Có được từ chối cấp dưỡng và để con không nhận cha sau ly hôn?

Có được từ chối cấp dưỡng và để con không nhận cha sau ly hôn?

Vợ chồng em đã ly hôn 01 năm rồi. Trong thời gian 01 năm qua em nhận tiền cấp dưỡng nuôi con rất khó khăn. Mỗi lần nhận tiền em phải điện thoại kêu đưa, hoặc cãi nhau thì mới lấy được. Bây giờ em không muốn nhận tiền nuôi con nữa và em muốn làm thủ tục để con em không nhận cha nữa hoặc không cho người cha được gặp con em nữa có được không?

Gửi bởi: Lê Thụy Thùy Trang

Trả lời có tính chất tham khảo

Thứ nhất, về yêu cầu không muốn tiếp tục nhận tiền cấp dưỡng: theo quy định của pháp Luật Hôn nhân và gia đình thì sau khi ly hôn, cấp dưỡng là nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con, do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đồng thời, theo quy định tại điểm a khoản 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.

Như vậy, căn cứ các quy định trên, bạn có quyền yêu cầu người cha không cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, bạn không nên vì tức giận việc chồng bạn “chây ì” nghĩa vụ cấp dưỡng mà không yêu cầu người này tiếp tục cấp dưỡng cho con mình vì đây còn là quyền lợi của con bạn.Hơn nữa, pháp luật cũng đã có những quy định ràng buộc nghĩa vụ cấp dưỡng như tại khoản 2 Điều 107 và Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầucủa người thân thích; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;Hội liên hiệp phụ nữ, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này. Đồng thời, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự,… mặc dù không quy định trực tiếp biện pháp xử phạt đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng hành vi này được quy định chung tại điểm a khoản 3 Điều 52 như sau: hành vi “không thực hiện công việc phải làm… theo bản án, quyết định” của Tòa án có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.

Thứ hai, về yêu cầu không muốn cho con nhận cha hoặc cho cha con gặp nhau. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, yêu cầu trên là vi phạm quy định về quyền nhận cha, mẹ của con và quyền nhận con của cha, mẹ (Điều 90, 91). Đồng thời, bạn cũng không có quyền ngăn cản việc người cha gặp con của mình vì theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật này thì sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Chỉ trong trường hợp, người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình

Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP Của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000

Trả lời bởi: vietduc

1900.0191