Điểm khác nhau của thông báo bố sung tài liệu chứng cứ và bổ sung đơn khởi kiện

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Điểm khác nhau của thông báo bố sung tài liệu chứng cứ và bổ sung đơn khởi kiện


Luật sư Tư vấn Luật tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 30 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn Bố sung tài liệu chứng cứ và bổ sung đơn khởi kiện

  • Luật tố tụng dân sự 2015

3./ Luật sư tư vấn

Bổ sung tài liệu, chứng cứ và bổ sung đơn khởi kiện là hai thủ tục khác nhau được quy định tại Điều 96, Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, hai thông báo này có các điểm khác nhau cơ bản sau:

Bổ sung đơn khởi kiện Bổ sung tài liệu, chứng cứ
Mục đích Sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện nhằm làm rõ ràng yêu cầu của người khởi kiện đối với tòa án, hoàn thiện thông tin trong đơn khởi kiện, đảm bảo quyền lợi của người khởi kiện và giúp Tòa án dễ dàng trong việc xác định nội dung khởi kiện. Bổ sung chứng cứ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự giúp cho Tòa án có đầy đủ chứng cứ để tìm ra sự thật khách quan, góp phần giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thời điểm Trước khi thụ lý vụ việc: Ngay khi tòa án nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét tính đầy đủ của đơn khởi kiện. Nếu đơn khởi kiện chưa đầy đủ thông tin, Tòa án sẽ thông báo đương sự bổ sung đơn khởi kiện. Sau khi thụ lý vụ việc: Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, Tòa án phải xem xét, đánh giá chứng cứ có đầy đủ để giải quyết vụ việc dân sự hay không? Nếu chưa đầy đủ chứng cứ thì Tòa án yêu cầu đương sự bổ sung chứng cứ.
Thủ tục Trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để họ sửa đổi, bổ sung.

Văn bản thông báo có thể được giao trực tiếp, gửi trực tuyến hoặc gửi cho người khởi kiện qua dịch vụ bưu chính và phải ghi chú vào sổ nhận đơn để theo dõi. Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án.

Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ.

Việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ.

Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.

Thời hạn Thời hạn do Thẩm phán ấn định nhưng không quá 01 tháng; trường hợp đặc biệt, Thẩm phán có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự.
Hậu quả pháp lý nếu không bổ sung đơn khởi kiện, chứng cứ Nếu đương sự không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập để giải quyết vụ việc dân sự.

Như vậy, những điểm khác biệt giữa việc bổ sung đơn khởi kiện và bổ sung tài liệu, chứng cứ như đã nêu trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Điểm khác nhau của thông báo bố sung tài liệu chứng cứ và bổ sung đơn khởi kiện, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191