Bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thì mức xử phạt như thế nào?
Ngày 23/6/2018, tôi có nhập một lô hàng sữa dưỡng thể trắng da về để bán, khi nhập thì tôi nhập online và thanh toán tiền mặt nên cũng không có hóa đơn biên lai gì lưu lại cả, sản phẩm này tôi đã bán ra thị trường được gần 3 tháng nay nhưng không có vấn đề gì, thậm chí nhiều khách hàng còn rất thích và đặt thêm, đầu tháng 9 tôi bị đoàn cơ quan chức năng vào kiểm tra, và do không xuất trình được các tài liệu xuất xứ nên họ đòi tịch thu hàng và xử phạt hàng hóa không có nguồn gốc, xin nói thêm là những hàng này đều do người bán tự sản xuất, tôi có thể cung cấp nick facebook của người đó nhưng phía thanh tra họ không chịu, như vậy là tôi đúng hay sai, và nếu sai thì mức xử phạt trong trường hợp này của tôi là bao nhiêu? Cám ơn.
Luật sư Tư vấn Luật Xử lý vi phạm hành chính – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 10 tháng 09 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Xử phạt hành vi buôn bán hàng không rõ nguồn gốc
Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP)
3./ Luật sư tư vấn
“Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác” theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 185/2013/NĐ-CP là hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mà đã là hành vi vi phạm pháp luật thì người thực hiện hành vi sẽ phải chịu những trách nhiệm pháp lý nhất định. Trong trường hợp buôn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, người có hành vi buôn bán sẽ bị xử phạt như sau:
Căn cứ Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về “Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác”:
“1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong số các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: …
c)Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; …
2.Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.
3.Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng.
4.Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
5.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
6.Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.
7.Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
8.Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.
9.Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
10.Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.
11.Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
12.Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. …
14.Hình thức xử phạt bổ sung:
a)Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b)Tịch thu phương tiện vi phạm là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.
15.Biện pháp khắc phục hậu quả:
a)Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm; buộc thu hồi tiêu hủy tang vật vi phạm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a và b Khoản 1 Điều này;
b)Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này;
c)Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”
Mà việc chứng minh nguồn gốc hàng hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật phải dựa vào bao bì, nhãn mác, địa chỉ, số điện thoại ghi trên bao bì sản phẩm; hàng hóa được mua ở đâu, có hợp đồng mua bán hay không, hóa đơn, chứng từ cho lô hàng,… Do đó, hàng hóa của bạn bị coi là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay cả khi bạn đưa ra được thông tin về người cung cấp hàng cho bạn.
Căn cứ vào các chi tiết bạn đưa ra thì hành vi buôn bán sữa dưỡng thể trắng da không rõ nguồn gốc xuất xứ của bạn là hành vi vi phạm pháp luật, do đó, việc thanh tra phạt vi phạm đối với hành vi của bạn là được phép. Mức phạt đối với hành vi này tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa vi phạm nhưng ở trong mức từ 200.000 đồng đến 40.000.000 đồng và bạn còn bị tịch buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm,… theo quy định đã nêu trên.
Với những tư vấn về câu hỏi Bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc mức phạt thế nào, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.