Cháy, hỏa hoạn có được coi là yếu tố để không phải thực hiện nghĩa vụ hợp đồng

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Cháy, hỏa hoạn có được coi là yếu tố để không phải thực hiện nghĩa vụ hợp đồng?

Mọi người ai có thể giúp e giải đáp được không ạ. E xin cám ơn nhiều.
Ngày 20/3/2015, công ty TNHH A có trụ sở tại quận 5 thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng số 34/HĐĐN-06 mua khoai mỳ lát của doanh nghiệp tư nhân B có trụ sở tại Tân Phong, Huyện Tây Biên, tỉnh Tây Ninh do bà C làm chủ doanh nghiệp, số lượng 3000 tấn, đơn giá 1,73 triệu/1 tấn, tổng giá trị hợp đồng là 5,19 tỷ đồng.
Ngày 9/5/2015, công ty A tiếp tục ký hợp đồng số 35/ HĐĐN-06, mua khoai mỳ lát của doanh nghiệp B, số lượng 2000 tấn, đơn giá 1,73 triệu đồng/ 1 tấn,tổng giá trị hợp đồng là 3,46 tỷ đồng.
tổng giá trị 2 hợp đồng là 8,65 tỷ đồng.
Công ty A đã thanh toán cho DNTN B bằng chuyển khoản 7 lần (từ ngày 22/03/2015) với tổng số tiền là 8 tỷ đồng.
Ngày 4/06/2015, DNTN B có đủ hàng để giao nhưng trong quá trình thu mua, thời hạn kéo dài, khoai mỳ đổi màu, Công ty A không nhận vì cho rằng chất lượng hàng không đạt, Hai công ty thỏa thuận rằng DTTN B mua lại số khoai mỳ nói trên với giá 8 tỷ đồng và chịu lãi 160 đồng/1 kg, tổng cộng DNTN B phải trả công ty A 8,8 tỷ đồng với thời hạn thanh toán chậm nhất là 15/08/2015, nếu qua thời hạn trên mà không thanh toán thì DNTN B phải chịu lãi suất chậm thanh toán 1,1%/ tháng kể từ ngày 16/8/2015 và phải chịu phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán là 5%/ tháng kể từ ngày 16/08/2015, cộng hai khoản là 6,1% / tháng trên số tiền còn nợ.
DNTN B đã trả 800 triệu đồng , cụ thể ngày 11/7/2015 trả 500 triệu đồng, ngày 10/08/2015 trả 100 triệu đồng, ngày 15/08/2015 trả 200 triệu đồng, còn 8 tỷ đồng tiền vốn hẹn đến ngày 30/09/2015 trả. Quá hẹn, DNTN B vẫn không trả được.
Ngày 15/01/2016 kho hàng của DNTN B bị cháy làm thiệt hại trên 10 tỷ đồng nên DNTN B gặp khó khăn trong việc thanh toán cho công ty A. Sau nhiều lần đòi nợ không thành công ty A quyết định kiện ra tòa.
Hỏi: Việc kho hàng của DNTN B bị cháy có là yếu tố để tòa án cho phép DNTN B không phải thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cho DNTN B không?


Luật sư Tư vấn Luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 18 tháng 05 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề trường hợp không phải thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng

Bộ luật Dân sự 2015

3./ Luật sư tư vấn

Dựa trên các thông tin nêu trên, ở đây, DNTN B có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho công ty A. Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ thì DNTN B không trả được và xảy ra hỏa hoạn gây thiệt hại cho DNTN B. Trường hợp kho hàng bị cháy, pháp luật quy định về trách nhiệm của bên có nghĩa vụ khi có sự kiện này xảy ra như sau:

Trước hết, Căn cứ Điều 351 Bộ luật dân sự quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ:

Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.”

Bên cạnh đó, theo pháp luật dân sự,  Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Theo đó, trường hợp này, việc cháy xưởng có thể coi là một sự kiện bất khả kháng do khách quan mà DNTN B không lường trước cũng như không thể khắc phục được.

Tuy nhiên, ở đây, việc vi phạm nghĩa vụ đã xảy ra và sự kiện cháy xưởng cũng là nguyên nhân khiến cho bên B không thực hiện được nghĩa vụ do thiệt hại xảy ra.

Do đó, DNTN B trong trường hợp này sẽ được miễn các trách nhiệm phát sinh do việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền đối với công ty A theo quy định pháp luật.

Như vậy, trường hợp này, việc xác định sự kiện bất khả kháng chỉ có tác dụng miễn trừ các trách nhiệm phát sinh như các khoản lãi phát sinh từ tiền nợ chậm trả hoặc không trả được ngay theo thỏa thuận với công ty A của DNTN B chứ không làm mất nghĩa vụ trả nợ của DNTN B với công ty A. Tuy nhiên, , DNTN B phải chứng minh được sự kiện cháy kho hàng là sự kiện khách quan, xảy ra ngoài ý muốn của mình, đồng thời, có mối quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm hợp đồng, nghĩa là vì việc cháy kho hàng nên DNTN B không thể thanh toán nốt khoản tiền với Công ty A, và khi xảy ra cháy kho hàng, DNTN B đã thực hiện các biện pháp cần thiết trong khả năng của mình nhưng vẫn không thể khắc phục hậu quả thiệt hại đã xảy ra.

Với những tư vấn về câu hỏi Cháy, hỏa hoạn có được coi là yếu tố để không phải thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Bài liên quan:

1900.0191