Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Bố mẹ chồng có được thay con trai đòi quyền nuôi con
Con trai tôi trước bị tai nạn và đã mất sự tỉnh táo thần kinh bình thường, nó có một con trai hồi chưa tai nạn và 1 người vợ, tuy nhiên sau khi nó xảy ra tai nạn thì vợ nó đã bỏ đi và mang theo đứa bé, không cho chúng tôi tiếp xúc, giờ tôi muốn khởi kiện đòi lại cháu tôi thì có được không?
Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 22 tháng 06 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Tranh chấp quyền nuôi con
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
3./ Luật sư tư vấn
Vợ và chồng đều có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con như nhau, nếu một bên ngăn cản bên còn lại thực hiện các quyền trên, thì người này có quyền khởi kiện để bảo về quyền và lợi ích của mình.
Căn cứ theo Điều 71 luật hôn nhân và gia đình 2014, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Theo đó, người vợ không có quyền ngăn cản chồng gặp con và chăm sóc con. Trường hợp vợ không cho chồng thăm gặp con, không cho tiếp xúc thì người vợ có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
“Điều 53. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”
Trường hợp đã xử lý vi phạm hành chính nhưng người mẹ vẫn tiếp tục ngăn cản việc thực hiện các quyền đối với chồng mình thì người chồng có thể khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nơi người mẹ cư trú.
Tuy nhiên, sau khi bị tai nạn, người chồng đã bị mất năng lực hành vi dân sự, nên việc khởi kiện đối với người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo quy định Điểm b Khoản 2 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
“b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;”
Như vậy, khi con trai bị mất năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp là bố mẹ có quyền làm đơn khởi kiện thay cho con trai mình để đòi lại quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con. Tuy nhiên, bố mẹ chồng cần phải làm đơn yêu cầu Tòa án công nhận con trai mình là người mất năng lực hành vi dân sự trước khi làm đơn khởi kiện đòi quyền nuôi con.
Với những tư vấn về câu hỏi Bố mẹ chồng có được thay con trai đòi quyền nuôi con, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.