Xử phạt hành chính khi buôn bán pháo hoa

Xử phạt hành chính khi buôn bán pháo hoa không có giấy phép?

Tôi có bị công an địa phương lập biên bản về việc buôn bán pháo hoa vào tháng 9 năm 2021, chỉ có pháo hoa chứ hoàn toàn không có pháo nổ, họ hẹn tôi sáng mai lên làm việc, tôi xin hỏi tôi có thể bị xử lý ở mức phạt như thế nào? Căn cứ vào những yếu tố nào?


Luật sư Tư vấn Xử phạt hành chính khi buôn bán pháo hoa – Gọi 1900.0191

Công ty Luật LVN

Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đến Công ty Luật LVN. Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm xảy ra tình huống pháp lý

Ngày 18 tháng 02 năm 2018

2./ Cơ sở văn bản Pháp Luật áp dụng

– Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012

3./ Luật sư trả lời

Luật Đầu tư năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã làm thay đổi khá lớn tới tính pháp lý của hành vi kinh doanh pháo hoa. Theo đó, tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2014, “kinh doanh các loại pháo” được xác định là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Như vậy, khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, các loại pháo không còn được xem là hàng cấm. Do đó, các hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các loại pháo không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 155 Bộ luật Hình sự.

Đến ngày 22/11/2016, Quốc hội đã sửa đổi Phụ lục IV Luật Đầu tư 2014, trong đó bổ sung quy định “kinh doanh pháo nổ” vào ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Như vậy, từ thời điểm này, “pháo nổ” thuộc danh mục hàng cấm và người sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh pháo nổ sẽ bị xử lý hình sự như trước kia.

Tuy nhiên, Quốc hội chỉ đưa riêng “pháo nổ” vào danh mục hàng cấm kinh doanh chứ không phải “tất các loại pháo” như trước đây. Có thể hiểu, ngoài pháo nổ thì pháo hoa không thuộc danh mục điều chỉnh của quy định này và người sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo hoa phải tuân theo các điều kiện kinh doanh được quy định chứ không bị xem xét xử lý hình sự nữa. Quy định này khiến tình trạng buôn bán pháo hoa trở lên phức tạp và khó kiểm soát hơn.

Theo những quy định mới nhất này, việc kinh doanh pháo hoa nếu không được cấp giấy phép cho phép sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tại điểm a Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP như sau:

“Điều 8. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa các nội dung trong giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện hoặc chứng chỉ hành nghề.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cho thuê, cho mượn, đưa cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện hoặc chứng chỉ hành nghề;

b) Thuê, mượn, nhận cầm cố, thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện hoặc chứng chỉ hành nghề.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của thương nhân khác hoặc chứng chỉ hành nghề của người khác để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện;

b) Kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề được cấp.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định;

b) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện khi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề được cấp đã hết hiệu lực.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.”

      Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để được giải đáp nhanh nhất.

Sự hài lòng của quý khách là nỗ lực của chúng tôi!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191