Các bước xử lý ngay khi bị ném chất bẩn vào nhà?

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Các bước xử lý ngay khi bị ném chất bẩn vào nhà?

Tối hôm qua khi đang ngủ, tôi nghe 1 tiếng động rất to nên hốt hoảng chạy ra cửa xem thì phát hiện có kẻ đã ném gạch kèm chất bẩn vào cửa nhà tôi, chất bẩn vỡ ra bắn tung tóe lên tường nhà tôi và nhà lân cận, chúng tôi phải xử lý như thế nào ngay bây giờ? Tôi có vay tiền của một số người nhưng đã cam kết trả, giờ tôi có nên nhắn tin xác minh xem có phải họ đã làm và tố giác ra công an không?


Luật sư Tư vấn Luật Hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 17 tháng 05 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề xử lý đối với hành vi ném chất bẩn vào nhà

  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

3./ Luật sư tư vấn

Khi bị ném chất bẩn vào nhà ở, để bảo vệ quyền lợi ích của mình, anh chị cần xử lý như sau:

Trước hết, hành vi ném chất thải, chất bẩn lên làm hoen bẩn nhà ở là một trong các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Người có hành vi  bị xử phạt hành chính đối với hành vi này như sau:

Mức xử phạt tiền được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ở Điểm a, Khoản 2, Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác;”

Ngoài ra, người có hành vi này có thể bị cưỡng chế khắc phục hậu quả theo Khoản 3, Điều luật này như sau:

“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại Điểm b, c, d, đ, e Khoản 1 và Điểm b, d Khoản 2 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.”

Trường hợp, hành vi được thực hiện nhiều lần và có tính chất hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, người có hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm,

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Khi phát hiện hành vi, anh chị cần có biện pháp giữ nguyên hiện trường, chụp hình lại những dấu vết mà người có hành vi để lại cũng như chụp hình lại hiện trường vụ việc những vết bẩn trên nhà và hàng xóm lân cận nhà anh. Bên cạnh đó, anh chị trình báo tới cơ quan công an cấp xã để cơ quan này tiến hành xác minh hành vi. Để xác minh đối tượng thực hiện hành vi, anh chị có thể thực hiện các biện pháp ghi hình lại để xác định đúng đối tượng và cung cấp các bằng chứng này cho cơ quan công an.

Vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình,  trước hết anh chị cần trình báo và cung cấp những tài liệu có thể có để xác minh đối tượng thực hiện và chứng minh những thiệt hại xảy ra. Khi xác minh được đối tượng thực hiện, trên cơ sở hành vi và thiệt hại xảy ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có những biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.

Với những tư vấn về câu hỏi Các bước xử lý ngay khi bị ném chất bẩn vào nhà?, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Bài liên quan:

1900.0191