Mở cửa sổ sang nhà hàng xóm có bị phạt không? Theo quy định thì cần mở cao bao nhiêu mét, số lượng cửa sổ được mở có bị giới hạn không, xin được giải đáp.
Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.
Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1. Thời điểm sự kiện pháp lý
Ngày 25 tháng 06 năm 2017
2. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật Dân sự 2015
– Bộ luật Xây dựng 2014
-Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3 tháng 4 năm 2008 về việc ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng”
3. Luật sư trả lời
Theo Khoản 1, Điều 178 Bộ luật Dân sự 2015 qui định về việc trổ cửa sang bất động sản liền kề, chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Khoản 1, Điều 6 Bộ luật Xây dựng 2014 về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định rõ: “Hoạt động đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.”
Như vậy, việc trổ cửa các công trình xây dựng phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCVN:01/2008/BXD do Bộ Xây dựng ban hành kèm theo quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3 tháng 4 năm 2008 thay thế phần II, tập I, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 1997 (về quy hoạch xây dựng) quy định về quan hệ với các công trình bên cạnh như sau:
“Công trình không được vi phạm ranh giới:
– Không bộ phận nào của ngôi nhà kể cả thiết bị, đường ống, phần ngầm dưới đất (móng, đường ống), được vượt quá ranh giới với lô đất bên cạnh;
– Không được xả nước mưa, nước thải các loại (kể cả nước ngưng tụ của máy lạnh), khí bụi, khí thải sang nhà bên cạnh.” (Điều 2.8.12)
Theo đó, mọi bộ phận của công trình nhà ở, bao gồm cánh cửa sổ, cánh cửa đi không được vượt quá ranh giới đất (không thấy có quy định cụ thể về hạn chế quyền trổ cửa). Như vậy những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền trổ cửa mà pháp luật về xây dựng không có quy định cụ thể, thì áp dụng quy định chung của Bộ luật Dân sự tại Khoản 2 Điều 178: “Mặt dưới mái che trên cửa ra vào, mặt dưới mái che cửa sổ quay ra đường đi chung phải cách mặt đất từ 2,5 mét trở lên.”
Vậy khi tiến hành xây dựng công trình theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành, chỉ cần đáp ứng được điều kiện điều kiện cánh cửa ra vào, cửa sổ khi mở không được vượt quá ranh giới đất, đồng thời mặt dưới mái che trên cửa ra vào, mặt dưới mái che cửa sổ quay ra đường đi chung phải cách mặt đất từ 2,5 mét trở lên thì sẽ không vi phạm pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua tổng đài điện thoại số: 1900 0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN