Hòa giải thành thì có mất án phí không?

Hòa giải thành thì có mất án phí không? Nếu đã nộp rồi thì có được hoàn lại không?

Tôi đã nộp tạm ứng án phí với việc yêu cầu phân chia tài sản giữa tôi và vợ tôi khi ly hôn là 12 triệu đồng, nhưng trong quá trình xét xử kéo dài, chúng tôi mệt mỏi và rất căng thẳng, nên chúng tôi đã thống nhất hòa giải theo phiên làm việc của Tòa, như vậy tôi có được hoàn trả lại số án phí trên không, hay án phí được tính như thế nào, luật sư có thể tư vấn cho tôi chứ?


Luật sư Tư vấn Luật Tố tụng hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 17 tháng 05 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề quy định về án phí khi hòa giải thành

  • Luật tố tụng dân sự năm 2015
  •  Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án

3./ Luật sư tư vấn

Trước khi thụ lý vụ án dân sự, người có yêu cầu khởi kiện phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí sơ thẩm. Do đó, trường hợp anh là người có yêu cầu khởi kiện, thì anh là người thực hiện việc nộp tạm ứng án phí. Trường hợp các bên đương sự hòa giải thành, việc nộp án phí được thực hiện như sau:

Trước hết, Trường hợp anh chị hòa giải thành công theo thủ tục hòa giải trước khi mở phiên tòa dân sự, anh chị vẫn phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm của vụ việc. Cụ thể chiếu theo Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, Điều 147, Khoản 3:

Điều 147. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm

1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

2. Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.

3. Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

….”

Anh chị đã nạp số tiền tạm ứng án phí 12 triệu đồng, đồng nghĩa với việc vụ việc của anh chị có tranh chấp và yêu cầu tòa giải quyết về tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Án phí, tạm ứng án phí của vụ việc này sẽ được tính theo giá ngạch căn cứ và giá trị khối tài sản tranh chấp. Mức tạm ứng án phí sơ thẩm là 50% mức án phí sơ thẩm.

Mức tạm ứng án phí này được xác định như sau:

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Khoản 2, Điều 7:

“Điều 7. Mức tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án

“2. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.

Vậy, Số tiền tạm ứng án phí 12 triệu đồng (50% án phí sơ thẩm) vừa đủ bằng nghĩa vụ nộp án phí mà đương sự phải nộp khi hòa giải thành công theo thủ tục hòa giải trước phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, trường hợp này việc chịu án phí sơ thẩm sẽ do cả hai bên vợ chồng phải chịu, phần án phí vợ, chồng phải chịu được chia theo tỉ lệ phần tài sản mà vợ chồng được hưởng sau khi chia. Do đó, với trường hợp này, án phí đối với vụ án của anh là 12 triệu đồng, anh phải chịu án phí tương đương với phần tài sản anh nhận được trong khối tài sản được chia, phần còn lại sẽ do vợ anh là người có nghĩa vụ phải nộp. Cho nên, anh sẽ được nhận lại số tiền án phí tương đương với phần án phí vợ anh có nghĩa vụ nộp. Để nhận lại số tiền án phí không phải nộp, anh nộp quyết định công nhận của Tòa án đã có hiệu lực tới Cục Thi hành án nơi anh nộp tạm ứng án phí để được chi trả lại phần án phí không phải nộp.

Với những tư vấn về câu hỏi Hòa giải thành thì có mất án phí không?, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

Bài liên quan:

1900.0191