Thuê người làm bằng miệng thì kiện như thế nào, trách nhiệm ra sao

Câu hỏi của khách hàng: Thuê người làm bằng miệng thì kiện như thế nào, trách nhiệm ra sao

Xin chào mọi người !

Hiện tôi đang gặp phải 1 số vấn đề sau :

-Hiện nay tôi (BÊN B) đang nhận làm khoán cho 1 nhà thầu xây dựng (BÊN A). Công việc và giá tiền chỉ thỏa thuận bằng miệng,không có hợp đồng(vì tôi chưa có công ty). Do công việc nhiều quá tôi có nhận thêm 1 người làm (BÊN C) và thỏa thuận bằng miệng về lương và công việc. Người này làm trực tiếp với tôi và tôi trực tiếp trả lương qua tài khoản cá nhân. Do người này làm không tốt. Tôi đã cho nghỉ việc sau 12 tháng làm việc cho tôi. Khi kết thúc cho nghỉ việc tôi chỉ nói bằng miệng và tin nhắn trên zalo. khi cho họ nghỉ tôi có giữ lại 9 ngày công của họ để trừ tiền khi có sai phạm trong công việc họ gây ra cho tôi. Sau thời gian này họ có gửi mail đòi tiền tôi nhưng số tiền vượt gấp 2 lần số tiền tôi nợ họ(9 ngày công) nên tôi không chấp nhận trả. Họ dọa sẽ kiện ra phòng thương binh và xã hội + tòa án nhân dân( VẤN ĐỀ CHÍNH LÀ HỌ LẠI KIỆN CÔNG TY NHÀ THẤU CHÍNH( BÊN A) CỦA CÔNG TRÌNH,CÔNG TY NÀY LÀ CÔNG TY TÔI TRỰC TIẾP NHẬN KHOÁN)

-Xin hỏi luật sư và mọi người một số vấn đề.

+Họ có đủ pháp lý để kiện nhà thầu chính (BÊN A) chỗ tôi trực tiếp nhận khoán không.

+Nếu tòa án thụ lý thì công ty đó vi phạm luật những gì?

Xin cám ơn luật sư và mọi người!


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 23/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Điều kiện để khởi kiện dân sự

  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Bộ luật lao động 2012
  • Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (được sửa đổi, bổ sung vào ngày 88/2015/NĐ-CP).

3./ Luật sư trả lời Thuê người làm bằng miệng thì kiện như thế nào, trách nhiệm ra sao

Hợp đồng khoán việc là sự thỏa thuận của hai bên, theo đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và sau khi đã hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó. Bên giao khoán nhận kết quả công việc và có trách nhiệm trả cho bên nhận khoán tiền công, tiền thù lao đã thỏa thuận. Đây là một dạng của hợp đồng dịch vụ.

Bạn đang nhận làm khoán việc cho công ty xây dựng bên A, công việc và giá tiền chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có hợp đồng. Do công việc nhiều bạn có nhận thêm 1 người làm và thỏa thuận bằng miệng về lương và công việc. Người đó làm trực tiếp với bạn và bạn trực tiếp trả lương qua tài khoản cá nhân. Do người đó làm không tốt nên bạn đã cho nghỉ việc sau 12 tháng bạn có thông báo bằng miệng và tin nhắn trên zalo. Khi cho họ nghỉ bạn có giữ lại 9 ngày công của họ để trừ tiền khi có sai phạm trong công việc họ gây ra cho bạn. Theo  những thông tin trên thì có thể nhận định việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa bạn và bên C hoàn toàn có sự đồng ý của bên C.

Trong trường hợp này, người trực tiếp thuê, trả lương cho bên C là bạn, bên xác lập, thực hiện hợp đồng cũng là bạn mà không phải bên A. Bạn chính là người sử dụng lao động và người đó là người lao động. Họ làm thuê cho chính bạn mà không phải là làm cho công ty. Do đó, việc người đó khởi kiện công ty xây dựng là không có cơ sở. Tòa án sẽ chỉ thụ lý vụ án để giải quyết khi bên C có căn cứ chứng minh được việc khởi kiện bên A của họ là hợp lý, đúng quy định và bên A là bên có trách nhiệm dân sự đó (ở đây là trả tiền lương).

Bạn và công ty ký hợp đồng khoán việc tức là công ty xây dựng giao cho bạn một công việc khi hoàn thành xong công việc bạn nhận thù lao thì hợp đồng khoán việc giữa công ty và bạn chấm dứt giao dịch. Hình thức hợp đồng do các bên tự thỏa thuận. Theo đó, công ty không có nghĩa vụ trong việc trả thù lao cho người lao động mà bạn thuê. Giữa công ty xây dựng (bên A) và người đó (bên C) không hình thành bất kỳ giao dịch nào, do đó, bên A không có nghĩa vụ trả số tiền công trên.

Tóm lại, trong trường hợp này bên C không hề có đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện bên A ra Phòng Lao động thương binh và xã hội hay ra Tòa án về việc bạn (bên B) không thanh toán đủ tiền lương cho bên họ.

Tuy nhiên, việc bạn thuê người đó làm công cho bạn trong thời gian 12 tháng mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản là vi phạm pháp luật. Bạn sẽ bị phạt vi phạm hành chính về hành vi không giao kết hợp đồng lao động.

Căn cứ Điều 16 Bộ Luật lao động:

“Điều 16.Hình thức hợp đồng lao động

1.Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2.Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

Căn cứ Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

1.Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a)Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; …”

Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, bên C không có đủ cơ sở pháp lý để Phòng lao động thương binh và xã hội cũng như Tòa án giải quyết tranh chấp với bên A (do bên A không có nghĩa vụ trả tiền công cho bên C). Nếu có tranh chấp về tiền công trong trường hợp này thì bên còn lại phải là bạn (bên B).

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191