Gửi đơn thư tố cáo lên thành phố thì phường có trả lời không?

Câu hỏi của khách hàng: Gửi đơn thư tố cáo lên thành phố thì phường có trả lời không?

Chào anh chị, cho mình hỏi 1 chút nhé. Cụ thể như sau:
Mình tố cáo uỷ ban phường ở uỷ ban thành phố, sau khi uỷ ban thành phố xem đơn thì gửi thông báo nói rằng thuộc thẩm quyền giải quyết ở phường. Vậy ủy ban nhân dân thành phố nhận kết quả trả lời từ phường, và phường phải trả lời thành phố. Vậy phường có trả lời mình không vậy?


Luật sư Luật tố cáo – Tư vấn trực tuyến gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 09/07/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề thẩm quyền giải quyết tố cáo

Luật tố cáo năm 2018

3./ Luật sư trả lời thẩm quyền giải quyết tố cáo

Theo thông tin bạn cung cấp và dựa trên căn cứ quy định của pháp luật, chúng tôi đưa ra ý kiến tư vấn như sau: 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo 2018: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”

Như vậy, tố cáo vừa là nghĩa vụ vừa là quyền của cá nhân khi phát hiện có chủ thể gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Vì bạn không nói rõ vụ việc nên chúng tôi sẽ đưa ra một nguyên tắc xác định thẩm quyền tố cáo theo Luật tố cáo 2018:

“Điều 12. Nguyên tắc xác định thẩm quyền

1.Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

2.Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức được xử lý như sau:

a) Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;

………………………………………………………………………………………………”

Ngoài ra, để xác định được chính xác thẩm quyền theo từng trường hợp cụ thể bạn có thể tham khảo thẩm quyền giải quyết tố cáo tại Điều 13 đến Điều 21 Luật tố cáo 2018.

Khi đã xác định đúng thẩm quyền giải quyết tố cáo thì bạn tiến hành nộp đơn tố cáo tại cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.Họ có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ có trách nhiệm xử lý đơn tố cáo như sau:

“Điều 24. Xử lý ban đầu thông tin tố cáo

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 29 của Luật này; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.

2.Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

3.Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý.”

Theo đó, theo quy định, trường hợp cơ quan tiếp nhận tố cáo không có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì cơ quan tiếp nhận sẽ phải chuyển đơn thư tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo hoặc hướng dẫn người tố cáo tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết với trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp.

Như vậy, với trường hợp của bạn, Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ phải chuyển yêu cầu của bạn tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ở đây là UBND cấp phường. UBND phường sẽ tiếp nhận và trả lời cho bạn theo thẩm quyền và trình tự theo pháp luật quy định kể từ thời điểm được chuyển giao. Ngoài ra, trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể gửi lại đơn tố cáo tới trực tiếp cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo hướng dẫn để sớm được giải quyết yêu cầu của mình.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191