Chơi ná cao su có bị cấm không

Chơi ná cao su có bị cấm không?

Luật sư cho em hỏi chơi ná cao su có bị cấm không ạ, các loại ná cao su được đúc hoặc tự chế em thấy được rao bán khá là phổ biến trên mạng, cả các cửa hàng nhiều khi cũng có, với lại cũng nhiều người dùng lắm, vậy liệu em mua về bán lại rồi chơi thì có vi phạm pháp luật gì không…


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 04/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm khi sử dụng ná cao su

  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)

3./ Luật sư trả lời Chơi ná cao su có bị cấm không

Theo quy định của pháp luật, mọi người có thể làm những gì mà pháp luật không cấm. Việc thực hiện những gì mà pháp luật không cấm không bị coi là có hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay pháp luật chưa có quy định về việc chơi ná cao su, do vậy, việc chơi ná cao su không phải là hành vi vi phạm pháp luật, tức là không bị cấm. Tuy nhiên, nếu trong quá trình sử dụng ná cao su bạn gây thiệt hại cho tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác hoặc những loài động vật đặc biệt được Nhà nước ta bảo vệ thì bạn vẫn sẽ phải chịu những trách nhiệm nhất định. Bởi:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định trên căn cứ có thiệt hại xảy ra. Việc bồi thường được xác định trên nguyên tắc được quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự, cụ thể:

-Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

-Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

-Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

-Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

-Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Ngoài ra khi bạn gây ra những thiệt hại cho tài sản, sức khỏe của người khác, ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bạn có thể còn phải gánh chịu các trách nhiệm hành chính thậm chí là trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Như khi việc sử dụng nỏ cao su của bạn vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, bạn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự, cụ thể, bạn có thể bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, mặc dù việc sử dụng ná cao su không bị pháp luật cấm nhưng bạn cần chú ý trong quá trình sử dụng, tránh gây thiệt hại cho tài sản, sức khỏe,… của người khác. Bởi việc gây thiệt hại của bạn (vô ý hoặc cố ý) sẽ khiến bạn phải chịu những trách nhiệm nhất định trước pháp luật.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

1900.0191