa đó trên thị trường nước xuất khẩu thì hành động đó không phải là BPG.

2. Các điều kiện và thủ tục áp dụng thuế chống bán phá giá

Thực tiễn chống Bán phá giá (BPG) trong thương mại quốc tế cho thấy, trong số các biện pháp chống BPG, thuế chống BPG, hay còn gọi là thuế chống BPG chính thức là biện pháp được áp dụng phổ biến nhất. Về bản chất, đây là khoản thuế bổ sung (ngoài khoản thuế nhập khẩu thông thường) đánh vào sản phẩm nước ngoài nhập khẩu là đối tượng của quyết định áp dụng biện pháp chống BPG. Trong khi đó, biện pháp tạm thời chưa phải là một biện pháp chống BPG chính thức và cam kết về giá chỉ được áp dụng trong một tỷ lệ rất nhỏ các vụ kiện chống BPG. Thuế chống BPG là biện pháp cuối cùng và có hiệu lực ngay kể từ khi được ban hành.

2.1. Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá

Không phải cứ có hiện tượng hàng hóa nước ngoài BPG là nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp chống BPG đối với hàng hóa đó. Theo quy định của WTO thì việc áp dụng thuế chống BPG chỉ được thực hiện nếu cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu, sau khi đã tiến hành điều tra chống BPG, ra kết luận khẳng định sự tồn tại đồng thời của cả 3 điều kiện sau:

+ Hàng hóa nhập khẩu bị BPG (với biên độ phá giá không thấp hơn 2%);

+ Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước (gọi chung là yếu tố thiệt hại);

+ Có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu BPG và thiệt hại nói trên.

Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu có thể bao gồm các doanh nghiệp có khả năng sản xuất ra các sản phẩm tương tự hoặc chỉ bao gồm các doanh nghiệp chiếm đa phần trên thị trường sản xuất sản phẩm tương tự ở nước nhập khẩu.

Thông thường có ba loại thiệt hại được nhắc đến có khả năng dẫn đến việc bị áp thuế chống BPG: (i) Đã có thiệt hại vật chất xảy ra với ngành công nghiệp liên quan; (ii) Có mối đe dọa gây thiệt hại vật chất với ngành công nghiệp liên quan; (iii) Có sự phá hủy vật chất với ngành công nghiệp liên quan. Tuy không có một tiêu chuẩn cụ thể nào để xác định mức độ thiệt hại nhưng theo các quy định của WTO cũng nhấn mạnh việc xác định thực tế chứ không phải là sự quy kết, suy đoán hoặc khả năng xa.

Nếu có thiệt hại vật chất cho ngành công nghiệp liên quan nhưng không phải do tác động của BPG mà do nhu cầu, thị hiếu hay hoàn cảnh quốc tế chi phối thì không thể áp thuế chống BPG với hàng hóa của nước xuất khẩu đang bị điều tra được. Để xác định được có mối quan hệ nhân quả giữa việc BPG và thiệt hại vật chất cho ngành công nghiệp liên quan, cơ quan điều tra phải xem xét các chứng cứ liên quan. Hiện nay, việc thu thập chứng cứ và xem xét chứng cứ vẫn do các quốc gia tự mình thực hiện theo các phương thức khác nhau nên không tránh được việc cảm tính, chung chung, gây thiệt hại cho các quốc gia bị điều tra phá giá.

Cuộc điều tra phá giá sẽ bị chấm dứt ngay lập tức nếu cơ quan điều tra xác định rằng: (i) Biên độ phá giá nhỏ hơn 2% giá xuất khẩu hoặc (ii) Số lượng nhập khẩu hàng bị nghi ngờ BPG từ một nước nhỏ hơn 3% tổng nhập khẩu sản phẩm tương tự ở nước nhập khẩu, trừ trường hợp từng nước xuất khẩu có lượng hàng nhập khẩu dưới 3% nhưng lượng hàng nhập khẩu của tất cả các nước xuất khẩu chiếm trên 7% tổng nhập khẩu sản phẩm tương tự ở nước nhập khẩu. Ví dụ thực tế về việc mặt hàng của một số nước dù có thị phần nhỏ nhưng do việc cộng dồn cùng với thị trường tương tự của nước khác nên vẫn là đối tượng bị kiện của nước nhập khẩu, đó là vụ kiện bật lửa gas mà EU kiện Việt Nam (2002). EU muốn kiện chống BPG hàng của Trung Quốc lan tràn trên thị trường châu Âu và chiếm đến 80% số lượng hàng trong đơn hàng bị kiện, trong khi đó bật lửa gas của Việt Nam tuy có số lượng rất ít nhưng cũng bị kiện để tránh tiền lệ.

2.2. Thủ tục để áp dụng thuế chống bán phá giá

Theo WTO, việc áp dụng thuế chống BPG phải được tiến hành theo trình tự theo quy định khung của GATT 1994 và ADA 1994. Đây thực chất là tổng hợp các bước điều tra xác minh các yêu cầu trong đơn kiện để kết luận có đủ điều kiện áp dụng các biện pháp chống BPG đối với hàng hóa bị kiện hay không. Có thể tóm tắt thành các bước như sau:

Bước 1: Ngành sản xuất trong nước hoặc đại diện cho ngành sản xuất trong nước của sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu nộp đơn kiện;

Cơ quan điều tra sẽ không tiến hành điều tra phá giá trừ khi xác định được rằng đơn xin điều tra được nộp bởi ngành sản xuất trong nước hoặc đại diện cho ngành sản xuất trong nước của sản phẩm tương tự, tức: (i) Sản phẩm tương tự của các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc nộp đơn phải lớn hơn sản lượng của các nhà sản xuất trong nước phản đối việc nộp đơn và (ii) Sản lượng của các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc nộp đơn phải chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự của ngành sản xuất trong nước.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi xướng điều tra hoặc từ chối đơn kiện, không điều tra;

Cơ quan điều tra sẽ xác minh tính chính xác và đầy đủ các bằng chứng nêu trong đơn để xác định xem đã có đủ lý do để tiến hành điều tra chưa. Trong trường hợp không có đơn kiện của các chủ thể trên, cơ quan điều tra có thể tự mình điều tra khi có đầy đủ bằng chứng về việc BPG, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố này.

Bước 3: Tiến hành điều tra;

Các cơ quan điều tra sẽ gửi bằng văn bản thông báo cho tất cả các bên liên quan đề nghị cung cấp bằng văn bản mọi chứng từ liên quan đến cuộc điều tra. Thời hạn trả lời câu hỏi điều tra là 30 ngày và có thể gia hạn thêm 30 ngày hoặc lâu hơn nếu thấy cần thiết, gửi nguyên văn đơn đề nghị điều tra cho các nhà xuất khẩu và cơ quan có liên quan ở nước xuất khẩu và các bên liên quan nếu có yêu cầu.

Sau khi cơ quan điều tra đã thực hiện đúng các thủ tục bắt đầu và quá trình điều tra tiếp theo và kết luận ban đầu nhận thấy rằng có dẫn đến tổn hại cho ngành sản xuất trong nước, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp tạm thời, bao gồm: thuế tạm thời, đặt cọc các khoản tiền tương đương với khoản thuế chống BPG dự kiến; cho thông quan nhưng bảo lưu quyền đánh thuế và nêu rõ mực thuế nhập khẩu thông thường và mức thuế chống BPG dự kiến (Điều 7 ADA 1994) để ngăn chặn tổn hại đang xảy ra trong quá trình điều tra.

Bước 4: Kết luận cuối cùng;

Bước 5: Quyết định áp dụng biện pháp chống BPG (nếu kết luận cuối cùng khẳng định có việc BPG gây thiệt hại);

Việc quyết định có đánh thuế chống bán phá giá hay không và đánh thuế tương đương hay nhỏ hơn biên độ phá giá sẽ do cơ quan điều tra của nước nhập khẩu quyết định. Đối với một sản phẩm bị bán phá giá, cơ quan chức năng sẽ xác định biên độ phá giá riêng cho từng nhà sản xuất. Thuế chống BPG sẽ được áp dụng cho từng trường hợp, trên cơ sở không phân biệt đối xử đối với hàng nhập khẩu liên quan từ tất cả các nguồn được coi là gây thiệt hại trừ trường hợp đã cam kết giá, mức thuế chống BPG không được cao hơn biên độ phá giá. Mọi mức thuế cao hơn biên độ phá giá là không cần thiết và vượt quá ranh giới chính đáng của thuế này (Điều 9.3, ADA 1994). WTO cũng khuyến nghị rằng mức thuế chống BPG chính thức chỉ nên dừng lại ở một mức vừa đủ để loại trừ được thiệt hại đã gây ra.

Bước 6: Rà soát lại biện pháp chống BPG;

Sau khi áp dụng thuế chống BPG một thời gian, cơ quan chức năng sẽ tự tiến hành rà soát việc tiếp tục đánh thuế hoặc theo đề nghị của bất kỳ bên liên quan nào về vấn đề: có cần tiếp tục đánh thuế không hoặc nếu ngừng đánh thuế hoặc thay đổi mức thuế thì có dẫn đến thiệt hại hay không. Cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định ngừng đánh thuế nếu, sau khi rà soát, xác định được rằng không cần tiếp tục đánh thuế nữa.

Bước 9: Rà soát hoàng hôn.

Về nguyên tắc, thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng tối đa trong 5 năm. Trước khi hết thời hạn trên, cơ quan chức năng sẽ tự tiến hành rà soát hoặc theo đề nghị của đại diện ngành sản xuất trong nước. Nếu như sau khi rà soát (thường trong 12 tháng), cơ quan có thẩm quyền xác định được hiện tượng BPG vẫn còn và tiếp tục gây thiệt hại thì thuế chống BPG vẫn có thể được tiếp tục áp dụng (Điều 11.3 ADA 1994).

Thuế chống BPG chỉ có hiệu lực đối với hàng hóa nhập khẩu sau thời điểm quyết định áp thuế được ban hành. Tuy nhiên, nếu chỉ áp thuế vào thời điểm sau khi nó được ban hành thì sẽ không khắc phục được những thiệt hại mà sản phẩm BPG đã gây ra trong thời gian trước khi có quyết định áp thuế chống BPG. Do đó, WTO cho rằng trong những trường hợp nhất định có thể cho phép quyết định áp thuế chống BPG có hiệu lực hồi tố (Điều 10 ADA 1994).

Pháp luật chống BPG ra đời từ lâu đời và ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình trong hệ thống pháp luật các nước trên thế giới. Và đặc biệt từ khi các quy định về chống BPG nói chung và thuế chống BPG nói riêng được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật của WTO thì nó đã trở thành cơ sở pháp lý giúp các nước giải quyết các vấn đề về chống BPG. Trước hoàn cảng hàng hóa nước ngoài phá giá thô bạo ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam liên  tục bị khởi kiện chống BPG ở các thị trường lớn nhỏ khác nhau. Do vây, Việt Nam cần có các đối sách hợp lý phù hợp với pháp luật của WTO, phù hợp với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT 1994);
  2. Hiệp định về việc thực thi Điều VI của GATT 1994 (ADA 1994);
  3. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại quốc tế, Nxb.Công an nhân dân, Hà Nội – 2015;
  4. Hà Thị Thu Trang, Quy định mở về chống bán phá giá của WTO – Công cụ bảo hộ mậu dịch, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội – 2010;
  5. Nguyễn Thị Thu Hiền, Giải quyết tranh chấp về chống bán phá giá trong khuôn khổ WTO và sự tham gia của các nước đang phát triển và Việt Nam những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án tiến sĩ luật học, Hà Nội – 2014;
  6. Nguyễn Thị Thu Thảo, Pháp luật chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới WTO và những vấn đề đặt ra với Việt Nam trong quá trình hội nhập, Khóa luận tốt nghiệp; Hà Nội – 2011;
  7. Vũ Thị Phương Lan, Pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế và những vấn đề đặt ra với Việt Nam, Luận án Tiến sĩ luật học, Hà Nội – 2011;

[1]  Vũ Thị Phương Lan, Pháp luật về chống bán giá trong thương mại quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Hà Nội – 2011

Các bài luận liên quan:

1900.0191