SƠ LƯỢC VỀ BREXIT: TỪ MỐI QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG QUỐC ANH VÀ EU ĐẾN QUÁ TRÌNH ĐỂ VƯƠNG QUỐC ANH RÚT RA KHỎI EU

SƠ LƯỢC VỀ BREXIT: TỪ MỐI QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG QUỐC ANH VÀ EU ĐẾN QUÁ TRÌNH ĐỂ VƯƠNG QUỐC ANH RÚT RA KHỎI EU

 HỒNG LINH

I. TỔNG QUAN MỐI QUAN HỆ GIỮA ANH VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU)

Mối quan hệ của Vương quốc Anh với EU từ lâu đã là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong xã hội nước Anh nói chung và chính trường Anh nói riêng. Trước khi tìm hiểu về Brexit, chúng ta cần nhìn lại một số sự kiện nổi bật trong quan hệ đầy sóng gió hơn 40 năm qua giữa Anh và EU.

1. SỰ HÌNH THÀNH EU

Sau khi cuộc chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai đã làm kiệt quệ nền kinh tế và mối quan hệ của các nước châu Âu, nhằm hàn gắn và kết nối lại các quốc gia này, ý tưởng về một Liên Minh châu Âu đã được hình thành từ năm 1945.

Tuy nhiên, vào năm 1951, khi Cộng đồng Than thép Châu Âu (ECSC) được thành lập, nước Anh đã từ chối tham gia cộng đồng này. Đến năm 1957, Anh quốc cũng đã từ chối lời mời tham gia Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) của sáu quốc gia sáng lập khác là Bỉ, Pháp, Ý, Luxembourg, Hà Lan và Tây Đức.

2. ANH GIA NHẬP EU

Sau khi nhận thấy Pháp và Đức có sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau chiến tranh và hình thành được một liên minh mạnh mẽ, các nhà lãnh đạo Anh đã thay đổi suy nghĩ của mình về việc gia nhập EEC. Nước này đã nộp đơn tham gia EEC vào năm 1961, nhưng đã bị bác bỏ hai lần bởi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle vào năm 1963 và 1967.

Đến năm 1973, Anh chính thức trở thành thành viên của cộng đồng EEC. Nhưng chỉ hai năm sau, nhiều người dân Anh đã đòi rời khỏi EEC, và do vậy, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức vào năm 1975 nhằm giải quyết vấn đề này. Sau cuộc trưng cầu dân ý, nước Anh vẫn quyết định ở lại EEC nhờ 67% dân số ủng hộ việc này.

Năm 1992, sự kiện “Ngày thứ 4 đen tối” xảy ra và đánh dấu thời điểm tồi tệ nhất trong mối quan hệ giữa Anh và Châu Âu. Sau khi không thể bảo vệ được đồng Bảng Anh khỏi các cuộc tấn công đầu cơ liên tục, Bộ trưởng bộ Tài chính Anh Norman Lamont đã phải chính thức thông báo nước Anh rút khỏi Cơ chế tỉ giá hối đoái (Exchange Rate Mechanism) của châu Âu vào ngày 16 tháng 9 năm 1992.

Cũng trong năm 1992, châu Âu xúc tiến quá trình hợp nhất chính trị và nước Anh đã quyết định đứng ngoài cuộc và quyết định không sử dụng đồng tiền chung euro.

Trong những năm tiếp theo, mối quan hệ giữa Anh và EU đã trở nên tốt đẹp hơn song vẫn luôn tồn tại những điều trắc trở như vấn đề Hiến pháp châu Âu hay việc liệu Brussels có nên được trao thêm nhiều quyền lực hơn nữa để kiểm soát châu Âu.

3. MỐI QUAN HỆ KINH TẾ GIỮA ANH VÀ EU

Khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu, chúng ta không thể không nhắc đến các vấn đề kinh tế.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của nước Anh, chiếm tới 44% sản lượng xuất khẩu và 53% sản lượng nhập khẩu của nước này trong năm 2015. Về vấn đề việc làm, hơn 3 triệu việc làm tại Anh có liên quan tới hoạt động xuất khẩu sang EU. Ngoài ra, đối với Anh, Liên minh Châu Âu cũng đóng vai trò là một nhà đầu tư lớn. Năm 2014, các nước trong EU đã đóng góp 496 tỉ Bảng – tương đương với 48% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Anh.

Ngược lại, Anh Quốc cũng có vai trò quan trọng trong EU, khi nước này đóng góp khoảng 8,5 tỉ Bảng Anh vào Ngân sách EU (năm 2015), chiếm tới 12,57% tổng ngân sách của tổ chức này, chỉ đứng sau Pháp và Đức.

Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng khoản đóng góp hằng năm của Anh cho EU là một gánh nặng đối với quốc gia này. Họ cũng tin rằng những đạo luật khắt khe của EU làm quốc gia này tiêu tốn hàng tỉ Bảng Anh mỗi năm. Cụ thể, một nghiên cứu của Open Europe đã ước tính rằng top 10 đạo luật “gây phiền hà” nhất của EU làm Anh hằng năm tiêu tốn 33,3 tỉ Bảng.

4. VẬY ĐIỀU GÌ CHÂM NGÒI CHO BREXIT?

Rõ ràng là mối quan hệ giữa Anh và EU không phải lúc nào cũng “êm đẹp”, nhưng nhờ những thương lượng và thỏa thuận liên tục của các nhà lãnh đạo Anh và những người đứng đầu EU, mối quan hệ này đã được duy trì trong suốt 40 năm qua.

Tuy nhiên, kể từ năm 2010, khi EU bắt đầu phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đó nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp năm 2010 và giờ là cuộc khủng khoảng nhập cư, nhiều người Anh một lần nữa lại nghi hoặc về mối quan hệ giữa Anh và EU. Liệu việc là một thành viên của EU có thực sự có lợi đối với Anh?

Nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, nhưng có lẽ hơn cả là thuyết phục người dân bầu cho Đảng Bảo thủ của mình, năm 2013, Thủ tướng Anh David Cameron đã hứa sẽ mở một cuộc trưng cầu dân ý quyết định số phận của Anh ở EU nếu Đảng Bảo thủ của ông này chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Anh. Và giờ, để giữ đúng lời hứa của mình, Thủ tướng David Cameron đã quyết định mở cuộc trưng cầu dân ý này vào ngày 23 tháng 6 năm 2016.

II. NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN VỀ BREXIT

1. BREXIT LÀ GÌ?

Brexit là một cụm từ được ghép từ hai từ: “Britain” chỉ nước Anh và “exit” chỉ hành động rời khỏi EU. Đây không phải lần đầu tiên việc ghép từ như thế này được sử dụng, vì từ năm 2012, khi Hy Lạp phải đối mt với cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng, người ta cũng đã nhắc đến “Grexit” (kết hợp giữa “Greece” và “exit”) để nói tới nguy cơ nước này có thể phải rời khỏi EU.

Brexit cũng xuất hiện trong năm 2012, khi mà ngày càng có nhiều người Anh phản đối EU và nghi hoặc về quan hệ giữa Anh và cộng đồng này. Khi cuộc trưng cầu dân ý chính thức được mở ra, Brexit đã trở thành một “từ khóa” được dùng để nói đến việc Anh rời khỏi EU nói riêng cũng như về cuộc trưng cầu nói chung.

2. THỜI GIAN DIỄN RA CUỘC TRƯNG CẦU

Thứ 5 ngày 23 tháng 6 năm 2016.

3. CỬ TRI HỢP LỆ

Những công dân đủ 18 tuổi trở lên trên toàn lãnh thổ Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland; những công dân Ireland đang sinh sống tại Vương quốc Anh, các công dân từ hơn 50 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung- những thuộc địa cũ của Anh như Úc, Ấn Độ hay Jamaica hiện đang sống tại Anh. Các công dân mang quốc tịch Anh nhưng đang sinh sống ở nước ngoài không quá 15 năm cũng có quyền tham gia bầu chọn.

4. CÂU HỎI CỦA CUỘC TRƯNG CẦU

“Vương quốc Anh có nên tiếp tục là thành viên của EU hay nên rời khỏi EU?”

5. HAI PHE ĐỐI LẬP

Chiến dịch vận động nước Anh rời khỏi EU là chiến dịch “Vote Leave” (tạm dịch: Hãy chọn rời đi), còn chiến dịch vận động ở lại EU là chiến dịch “Stronger In” (tạm dịch: Mạnh hơn nếu ở lại). Lập luận chính của chiến dịch “Vote Leave” là việc rời khỏi EU sẽ cho phép người Anh giành lại tự chủ và sử dụng ngân sách theo những ưu tiên của riêng nước này. Phía bên kia, chiến dịch “Stronger In” phản bác rằng nước Anh sẽ trở nên mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn khi là một thành viên EU so với việc rời khỏi tổ chức này.

Trên chính trường Anh, các chính trị gia cũng thể hiện những quan điểm khác nhau. Ủng hộ cho việc Anh ở lại EU là: Thủ tướng David Cameron (Đảng Bảo thủ), ông Jeremy Corbyn (lãnh đạo Đảng Lao động), Bộ trưởng Bộ tài chính George Osborne (Đảng Bảo thủ), cựu thủ tướng Anh Tony Blair và John Mayor. Phía bên kia- ủng hộ Anh rời EU là Cựu thị trưởng London- Boris Johnson (Đảng Bảo thủ).

Những người đứng đầu EU và các chính trị gia khac trên thế giới cũng có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton là một số nhân vật tiêu biểu đã lên tiếng ủng hộ việc Anh tiếp tục là thành viên của EU. Trong khi đó, Donald Trump- ứng viên Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa lại thể hiện sử phản đối với EU và cho rằng người Anh nên chọn rời khỏi cộng đồng này.

6. KẾT QUẢ CỦA CUỘC TRƯNG CẦU

Người dân Anh đã quyết định rời khỏi EU với tỷ lệ số phiếu ra đi là 52% so với số phiếu ở lại là 48%.

Tỷ lệ cử tri Anh đi bầu là 71,8% – tương đương với hơn 30 triệu người. Đây là tỷ lệ cử tri cao nhất trong lịch sử kể từ cuộc bầu cử năm 1992.

7. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA SỐ PHIẾU CỦA CÁC VÙNG TRÊN NƯỚC ANH

Cuộc trưng cầu này đã cho thấy một sự phân hóa ý kiến sâu sắc giữa các vùng trong nội bộ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Sự phân hóa phiếu bầu theo vùng địa lý

Nước Anh và xứ Wales đều ủng hộ mạnh mẽ việc rời EU, với tỉ lệ phiếu bầu rời đi lần lượt là 53,4% và 52,5%. Trong khi đó, người dân Scotland và Bắc Ireland đều thiên về việc Anh ở lại EU, với tỷ lệ số phiếu ở lại là 62% và 55,8%. Riêng thủ đô London có tỉ lệ phiếu bầu ở lại là 59,9%, phiếu bầu ra đi là 40,1%.

Sự phân hóa phiếu bầu theo độ tuổi cử tri

Ngoài sự phân hóa giữa các vùng, một cuộc khảo sát của Lord Ashcroft Polls cũng cho thấy sự phân hóa theo độ tuổi của cử tri, khi những người trẻ (trong độ tuối từ 18 đến 34) thường có xu hướng bầu chọn cho việc Anh ở lại EU hơn là những người trung niên và cao tuổi.

III. 12 LÝ DO CHO VIỆC RA ĐI VÀ Ở LẠI EU

1. VẤN ĐỀ VỀ NGƯỜI NHẬP CƯ

Vì sao nên ra đi

Nước Anh vẫn là một điểm đến lý tưởng cho những người dân nhập cư từ những đất nước kém phát triển hơn mong muốn tạo dựng sự nghiệp tại quốc gia này. Lượng dân nhập cư cao dẫn đến cạnh tranh khốc liệt hơn trong ngành lạo động, đặc biệt ở những phân khúc đòi hỏi kỹ năng thấp. Điều này được cho là nhân tố khiến mức lương của người lao động Anh bị hạ thấp đáng kể và gây áp lực lên các dịch vụ công cộng. Anh Quốc chỉ có thể kiểm soát tình trạng nhập cư một khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu, vì quyền tự do đi lại đồng nghĩa với việc các công dân EU có quyền tự do sinh sống và làm việc ở Anh.

Vì sao nên ở lại

Một luận điểm trái chiều cho rằng việc rời khỏi EU sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mà sẽ chỉ đem đến thêm gánh nặng cho nước Anh, vì hoạt động kiểm soát biên giới châu Âu sẽ chuyển từ thị trấn Calais (Pháp) sang thị trấn Dover (Anh). Ngoài ra, làn sóng nhập cư không phải lúc nào cũng có tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ví dụ như những người nhập cư từ EU thường đóng thuế nhiều hơn số tiền trợ cấp mà họ nhận được.

2. TỘI PHẠM

Vì sao nên ra đi

Lệnh Truy nã Liên minh châu Âu (European Arrest Warrant) đồng nghĩa với việc công dân Anh có thể bị đưa đến nước ngoài và bị xử ở các tòa án nước khác. Việc rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ chấm dứt tình trạng này.

Vì sao nên ở lại

Những tên tội phạm hiếp dâm, giết người hay các tội phạm nghiêm trọng khác phạm tội ở Anh rồi trốn sang nước ngoài chỉ có thể bị bắt nhờ Lệnh Truy nã Liên minh châu Âu. Do vậy, rời khỏi EU sẽ khiến Lệnh này không còn được áp dụng với Anh và ngăn chặn việc thực thi công lý.

3. GIAO THƯƠNG

Vì sao nên ra đi

Những người ủng hộ Anh rời EU chô rằng mối quan hệ của Anh với EU đang ngăn cản nước này tập trung vào các thị trường mới nổi- ví dụ như Trung Quốc và Ấn Độ. Rút khỏi EU sẽ cho phép Anh đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại của mình. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Anh sẽ không còn phải tuân theo các quy định ngặt nghèo của EU.

Vì sao nên ở lại

44% hàng xuất khẩu của Anh là đến các nước thành viên EU, thế nên rút khỏi EU sẽ tạo rào cản thương mại với các nước này và ảnh hưởng đáng kể đến giao thương của Anh của Anh nói riêng và nền kinh tế nước này nói chung..

4. LUẬT PHÁP

Vì sao nên ra đi

Rất nhiều bộ luật ở Anh được tạo nên bởi các nhà lập pháp tại Brussels và quyết định của Tòa án Công lý châu Âu (European Court of Justice). Điều này đã hạn chế quyền tự chủ của các tòa án nước Anh.

Vì sao nên ở lại

Trong chiến dịch thúc đẩy Anh rời khỏi EU, giới truyền thông đã phóng đại về số lượng luật được ban hành bởi Ủy ban châu Âu mà Anh phải tuân thủ nhằm vẽ ra viễn cảnh “dễ thở” hơn khi Anh rời khỏi cộng đồng này. Tuy nhiên nếu nước Anh ở lại và cùng tham gia vào hoạt động lập pháp của châu Âu thì quốc ga này sẽ được hưởng những thành quả lập pháp từ những chuyên gia hàng đầu của khối này.

5. VIỆC LÀM

Vì sao nên ra đi

Bên ủng hộ ra đi nói rằng những hậu quả tiềm tàng của tình trạng thất nghiệp do rời khỏi EU đã bị phóng đại. Họ lập luận rằng chỉ cần thực hiện các khoản đầu tư theo bước của các nước Bắc Âu không thuộc EU thì nước Anh vẫn có thể tồn tại và thậm chí còn nở rộ về mặt kinh tế như những nước trên.

Vì sao nên ở lại

Hiện nay có khoảng 3 triệu việc làm ở Anh có liên hệ trực tiếp tới EU, do vậy, nếu rời EU, có rất nhiều người lao động sẽ có thể mất việc làm. Mỗi ngày, Anh nhận được 66 triệu Bảng tiền đầu tư từ EU, do vậy, một khi rời khỏi EU,số lượng doanh nghiệp đầu tư vào Anh sẽ giảm đáng kể.

6. VỊ THẾ

Vì sao nên ra đi

Anh không cần ở trong EU để có được vị thế trên trường quốc tế. Bằng việc mở lại hợp tác với Khối Liên hiệp Anh, nước Anh có thể có quyền lực và vị thế ngang với khi là một thành viên của EU.

Vì sao nên ở lại

Anh sẽ bị “bỏ rơi” nếu rời khỏi EU, theo lời cựu Phó thủ tướng Anh Nick Clegg. Trong một thời đại toàn cầu hóa, vị thế của Anh sẽ được bảo vệ tốt nhất nếu Anh là một thành viên của cộng đồng EU.

7. TÀI CHÍNH

Vì sao nên ra đi

Bên ủng hộ Anh rời EU tin rằng tình trạng tháo chạy vốn sẽ không thể xảy ra. London vẫn sẽ là trung tâm tài chính hàng đầu ngoài châu Âu và các ngân hàng vẫn sẽ đặt trụ sở tại Anh vì lợi ích thuế.

Vì sao nên ở lại

Các ngân hàng sẽ “tháo chạy” khỏi Anh và trung tâm tài chính London sẽ sụp đổ nếu Anh rời EU. Chính những lợi thế thương mại có được khi Anh là thành viên Liên minh châu Âu đã giúp các ngân hàng nói riêng và nền tài chính nước Anh nói chung phát triển mạnh mẽ.

8. TỰ CHỦ

Vì sao nên ra đi

Nghị viên Anh đã không còn tự chủ kể từ khi Anh gia nhập EU. Với việc EU đang hướng tới “một liên minh với mức độ thống nhất ngày càng cao” và sự hội nhập kinh tế nhiều hơn sau cuộc khủng hoảng đồng euro, nước Anh tốt nhất nên rời EU trước khi các cam kết với tổ chức này trở nên chặt chẽ và nhiều ràng buộc hơn.

Vì sao nên ở lại

Trong một thế giới toàn cầu hóa, mỗi quốc gia cần hợp tác với nhau nhiều hơn nếu nếu muốn phát triển thịnh vượng và bền vững. Việc đòi hỏi tự chủ chỉ đồng nghĩa với việc cô lập bản thân mình.

9. QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

Vì sao nên ra đi

Anh sẽ sớm bị yêu cầu đóng góp lược lượng cho quân đội EU và điều này sẽ làm suy giảm lực lượng quân đội độc lập của Anh. Sau khi rời EU, Anh vẫn có thể hợp tác với các nước châu Âu khác để chống khủng bố, giống như nước Mỹ vậy.

Vì sao nên ở lại

Các nước châu Âu đang đều phải đối mặt với mối đe dọa IS, do vậy chỉ có hợp tác cùng nhau thì các nước mới có thể đối phó với vấn đề này.

10. MÔI TRƯỜNG VÀ NĂNG LƯỢNG

Vì sao nên ra đi

Các quy định về môi trường của EU có thể là những gánh nặng với các doanh nghiệp Anh và khiến chi phí năng lượng tăng cao. Kể cả khi Anh rời khỏi EU, các nước châu Âu khác vẫn sẽ muốn bán điện cho Anh. Hơn nữa, khác với nhiều nước thành viên EU, phần lớn nguồn dầu khí của Anh đến từ Na- uy chứ không phải Nga.

Vì sao nên ở lại

An ninh năng lượng của Anh sẽ  được đảm bảo hơn vì các thỏa thuận năng lượng được thực hiện theo một khối liên minh. Đông thời, nhờ các quy định của EU, Anh sẽ có nguồn nước và không khí sạch hơn và lượng phát thải CO2 thấp hơn.

11. GIÁO DỤC VÀ NGHIÊN CỨU

Vì sao nên ra đi

Chỉ 3% tổng chi phí cho R&D của Anh là do EU hỗ trợ. Một khi rời khỏi EU, Anh có thể dùng khoản phí thành viên hàng năm phải đóng góp cho EU để đầu tư hỗ trợ các dự án giáo dục và khóa học khác.

Vì sao nên ở lại

Rất nhiều trường đại học ở Anh nhận các khoản hỗ trợ nghiên cứu từ EU và nhiều nhà khoa học hàng đầu của nước này đến từ các quốc gia khác ở châu Âu.

12. DU LỊCH VÀ SINH SỐNG Ở NƯỚC NGOÀI

Vì sao nên ra đi

Không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy rời EU sẽ khiến việc du lịch châu Âu của người Anh trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các đạo luật quốc tế hiện hành sẽ bảo vệ những người Anh đang sống và làm việc ở các nước khác thuộc EU.

Vì sao nên ở lại

Nhờ là một thành viên của EU, người Anh đang được hưởng ưu đãi về giá cho các chuyến bay đến châu Âu và phí điện thoại di động. Ngoài ra, không có gì bảo đảm chắc chắn rằng những công dân Anh đang sinh sống và làm việc tại các nước khác thuộc EU sẽ tiếp tục được ở lại các nước này sau khi Anh rời EU.

IV. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA BREXIT

Chúng ta đều đã biết được kết quả của cuộc trưng cầu dân ý quyết định số phận của nước Anh trong Liên minh châu Âu (EU), nhưng không phải ai cũng hiểu được những tác động to lớn cuộc trưng cầu này. Một vài người có thể băn khoăn là tại sao cần quan tâm đến tác động của cuộc trưng cầu, thì câu trả lời chính là: nước Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, và khi kinh tế- chính trị của quốc gia này chịu những ảnh hưởng của Brexit thì rất có thể tình hình thế giới cũng như Việt Nam sẽ trải qua nhiều biến động do sự kiện này.

1. VƯƠNG QUỐC ANH

Rõ ràng là bản thân nước Anh chính là “nạn nhân” hứng chịu những hậu quả nặng nề nhât của Brexit. Cuộc trưng cầu lịch sử này đã có những ảnh hưởng to lớn đến tình hình kinh tế- chính trị- xã hội của Anh Quốc.

Thị trường chao đảo

Đồng bảng Anh đã giảm đáng kể so với đồng đôla Mỹ và đạt mức thấp kỉ lục trong 31 năm qua. Chỉ sau một tuần, đồng bảng Anh đã mất đi 12% giá trị của nó.

Các tổ chức xếp hạng tín dụng như Fitch và S&P đã hạ cấp tín dụng của Anh, đồng nghĩa với việc các tổ chức này tin rằng việc cho chính phủ Anh vay tiền không còn an toàn như trước kia.

Thị trường chứng khoán ở Anh cũng đã có một phen chao đảo. Chỉ số FTSE 250 – chỉ số cổ phiếu của các công ty chủ yếu thu lợi nhuận tại Anh đã giảm 10% kể từ sau cuộc trưng cầu. Trong đó, các ngân hàng dường như là những tổ chức chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cổ phiếu của các ngân hàng như Lloyds, Barclays và Royal Bank of Scotland đã giảm mạnh ở các mức là 21%, 20% và 18%. Các chuyên gia tính toán rằng kể từ sau cuộc trưng cầu, thâm hụt ở nước Anh đã lên đến 935 tỉ Bảng. Điều này có thể gây áp lực lên giá trị cổ tức các doanh nghiệp cần trả cho cổ đông cũng như giảm khả năng tăng lương và thuê thêm nhân công của các doanh nghiệp nước này.

Bên cạnh thị trường tài chính, rất nhiều dự án đầu tư tại Anh cũng đã phải chịu ảnh hưởng của Brexit. Chính phủ Anh đã tạm hoãn việc xây dựng một đường băng mới ở sân bay Heathrow, và các chuyên gia cũng đang nghi ngại cho dự án đường sắt cao tốc ở phía Bắc nước Anh hay công trình nhà máy điện hạt nhân ở Somerset. Vì các nguồn đầu tư là một phần quan trọng trong GDP mỗi nước, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế Anh rất có thể sẽ phải trải qua một cuộc suy thoái hoặc ít nhất là có tốc độ tăng trưởng rất chậm trong thời gian sắp tới.

Nhưng có lẽ hệ quả kinh tế nghiêm trọng nhất chính là vấn đề thời gian. Nước Anh chỉ có hai năm để đàm phán cho một mối quan hệ thương mại mới với EU- thị trường giao thương lớn nhất của nước này. Và sau hai năm, nếu không thỏa thuận mới nào được kí kết thì ngành thương mại của Anh Quốc sẽ phải chịu những thiệt hại khôn lường.

Chính trường hỗn loạn

Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố   từ chức. Trong bài phát biểu từ chức của mình, ông Cameron nói rằng ông sẽ tiếp tục vị trí là người lãnh đạo Đảng Bảo thủ để chuẩn bị cho việc Anh rời EU, tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng mình sẽ không phải là người lãnh đạo nước Anh trong quá trình rút khỏi cộng đồng này.

Và nước Anh lại khẩn trương tìm cho mình một nhà lãnh đạo mới. Ngày 13/7 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đã được các thành viên Đảng Bảo thủ chọn là Tân Thủ tướng của Anh, sau khi một loạt các ứng viên rút khỏi chiến dịch tranh cử và bà May là ứng cử viên cuối cùng trụ lại.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của người kế nhiệm này là xây dựng lại các thỏa thuận thương mại với các nước châu Âu cũng như giải quyết vấn đề nhập cư. Tuy vốn là người ủng hộ Anh ở lại EU nhưng bà May đã tuyên bố về kết quả cuộc trưng cầu là: "Brexit là Brexit. Nước Anh không phải nỗ lực để ở lại EU hay tái gia nhập EU bằng cửa sau. Và cũng không có trưng cầu ý dân lần hai".

Kể cả khi Anh đã có nhà lãnh đạo mới, chính trường Anh vẫn chưa thể “yên bề” vì các đảng phái khác cũng đang trải qua khủng hoảng. Chỉ hơn một tuần sau cuộc trưng cầu, lãnh đạo Đảng Độc lập Anh (UKIP)- ông Nigel Farage đã tuyên bố từ chức. Trong khi đó, Đảng Lao động Anh đang đối mặt với nội bộ lục đục, khi mà nhà lãnh đạo Jeremy Corbyn đang vấp phải các yêu cầu từ chức của các thành viên Đảng này.

Nguy cơ rạn nứt Vương quốc Anh

Trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, các nước có tỷ lệ số phiếu bầu ở lại nhiều nhất là Scotland và Bắc Ireland. Hai nước này đã thể hiện sự phản đối của mình và ngay lập tức “đánh tiếng” về khả năng rời khỏi Vương quốc Anh.

Ngày 24/6, Bộ trưởng Thứ nhất (tương đương Thủ tướng) của Scotland – bà Nicola Sturgeon đã tuyên bố trong bài phát biểu của mình: “Cuộc trưng cầu ở đây đã cho thấy người dân Scotland muốn tiếp tục là một phần của EU.”

Năm 2014, Scotland đã từng mở một cuộc trưng cầu để đòi độc lập khỏi Vương quốc Anh, và kết quả là phần lớn người dân vẫn muốn ở lại. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm nay, Đảng Độc lập Scotland đã đề cập trong bản tuyên ngôn của họ là nghị viện Scotland có quyền mở một cuộc trưng cầu độc lập thứ hai nếu Scotland bị buộc rời khỏi EU trái với ý nguyện của người dân nước này.

Bắc Ireland cũng đang phải đối mặt với tình thế khó khăn, khi mà tỷ lệ phiếu bầu ở lại EU là 56%. Brexit rất có thể sẽ khiến nhiều người dân Bắc Ireland muốn nước này hợp nhất với nước láng giềng Ireland- hiện đang là một thành viên EU. Phó Bộ trưởng Thứ nhất của Bắc Ireland- ông Martin McGuinness cũng đã kêu gọi việc mở một cuộc trưng cầu cho việc thống nhất Ireland.

2. EU VÀ CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN KHÁC

EU sẽ mất đi nền kinh tế lớn thứ hai của khối này một khi Anh ra đi, và điều này chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng kinh tế- chính trị to lớn khi mà hiện tại EU đã đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và cuộc khủng hoảng nhập cư.

Những nước chịu ảnh hưởng kinh tế mạnh mẽ nhất của việc Anh rời EU là Ireland và Đức. 32% hàng xuất khẩu của Ireland là đến Anh, và Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Đức. Một ảnh hưởng kinh tế khác chính là việc EU sẽ gia tăng các chính sách bảo hộ thương mại như tăng thuế quan cho hàng nhập khẩu và giảm thuế cho các doanh nghiệp trong nước. Lí do cho sự điều chỉnh này là việc từ trước đến nay, trong EU luôn tồn tại hai phe: một bên ủng hộ các biên pháp bảo hộ thương mại, một bên ủng hộ thị trường thương mại tự do- trong đó có nước Anh. Thế nên, khi Anh rời đi, xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại rất có thể xảy ra.

Nhưng viễn cảnh tồi tệ nhất khiến nhiều người lo ngại là Brexit sẽ gây ra hiệu ứng “domino”, làm lan tỏa chủ nghĩa Euroscepticism (chủ nghĩa nghi ngờ và phản đối EU) ra toàn châu Âu. Brexit có thể khiến một loạt các quốc gia như Đan Mạch, Áo, Thụy Điển mở cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tư cách thành viên EU của mỗi nước. Và nếu kết quả của những cuộc trưng cầu này là “Ra đi” thì nguy cơ Liên minh châu Âu tan rã sẽ ngày càng cao.

3. THẾ GIỚI

Chỉ hai ngày sau khi kết quả trưng cầu được thông báo, thị trường thế giới đã mất một con số kỉ lục là 3 tỉ đô la Mỹ. Các chuyên gia dự báo rằng trong những tháng theo sau Brexit, thị trường vẫn sẽ tiếp tục biến động. Việc đồng bảng Anh bị mất giá đi kèm với việc những ngân hàng lớn như Barclays mất 1/3 giá trị cổ phiếu cũng khiến xu hướng biến động của thị trường ngày càng lan rộng.

Mỹ là nước chịu những tác động rõ rệt nhất của Brexit -  khi cổ phiếu nước này đã giảm hơn 600 điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 24/6- một ngày sau cuộc trưng cầu.

Bên cạnh ảnh hưởng tài chính, có lẽ những ảnh hưởng về mặt chính trị cũng là điều làm Mỹ lo ngại. Nước Anh vốn là đối tác chiến lược của Mỹ trong vấn đề ổn định tình hình ở Afghanistan và các vấn đề Trung Đông như chương trình hạt nhân ở Iran và mối quan hệ giữa Israel và Palestin. Một hệ quả của Brexit sẽ là việc Mỹ sẽ nhận được ít trợ giúp hơn từ Anh và các nước đồng minh NATO khác. Nói cách khác, một nước Anh bị phân tâm bởi các vấn đề nội bộ khó có thể dồn hết tâm trí và lực lượng để giải quyết các thách thức toàn cầu và một đồng minh Mỹ có thể trông cậy.

Nếu có nước nào được lợi từ sự ra đi của Anh khỏi EU thì đó chính là nước Nga. Việc đồng Bảng giảm giá so với đồng euro sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Anh chiếm lĩnh thị trường của các đối thủ khác thuộc EU. Mà EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, thế nên, điều này đồng nghĩa với việc giao dịch thương mại giữa Anh và Nga có thể tăng cao.

Ngoài ra, Nga cũng đang chịu các lệnh trừng phạt của EU do các xung đột tại Ukraine. Trong số các thành viên EU, Anh và một số nước Đông Âu khác là những nước đã nhiều lần kêu gọi EU tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt này. Nhưng với việc Anh không còn ở EU, nhiều khả năng sẽ không còn quốc gia nào đứng lên kêu gọi tiếp tục trừng phạt Nga và cuối cùng những án phạt này có thể được dỡ bỏ.

4. VIỆT NAM

Thị trường chứng khoán Việt Nam và và tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ (USD/VND) đều có biến động mạnh sau khi kết quả bỏ phiếu Brexit được công bố. Kết thúc phiên sáng ngày 24/6, chỉ số chứng khoán VN-Index giảm 21,63 điểm, xuống còn 610,64 điểm. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND cũng tăng từ 30-35 đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng tức thì của thị trường. Vì chỉ sau một tuần, chỉ số VN- Index lại tăng trở lại và vượt mức 640 điểm vào ngày 1/7. Còn tỷ giá USD/VND cũng đã giảm so với ngày 24/6.

Ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra nhận định rằng kinh tế Việt Nam chưa bị tác động lớn trước diễn biến Brexit, do EU chưa phải là đối tác chiếm tỷ trọng lớn với kinh tế Việt Nam, kể cả về thương mại và đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với EU cuối năm 2015, đầu 2016 (EVFTA) mà Anh là một trong 28 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Hiệp định này có hiệu lực từ năm 2018 nên ngay trước mắt, nếu Anh rời EU trước thời điểm EVFTA có hiệu lực thì việc tác động đến kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – EU nói chung và Việt Nam – Anh nói riêng là không lớn.

Nhưng trong dài hạn, Việt Nam vẫn phải theo dõi chặt chẽ quá trình Anh rời EU bởi vì sẽ có những ảnh hưởng mang tính gián tiếp ví dụ như việc Anh rời EU ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền các nước, trong đó có các nước là bạn hàng lớn về thương mại và đầu tư của Việt Nam.

V. REGEXIT VÀ QUÁ TRÌNH ĐỂ ANH RÚT KHỎI EU

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 cho thấy 52% trong tổng số hơn 30 triệu cử tri muốn nước Anh này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Quyết định này đã khiến không chỉ lãnh đạo nhiều nước ở Châu Âu mà ngay cả một bộ phận người Anh cũng đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng.

1. REGREXIT LÀ GÌ?

Regrexit là cụm từ được ghép bởi “Regret” (tiếc nuối) và “Exit” (hành động Anh rời EU), ám chỉ sự hối hận của một bộ phận cử tri nước này sau khi đã bỏ phiếu rời EU. 

Trên các mạng xã hội, đã có nhiều ý kiến bình luận của người Anh thể hiện sự nuối tiếc và hối hận khi họ đã bỏ phiếu rời đi. Trên Twitter, hashtag #regrexit đã được một số người ở Anh sử dụng để khẳng định họ đã mắc một sai lầm khi bỏ phiếu rời. Theo một cuộc điều tra gần đây của Opinium, gần 7% cử tri – tương đương với khoảng 1,2 triệu người bầu “Ra đi” nuối tiếc về sự lựa chọn của mình.

Về nguyên nhân của tình trạng này, một số bằng chứng đã chỉ ra rằng nhiều người Anh đã chưa thực sự nhận thức được chính xác những gì họ đã làm trong cuộc trưng cầu vừa qua. Dường như có một tỷ lệ không nhỏ người Anh đi bỏ phiếu mà không hiểu rõ mình đang bỏ phiếu cho điều gì và nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ ra sao. Theo thống kê của Google, rất nhiều người Anh đã tìm kiếm những câu hỏi như: rời EU sẽ có hệ quả như thế nào, EU là gì hay thậm chí có bao nhiêu nước thuộc EU chỉ một vài giờ sau khi kết quả bầu cử được công bố. Ngoài ra, có những người còn tin rằng chiến  dịch vận động Anh rời khỏi EU sẽ chắc chắn thất bại và Quốc hội sẽ không bao giờ để Brexit xảy ra, thế nên, họ không cho rằng lá phiếu “Ra đi” của mình sẽ có ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu.

2. KIẾN NGHỊ CHO CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý LẦN 2

Sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, những người ủng hộ Anh tiếp tục là một thành viên của EU đã thể hiện mong muốn được bỏ phiếu lại. Nhà hoạt động chính trị William Oliver Healey đã lập một đơn kiến nghị kêu gọi bỏ phiếu lại trên website của Nghị viện Anh. Tuy nhiên, điều thú vị là, Healey thuộc phe muốn Anh rời Brexit, và đã lập sẵn kiến nghị này trước khi cuộc trưng cầu diễn ra do lo sợ phe của mình sẽ bị thua. Nhưng sau khi Brexit là phe chiến thắng, những người ủng hộ Anh ở lại EU đã "tận dụng" luôn kiến nghị này để đòi một cuộc trưng cầu lần 2.

Ngày 25/6, website của Nghị viện Anh đã có lúc bị sập do lượng truy cập tăng vọt dẫn đến quá tải. Tính đến ngày 12/7 -  đã có 4.131.387 người ký tên vào đơn kiến nghị gửi lên Nghị viện để yêu cầu tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý. Với số lượng này, đơn kiến nghị đã đủ điều kiện để được ra thảo luận bởi các thành viên Nghị viện Anh. Phiên thảo luận dự kiến sẽ diến ra vào ngày 5 tháng 9 năm sắp tới. Phần lớn người ký đơn sống tại London, Brighton, Oxford, Cambridge và Manchester – những khu vực có đa số phiếu chọn ở lại EU.

Tuy nhiên, vào ngày 27/6, khi được hỏi về khả năng của một cuộc trưng cầu mới, người phát ngôn của cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố: “Việc này khó có thể xảy ra. Cuộc trưng cầu đã có một kết quả rõ ràng. Thế nên, trọng tâm các cuộc thảo luận của chính phủ trong thời gian sắp tới là làm sao để thực hiện được kết quả đó.”

Bản thân tân Thủ tướng Anh – bà Theresa May cũng đã lên tiếng cho rằng bà tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu và sẽ không có một cuộc trưng cầu thứ hai.

3. QUÁ TRÌNH ĐỂ NƯỚC ANH RÚT KHỎI EU

Ngay sau khi cử tri Anh quyết định họ muốn rời khỏi Liên minh châu Âu, các ngoại trưởng từ sáu quốc gia sáng lập EU (bao gồm Bỉ, Pháp, Ý, Luxembourg, Hà Lan và Đức) đã gặp nhau tại Berlin để thảo luận về quá trình và chiến lược rút lui của Anh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết ông muốn tiến hành việc này "Ngay lập tức". Ông cho rằng người Anh đã quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu thì không có lí do  gì họ phải đợi đến tháng mười mới đàm phán các điều khoản rời đi.Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại đề nghị không cần vội vàng xúc tiến quá trình này.

Trên thực tế, EU có những quy tắc chính thức dành cho các nước thành viên muốn rút khỏi tổ chức này, nhưng trong lịch sử tồn tại và phát triển của EU, chưa từng có quốc gia nào rời liên minh, vì vậy người ta vẫn chưa chắc những quy tắc này sẽ được thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, về cơ bản, nếu nước Anh quyết định rời khỏi EU, quốc gia này sẽ phải thực hiện một số bước sau:

Bước 1: Anh cần chính thức thông báo với Hội đồng Châu Âu về quyết định rút khỏi EU của mình

Các bước cơ bản của quá trình rời EU đã được mô tả trong Điều 50 Hiệp ước Lisbon của Liên minh châu Âu. Điều luật này quy định về cách thức một nước thành viên sẽ rời khỏi EU như thế nào. Quá trình này sẽ chính thức được bắt đầu khi Hội đồng châu Âu nhận được thông báo từ một lãnh đạo của chính phủ (ví dụ như thủ tướng hay tổng thống) từ 1 trong sô 28 quốc gia thành viên trong Hội đồng châu Âu.

Điều 50 không cho biết khi nào thông báo này nên diễn ra, và hiện nay nước Anh cũng chưa ra thông báo chính thức nào về thời gian bắt đầu quá trình rời khỏi EU. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu với Hạ Viện trong năm nay, cựu Thủ tướng David Cameron đã phát biểu: “Nếu người dân bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU thì tôi tin rằng họ mong muốn quá trình này sẽ được thực hiện ngay lập lức”.

Bước 2: Anh và EU đàm phán các điều khoản rút khỏi EU

Trong thời gian này, Anh vẫn phải tuân theo tất cả các quy tắc và các hoạt động của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, đại diện của Anh tại Hội đồng châu Âu sẽ không tham gia vào những cuộc đàm phán hoặc biểu quyết liên quan đến việc Anh rút khỏi EU.

Bước 3: Cả hai bên chấp thuận các điều khoản

Hai cơ quan lập pháp của Liên Minh Châu Âu bao gồm Nghị viện châu Âu và Hội đồng Bộ trưởng đều phải bỏ phiếu chấp thuận.

Nghị viện châu Âu, trong đó có hơn 700 thành viên được bầu từ cả khối, sẽ cần phải chấp thuận thỏa thuận giữa Anh và EU với đa số phiếu. Hiện chưa rõ liệu các thành viên là công dân Vương quốc Anh có được phép bỏ phiếu hay không.

Hội đồng Bộ trưởng châu Âu bao gồm các đại diện từ mỗi quốc gia, nhưng không có một số lượng thành viên cố định. Bộ trưởng từ mỗi quốc gia thành viên sẽ tham dự các cuộc họp Hội đồng dựa trên từng lĩnh vực chính sách được giải quyết. Để các thỏa thuận được chấp thuận, Hội đồng sẽ cần một lượng đa số phiếu. Trong trường hợp này, điều đó có nghĩa 20 trên 27 thành viên (trừ Anh) bỏ phiếu ủng hộ.

Điều 50 không quy định một nước rút khỏi Liên Minh nên chấp nhận thỏa thuận như thế nào, nhưng một cuộc họp Hạ viện cho thấy chính phủ Anh sẽ đưa các thỏa thuận ra thảo luận trước Nghị viện Anh trước khi chúng được phê chuẩn.

Anh và E.U. có hai năm để hoàn tất các thủ tục

Quá trình này có thời hạn hai năm, bắt đầu ngay sau khi Hội đồng châu Âu nhận được thông báo rút khỏi EU của nước Anh. Thời hạn này có thể được mở rộng, nhưng chỉ khi được chấp thuận bởi Hội đồng châu Âu.

Khi thời hạn hai năm kết thúc, Anh Quốc sẽ không còn là thành viên trong khối Liên Minh Châu Âu, ngay cả khi hai bên chưa đạt được một thỏa thuận.

Nước Anh sẽ mất đi những lợi ích và nghĩa vụ của một thành viên EU, bao gồm cả tự do thương mại và quyền tự do đi lại của người Anh trong các nước thuộc cộng đồng này. Nếu không có bất kì thỏa thuận thương mại mới nào được kí kết, hoạt động thương mại của Anh với các nước thuộc Liên minh châu Âu có thể sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

SOURCE: SAGA.VN

Trích dẫn từ: http://www.saga.vn/so-luoc-ve-brexit-brexit-la-gi-bai-1~42737

1900.0191