VAI TRÒ CỦA CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU KHOÁNG SẢN Ở VIỆT NAM

VAI TRÒ CỦA CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU KHOÁNG SẢN Ở VIỆT NAM

 TS. NGUYỄN THẮNG & THS. LẠI VĂN MẠNH – Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Sử dụng các chính sách tài chính để tăng cường quản lý và điều tiết hoạt động xuât khẩu khoáng sản được xem là một trong những biện pháp quan trọng mà các chính phủ thường sử dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi nhiều loại tài nguyên khoáng sản đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt thì việc sử dụng các công cụ này ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Để ứng phó với những thách thức đang đặt ra và để đảm bảo mục tiêu đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho các hoạt động kinh tế xã hội ở trong nước, trong những năm vừa qua Việt Nam đã có nhiều điều chỉnh các chính sách về tài nguyên khoáng sản nói chung và chính sách tài chính nói riêng để đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đã cho thấy vai trò của các chính sách này còn khá hạn chế. Để phát huy được vai trò của các chính sách quan trọng này thì cần phải thực hiện một số biện pháp như sau: (i) tăng cường năng lực quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản và xuất khẩu khoáng sản; (ii) theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường thế giới về khoáng sản để có những dự báo chính xác, kịp thời nhằm điều chỉnh các chính sách tài chính cho phù hợp; (iii) cần sớm ban hành cơ chế, chính sách về dự trữ khoáng sản phục vụ cho các lợi ích lâu dài của quốc gia.

1. Mở đầu

Khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo và có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Do đó, đòi hỏi các quốc gia cần phải có chiến lược sử dụng nguồn tài nguyên quý hiếm này một cách tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Trong những năm vừa qua thế giới đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên khan hiếm này, nhiều loại khoáng sản được dự báo là có sẽ bị cạn kiệt trong thời gian gần [6] như: đồng, bạc, chì, vàng, niken, crom… Để ứng phó với những thách thức đang đặt ra về nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên này, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra các biện pháp như: tăng cường nhập khẩu và áp dụng các biện pháp hạn chế việc xuất khẩu các nguồn khoáng sản thô nhằm tăng cường dự trữ các nguồn lực này để phục vụ cho nhu cầu sản xuất ở cả hiện tại và tương lai. Trong đó, việc sử dụng các chính sách tài chính quan trọng như: thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu và các biện pháp khác để đạt được mục tiêu này [7].

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng, nhưng trữ lượng và chất lượng khoáng sản lại không cao, phân bố khoáng sản không tập trung [3]. Trước bối cảnh quốc tế và các áp lực gia tăng nhu cầu khoáng sản cho các mục đích phát triển kinh tế – xã hội ở hiện tại và tương lai, Việt Nam đã có nhiều điều chỉnh chính sách nhằm tăng cường quản lý và điều tiết các hoạt động xuất khẩu khoáng sản nói riêng và hoạt động khai thác khoáng sản nói chung nhằm đạt được các định hướng và mục tiêu của phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, để đạt được các mục tiêu trên, trong những năm gần đây Việt Nam liên tục điều chỉnh các chính sách tài chính quan trọng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản như: điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên đối với khoáng sản, điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với khoáng sản. Ngoài ra, nhiều văn bản chỉ thị cũng đã được Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương ban hành để tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, trong đó có hoạt động xuất khẩu khoáng sản. Nghiên cứu này có mục đích phân tích, đánh giá vai trò của các chính sách tài chính trong quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản ở Việt Nam. Trong đó, tập trung đi sâu phân tích vai trò của các chính sách tài chính quan trọng như: thuế tài nguyên, thuế suất khẩu và một số chính sách khác có liên quan đến hoạt động xuất khẩu khoáng sản ở Việt Nam trong những năm gần đây.

2. Hoạt động xuất khẩu khoáng sản và quá trình hoàn thiện các chính sách tài chính trong lĩnh vực khoáng sản ở Việt Nam

2.1. Tổng quan về hoạt động xuất khẩu khoáng sản ở Việt Nam

Xét theo quy mô và công nghệ khai thác cho thấy, ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam đang tồn tại ba loại hình khai thác chế biến chính là khai thác chế biến quy mô công nghiệp, quy mô nhỏ tận thu và khai thác trái phép. Tuy nhiên, việc khai thác quy mô công nghiệp còn hạn chế, trong khi đó ở quy mô nhỏ tận thu với công nghệ thấp và khai thác trái phép lại là vấn đề phổ biến và bức xúc ở dưới địa phương (CODE, 2012). Do đó, phần lớn khoáng sản của Việt Nam được xuất khẩu thô với giá trị thấp. Hình 01 và Hình 02 lần lượt cho thấy thị phần xuất khẩu quặng khoáng sản của Việt Nam năm 2012 theo sản lượng và theo giá trị tiền tệ. Qua hai hình cũng cho thấy, Trung Quốc hiện đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm khoáng sản của Việt Nam hiện nay.

(Nguồn: Dữ liệu thống kê Tổng Cục Hải Quan, 2014)

Hình 01. Thị phần xuất khẩu khoáng sản của Việt Nam năm 2012 theo sản lượng (%)

Hình 02. Tỷ trọng % giá trị xuất khẩu khoáng sản của Việt Nam theo quốc gia

2.2. Quá trình ban hành và điều chỉnh các chính sách tài chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở Việt Nam

Hệ thống các chính sách tạo nguồn thu đối với hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên hiện nay ở Việt Nam bao gồm: (a) Thuế tài nguyên; (b)Thuế thu nhập doanh nghiệp; (c) Thuế giá trị gia tăng; (d) thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; (e) thuế hoặc phí bảo vệ môi trường; (f) Các khoản phí và lệ phí; (g) Đấu giá hoặc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; (h) Trách nhiệm đối với địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Để quản lý và điều tiết hoạt động xuất khẩu khoáng sản thì Việt Nam cũng sử dụng hai chính sách tài chính quan trọng là: thuế xuất khẩu và thuế tài nguyên [1], [2]. Quá trình hình thành, sửa đổi và điều chỉnh hai chính sách này ở Việt Nam như sau:

* Đối với thuế tài nguyên: Từ năm 1990 đến nay, các quy định pháp lý về thuế tài nguyên ở Việt Nam được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Các giai đoạn cụ thể trong ban hành và sửa đổi các văn bản pháp luật về thuế tài nguyên ở Việt Nam như sau:

(i) Giai đoạn đầu từ năm 1990 đến tháng 4/1998 Hội đồng Nhà nước ban hành pháp lênh Thuế tài nguyên;

(ii) Giai đoạn thứ hai từ năm 1998 đến tháng 04/2008 thực hiện theo pháp lệnh Thuế tài nguyên sửa đổi của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

(iii) Giai đoạn năm 2008 đến khi Luật Thuế tài nguyên có hiệu lực thực hiện khung thuế suất mới của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 07/2008/PL-UBTV-QH;

(iv) Giai đoạn từ khi Luật thuế tài nguyên có hiệu lực đến nay (Luật số 45/2009/QH12, và có hiệu lực từ ngày 01/07/2010).

* Đối với thuế xuất khẩu: Với chủ trương hạn chế xuất khẩu khoáng sản để đảm bảo nguồn cung cấp các nguyên liệu thô cho hoạt động sản xuất trong nước, hạn chế những tác động tiêu cực lên môi trường và khuyến khích chế biến sâu các sản phẩm tinh chế thay cho xuất nguyên liệu thô nên trong những năm vừa qua Việt Nam đã xây dựng khung thuế xuất của khoáng sản từ 10% – 40% [2]. Qua đánh giá cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2014 Việt Nam đã có tới 6 lần điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu các sản phẩm khoáng sản. Đặc biệt, riêng giai đoạn từ năm 2007 đến hết năm 2013 đã có tới 5 lần điều chỉnh thuế xuất khẩu. Phần lớn thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng này đều được điều chỉnh tăng, nhất là đối với những loại khoáng sản khan hiếm và có nguy cơ cạn kiệt trong thời gian gần như: sắt, đồng, niken…[2]

3. Vai trò của các chính sách tài chính trong quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản ở Việt Nam

3.1. Đánh giá vai trò của các chính sách tài chính trong quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản ở Việt Nam

Để đánh giá thực trạng vai trò của các chính sách tài chính trong quản lý và điều tiết hoạt động xuất khẩu khoáng sản, nghiên cứu sử dụng phương pháp mô hình toán kinh tế để khái quát hóa thực tiễn vai trò của hai công cụ quan trọng là thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu và một số chính sách khác có liên quan trong việc hỗ trợ chính phủ quản lý và điều tiết hoạt động xuất khẩu khoáng sản.

Trên cơ sở lý thuyết về đường cung và vai trò của các công cụ thuế trong việc điều tiết hoạt động xuất khẩu khoáng sản,  tập thể tác giả sử dụng mô hình hồi quy đa biến (OLS) để đánh giá về vai trò của hai công cụ thuế quan trọng: thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu đối với nhóm hai nhóm tài nguyên khoáng sản chính của Việt Nam là: (i) Mô hình I: mô hình để phân tích vai trò của các công cụ tài chính quan trọng trong điều tiết hoạt động xuất khẩu than đá của Việt Nam vào 3 thị trường chính: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản từ năm 2009 – 2014; và (ii) Mô hình II: mô hình để phân tích vai trò của các công cụ tài chính quan trọng trong điều tiết hoạt động xuất khẩu các loại quặng khoáng sản xuất khẩu vào các thị trường là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, và các quốc gia còn lại từ năm 2009 đến 2013.

+ Mô hình tổng quát được xác định như sau:

Qij = ƒ(Pi, ERi, T1i, T2i, D_02, Dj).

+ Dạng hàm được sử dụng như sau:

Ln (Qij) = β0 + β1*Ln(Pi) + β2*Ln(T1i) + β3*Ln(T2i) + β4* D_02 + β5* Dj + εj

Trong đó:

– Qij: Là biến phụ thuộc phản ánh sản lượng than đá hoặc quặng khoáng sản mà Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia hoặc nhóm quốc gia j tại quý thứ i. (đơn vị là tấn/quý);

– Pi: Là biến độc lập phản ánh về giá của than đá trên thị trường thế giới (đơn vị tính là USD/tấn) hoặc chỉ số giá của quặng khoáng sản xuất khẩu trên thị trường thế giới (đơn vị tính là %);

– ERi: Là tỷ giá hối đoái thực giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ (đơn vị tính là VNĐ/USD);

– T1i: Là thuế suất thuế tài nguyên bình quân đối với mô hình quặng khoáng sản hoặc thuế suất thuế tài nguyên đối với than đá của Việt Nam tính theo quý (đơn vị tính là %).

– T2i: Là thuế suất thuế xuất khẩu quặng khoáng sản bình quân hoặc than đá tính theo quý của Việt Nam (đơn vị tính là %).

– D_02: Là biến giả phản ánh thời điểm mà chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, đến khi có thông báo số 407 của Văn phòng Chính phủ, về quy định xuất khẩu khoáng sản, xử lý hồ sơ hoạt động khoáng sản tồn đọng và công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản (từ 09/01/2012 đến 17/12/2012). Theo tinh thần của Chỉ thị số 02 thì than vẫn được thăm dò, khai thác theo quy hoạch nên biến giả này chỉ sử dụng cho mô hình II.

– Dj (j = 1, 2): Là biến giả phản ánh sự khác biệt giữa quốc gia j hoặc nhóm quốc gia j với các quốc gia còn lại trong mô hình. Trong đó:

+ D1: Là biến giả phản ánh sự khác nhau giữa Trung Quốc với các quốc gia còn lại trong mô hình trong việc nhập khẩu than đá hoặc quặng khoáng sản của Việt Nam.

+ D2: Là biến giả phản ánh sự khác biệt giữa nhóm các quốc gia còn lại với các thị trường lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản trong việc nhập khẩu quặng khoáng sản của Việt Nam. Biến này chỉ dùng cho Mô hình II.

– β(0,1, 2 …n): là các hệ số của mô hình.

Nguồn gốc dữ liệu để chạy mô hình hồi quy cho than đá (mô hình I) và quặng khoáng sản (mô hình II) xuất khẩu được thể hiện tại bảng 01; kết quả chạy hồi quy OLS cho hai mô hình sau khi kiểm định và khắc phục các khuyết tật được thể hiện tại bảng 02.

(Nguồn: Tóm tắt kết quả chạy hồi quy  OLS bằng Eviews 6.0 của tác giả, 2015)

(i) Phân tích kết quả chạy hồi quy OLS với mô hình I: Từ kết quả hồi quy OLS đối với than đa xuất khẩu, một số kết luận được rút ra về vai trò của các chính sách tài chính trong quản lý hoạt động xuất khẩu than đá của Việt Nam vào 3 thị trường lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong giai đoạn 2009 – 2014 như sau:

– Với hệ số R2 = 0,8973 cho thấy các biến độc lập góp phần giải thích được 89,73% sự biến động của biến phụ thuộc là sản lượng than đá xuất khẩu vào 3 thị trường là: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản giai đoạn 2009 – 2014.

– Với mức ý nghĩa α=1% có thể khẳng định, trong điều kiện các biến độc lập trong mô hình không thay đổi thì các nhân tố nằm ngoài mô hình có ảnh hưởng lớn nhất đến việc làm tăng sản lượng than đá xuất khẩu của Việt Nam vào 3 thị trường lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản giai đoạn 2009 – 2014.

– Với mức ý nghĩa α = 1% cho thấy giá than xuất khẩu có ảnh hưởng tích cực trong việc làm tăng sản lượng than đá xuất khẩu của Việt Nam vào 03 thị trường chính, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của giá thế giới đến sản lượng than đá xuất khẩu là khá thấp. Theo kết quả cho thấy, trong điều kiện các nhân tố khác trong mô hình không thay đổi thì khi giá than đá trên thị trường thế giới tăng 1% một quý đã làm cho sản lượng than đá của Việt Nam xuất khẩu vào 3 thị trường chính trên tăng 0,8794%,  một quý trong giai đoạn 2009 – 2014. Việc giá than xuất khẩu không ảnh hưởng mạnh đến sản lượng xuất khẩu cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường thế giới về than đá của Việt Nam là thấp, điều này cũng phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam vì ở Việt Nam khai thác than chủ yếu là do Tập đoàn Than và Khoáng sản, việc khai thác và xuất khẩu than của Việt Nam là được thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt chứ không phải là theo tín hiệu của thị trường.

– Với mức ý nghĩa α = 1% có thể khẳng định sự gia tăng của thuế tài nguyên đối với than đá ở Việt Nam đã có tác động làm giảm sản lượng than đá xuất khẩu của Việt Nam vào 3 thị trường lớn. Từ kết quả cho thấy, trong giai đoạn từ 2009 – 2014, trong điều kiện các nhân tố độc lập khác trong mô hình không thay đổi thì khi thuế suất thuế tài nguyên tăng lên 1% thì đã làm cho sản lượng than của Việt Nam xuất khẩu vào 3 thị trường lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm 0,5659%.

– Xem xét các mức ý nghĩa α = 5%, 10% cho thấy hệ số ảnh hưởng của thuế suất thuế xuất khẩu than đá của Việt Nam không có ý nghĩa thống kê. Do vậy, chưa đủ cơ sở để kết luận thuế suất thuế xuất khẩu than đá có tác động làm giảm sản lượng than đá xuất khẩu của Việt Nam vào 3 thị trường lớn.

– Với mức ý nghĩa thống kê α=1% cho thấy, trong 3 thị trường chính mà Việt Nam xuất khẩu than đá thì Trung Quốc là một thị trường hấp dẫn hơn đối với hai thị trường còn lại là Hàn Quốc và Nhật Bản.

(ii) Phân tích kết quả chạy hồi quy OLS đối với mô hình II: Từ kết quả chạy mô hình hồi quy OLS cho quặng khoáng sản xuất khẩu, một số kết luận được rút ra về vai trò của các chính sách tài chính trong việc quản  lý hoạt động xuất khẩu quặng khoáng sản của Việt Nam giai đoạn từ 2009 – 2013 như sau:

– Với R2 = 0,4471 cho thấy các biến độc lập trong mô hình góp phần giải thích 44,71% sự thay đổi của sản lượng quặng khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam.

– Với mức ý nghĩa α=5% có thể khẳng định, các yếu tố độc lập ngoài mô hình có ảnh hưởng rất lớn đến việc làm giảm sản lượng quặng khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2013.

– Với mức ý nghĩa α=5% có thể khẳng định, giá quặng khoáng sản trên thị trường thế giới có ảnh hưởng đến sản lượng quặng khoáng sản của Việt Nam xuất khẩu. Theo kết quả, trong điều kiện các nhân tố độc lập khác trong mô hình không thay đổi thì khi chỉ số giá khoáng sản trên thị trường thế giới tăng 1%/quý thì làm cho sản lượng quặng khoáng sản của Việt Nam xuất khẩu tăng 5,1561 %/quý giai đoạn 2009 – 2013.

– Với mức ý nghĩa α=5% có thể khẳng định, sự mất giá của đồng tiền Việt Nam so với đô la Mỹ đã góp phần rất lớn trong việc gia tăng sản lượng khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam.

– Với mức ý nghĩa α=1% có thể khẳng định, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên đối với quặng khoáng sản đã góp phần làm cho sản lượng khoáng sản của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới giảm. Theo kết quả cho thấy, trong điều kiện các nhân tố độc lạp trong mô hình không thay đổi thì khi tỷ suất thuế tài nguyên của Việt Nam tăng 1%/quý thì đã làm cho sản lượng quặng khoáng sản của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới giảm 4,0894%/quý.

– Xem xét mức ý nghĩa α=10% cho thấy, hệ số ảnh hưởng của thuế suất thuế xuất khẩu quặng khoáng sản trong giai đoạn 2009 – 2013 là không có ý nghĩa thống kê. Do vậy, chưa đủ cơ sở khoa học để khẳng định vai trò của thuế xuất khẩu trong việc điều tiết làm giảm sản lượng quặng khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam.

– Với mức ý nghĩa α= 5% có thể khẳng định việc ban hành Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần điều tiết theo hướng làm giảm sản lượng khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012 so với các năm khác. Theo tinh thần của Chị thị số 02/CT-TTg, ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, cho thấy sản lượng khoáng sản bị giảm này chủ yếu tập trung vào các loại khoáng sản bị cấm xuất khẩu như: quặng sắt, quặng chì, quặng kẽm, quặng cromit, quặng mangan, quặng vàng, quặng đồng, quặng apatit.

-Với mức ý nghĩa α =1% có thể khẳng định Trung quốc là thị trường hấp dẫn hơn so với các quốc gia còn lại trong việc nhập khẩu quặng khoáng sản của Việt Nam.

-Tiếp theo đó với mức ý nghĩa α =1% cũng cho thấy các thị trường tự do không thường xuyên khác (ngoài 3 quốc gia là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản) cũng nhập khẩu quặng khoáng sản của Việt Nam lớn hơn.

(iii) Kết luận chung: Từ những phân tích nhận định cho từng mô hình ở trên, một số kết luận chung về vai trò của chính sách tài chính trong quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản của Việt Nam như sau: (a) giá khoáng sản trên thị trường thế giới là nhân tố có ảnh hưởng làm tăng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với nhóm quặng khoáng sản; (b) thuế tài nguyên đối với cả than đá và nhóm quặng khoáng sản xuất khẩu đã phát huy được vai trò trong điều tiết sản lượng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm quặng khoáng sản; (c) thuế xuất khẩu đối với cả than đá và quặng khoáng sản đều chưa đủ mức ý nghĩa thống kê để kết luận là có sự ảnh hưởng giảm đến sản lượng xuất khẩu. Điều này cũng phản ánh thực tế hiện nay mà các cơ quan chức năng như: Cơ quan thuế, cơ quan Hải Quan đang gặp phải khó khăn trong việc kiểm soát số lượng và chủng loại khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam; (d) việc ban hành chỉ thị số 02 mang tính hành chính, mệnh lệnh đã làm cho sản lượng quặng khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam giảm đáng kể; (e) Trung Quốc là một thị trường hấp dẫn nhất đối với các mặt hàng quặng khoáng sản và than đá. Do vậy, cần phải theo dõi chặt chẽ xu hướng nhập khẩu khoáng sản của các quốc gia này để có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp; (f) ngoài ra, chính sách về tỷ giá hối đoái cũng ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu quặng khoáng sản của Việt Nam.

3.2. Các nguyên nhân chính làm cho vai trò của các chính sách tài chính trong quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản ở Việt Nam còn hạn chế

Kết quả phân tích định lượng đã chỉ ra vai trò của các chính sách thuế trong việc quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản còn hạn chế. Một số nguyên nhân được nhận định như sau:

Một là, do tính đa dạng về chủng loại và chất lượng khoáng sản nên dẫn đến việc khó khăn trong kiểm soát. Trong khi đó, năng lực của hệ thống cán bộ có liên quan đến xuất, nhập khẩu còn hạn chế trong việc thẩm định, đánh giá chủng loại và chất lượng và giá cả đối với từng loại khoáng sản để làm cơ sở tính thuế.

Hai là, do quy trình ban hành và điều chỉnh các mức thuế suất của Việt Nam thường tạo ra độ trễ so với diễn biến của thị trường. Điều này không những gây thất thu cho ngân sách và còn tạo động lực cho xuất khẩu khoáng sản, đặc biệt là những nguồn khoáng sản thô. Các hình 03, hình 04 lần lượt cho thấy ví dụ về việc điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu của Việt Nam đối với quặng đồng giai đoạn 2000 – 2012 thường có độ trễ lớn, không bắt kịp theo xu hướng của thị trường khoáng sản của thế giới trên cả góc độ giá cả và sản lượng.

Ba là, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, giữa các Bộ, ngành về nguồn gốc hợp pháp, số lượng khai thác thực tế… dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc xác định nguồn gốc, chất lượng, trữ lượng khoáng sản xuất khẩu [3].

Hình 03. Giá thế giới và sự điều chỉnh thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu đối với quặng đồng ở Việt Nam giai đoạn 2000 – 2012

(Nguồn: dữ liệu xuất khẩu đồng thu thập tại website của UncomTrade, 2014)

Hình 04. Diễn biến thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên đối với đồng và sản lượng đồng của Việt Nam xuất khẩu qua các năm (2000 – 2012)

4. Kết luận và kiến nghị

Trước nguy cơ cạn kiệt các nguồn nguyên liệu khan hiếm như tài nguyên khoáng sản trên thế giới, để đảm bảo được các định hướng phát triển bền vững ở hiện tại và tương lai thì việc tăng cường sử dụng các biện pháp, chính sách để quản lý và điều tiết các hoạt động xuất khẩu khoáng sản được xem như là giải pháp quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.  Để thực hiện được định hướng này thì việc phát huy vai trò của các chính sách tài chính quan trọng như: thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu là cần thiết đối với Việt Nam. Trong những năm vừa qua, nhiều đổi mới về chính sách tài chính nói riêng và các chính sách quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản nói chung đã được ban hành. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, vai trò của các chính sách này còn khá hạn chế. Để phát huy được vai trò của các chính sách quan trọng này thì cần phải thực hiện một số biện pháp như sau: (i) tăng cường năng lực quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản và xuất khẩu khoáng sản. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cấp, các ngành về tình hình khai thác, tiêu thụ tài nguyên khoáng sản; (ii) theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường thế giới về khoáng sản để có những dự báo chính xác, kịp thời nhằm điều chỉnh các chính sách tài chính cho phù hợp. Đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ những diễn biến về nhập khẩu khoáng sản của các quốc gia tăng trưởng nóng như Trung Quốc; (iii) cần ban hành cơ chế, chính sách về dự trữ khoáng sản phục vụ cho các lợi ích lâu dài của quốc gia.

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ Tài Chính, công văn số 6181/BTC-CST, ngày 13/05/0215 về việc xin ý kiến dự án Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH về việc ban hành Biểu mức thuế tài nguyên.

[2] Cổng thổng tin điện tử Chính phủ, Hệ thống các văn luật, dưới luật về thuế, phí trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban

[3] Ủy ban thường vụ Quốc hội, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, 2012.

[4] Tổng cục Hải quan, chuyên trang Thống kê Hải quan, http://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/Default.aspx

[5] A. M. Church, Economic rent, economic efficiency and the distribution of natural resource tax burdens: copper and coal, University of new Mexico, 1981.

[6]Jaakko Kooroshy, Christa Meindersma, Richard Podkolinski, Michel Rademaker, Tim Swejs, Andre Diederem, Martjin BeerThuizen and Sophie de Goede, Scarcity of Minerals: A strategic security issue, The Hague centre for Strategic Studies No 02, 2010.

[7] Jane Korinek and Jeonghoi Kim, export restriction on strategic raw materials and their impact on trade and global supply, OECD, 2010.

[8] Uncomtrade, http://comtrade.un.org/

[9] Unctad, http://unctad.org/en/Pages/Statistics.aspx

SOURCE: TẠP CHÍ NHỮNG VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ TRÍNH TRỊ THẾ GIỚI, SỐ 12  (236), tháng 12/2015)

<

p align=”justify”>Trích dẫn từ: http://isponre.gov.vn

1900.0191