Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Biết người khác dùng bằng giả thì xử lý thế nào
Luật sư Tư vấn Bộ luật Hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 22 tháng 08 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Không tố giác người sử dụng bằng giả
- Luật Tố cáo năm 2011.
- Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
3./ Luật sư tư vấn
Khi phát hiện một hành vi sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam thì người phát hiện hành vi có thể tố cáo hành vi vi phạm tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, tuy nhiên, việc tố cáo này không phải luôn bắt buộc đối với người phát hiện hành vi và không phải bao giờ người không tố cáo trong trường hợp này cũng phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi, như khi phát hiện có người sử dụng bằng cấp giả thì người phát hiện sẽ không bị bắt buộc phải tố cáo hành vi này tới các chủ thể có thẩm quyền.
Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định về “vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ” có ghi nhận:
“3.Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. …
5.Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.”
Theo đó, hành vi sử dụng bằng giả có thể bị phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp xử phạt hành chính, việc tố cáo người sử dụng bằng giả không được đặt ra, người có hành vi không tố cáo không phải chịu trách nhiệm về hành vi này.
Tuy nhiên, hành vi sử dụng bằng giả có thể bị xử lý hình sự theo quy định, cụ thể Điều 341 Bộ luật Hình sự quy định về “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”:
“1.Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a)Có tổ chức;
b)Phạm tội 02 lần trở lên;
c)Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d)Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ)Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e)Tái phạm nguy hiểm.
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a)Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b)Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c)Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
Theo đó, một hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, Tuy nhiên, việc tố cáo người có hành vi vi phạm được đặt ra với người biết về hành vi này do tính chất nguy hiểm của hành vi, cụ thể Điều 19 Bộ luật Hình sự quy định về tội “không tố giác tội phạm” như sau:
“1.Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này. …”
Mà Điều 390 Bộ luật Hình sự quy định:
“1.Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. …”
Tuy nhiên, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự không thuộc phạm vi được quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự. Nên, việc không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự không tạo ra trách nhiệm hình sự cho người có hành vi không tố giác tội phạm.
Về việc xử lý tình huống khi biết có người sử dụng bằng giả. Người phát hiện có người có hành vi sử dụng bằng giả có thể tố cáo hành vi này với cơ quan chức năng, cụ thể việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật được Khoản 1 Điều 19 Luật Tố cáo quy định “việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam khi bạn không tố cáo hành vi sử dụng bằng giả của các cá nhân cho các cơ quan, tổ chức không phải là hành vi vi phạm pháp luật, bạn không phải chịu trách nhiệm gì khi không thực hiện việc tố cáo trên.
Với những tư vấn về câu hỏi Biết người khác dùng bằng giả thì xử lý thế nào, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.