Làm phiền, đòi nợ khi người khác không vay thì vi phạm điều gì?

Câu hỏi của khách hàng: Làm phiền, đòi nợ khi người khác không vay thì vi phạm điều gì?

Thưa các luật sư, liên tục cả tuần nay tôi bị nhân viên A gọi điện đòi tiền dù không sử dụng thẻ, đã vậy còn gọi cho vợ và người thân của tôi. Họ không giải quyết mà bắt tôi phải lên văn phòng công ty họ khiếu nại.
Vậy xin hỏi nhân viên đó cứ liên tục làm phiền tôi và gia đình tôi như vậy có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì vi phạm điều gì? Xin chân thành cảm ơn các luật sư, mong tư vấn giúp tôi.


Luật sư Tư vấn Luật Viễn Thông – Tư vấn trực tuyến gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 08/03/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề 

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
  • Luật Viễn Thông năm 2009;
  • Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện;

3./ Luật sư trả lời Làm phiền, đòi nợ khi người khác không vay thì vi phạm điều gì?

Bạn và người thân của bạn liên tục bị nhân viên A gọi điện đòi tiền dù không sử dụng thẻ, không vay nợ. Bạn thắc mắc về việc hành vi của nhân viên đó có vi phạm pháp luật không, nếu có thì vi phạm điều gì? Với câu hỏi này, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Hiện nay, có nhiều người dù không sử dụng dịch vụ, không vay nợ từ các công ty tài chính nhưng họ vẫn bị những công ty này làm phiền, đòi nợ bằng nhiều hình thức như nhắn tin, gọi điện… thậm chí nhiều người còn bị đe dọa khởi kiện. Hành vi này là vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ cụ thể mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 12 Luật Viễn Thông năm 2009 quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, trong đó Khoản 4 quy định:

4. Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.”

Quy định trên cho thấy, cá nhân nào có hành vi dùng điện thoại hoặc các phương tiện viễn thông để quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi bị nghiêm cấm. Trong trường hợp của bạn, nhân viên A đã có hành vi dùng điện thoại để quấy rối, vu khống bạn là vay tiền của họ. Tùy theo mức độ và tính chất của hành vi này mà nhân viên kia sẽ bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp bị xử phạt hành chính:

Theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định mức phạt như sau:

“…3. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

…g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.”

Đối với trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự:

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và có đủ căn cứ chứng minh, hành vi gọi điện quấy rối của nhân viên có thể bị xem xét về một trong hai tội là Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017) và Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).

Để chấm dứt hành vi quấy rối của nhân viên A, bạn có thể khiếu nại trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua cuộc gọi, đơn khiếu nại hoặc thư điện tử đến doanh nghiệp viễn thông mà bạn đang là khách hàng. Bạn cũng có thể làm đơn khiếu nại và gửi đến Sở Thông tin và truyền thông nơi bạn đang cư trú. Các cơ quan này sau khi nhận được khiếu nại của bạn sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại, nếu đúng họ sẽ yêu cầu nhân viên A ngừng việc quấy rối bạn.

Như vậy, tùy vào tính chất và mức độ, hành vi quấy rối của nhân viên A sẽ bị xử phạt vi phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Bạn cần tiến hành thủ tục khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền để chấm dứt hành vi sai trái của nhân viên A cũng như để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình và người thân.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

1900.0191