Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Mức cấp dưỡng nuôi con tối thiểu
Pháp luật hiện tại quy định như thế nào về mức cấp dưỡng tối thiểu của bố mẹ khi sống xa và không trực tiếp nuôi con, nếu họ không thực hiện thì có chế tài gì để bắt buộc không, tôi chỉ là bác của cháu, gia đình cũng rất khó khăn và đông con, nên việc chăm sóc các cháu có phần hạn chế mà bố mẹ cháu lại không tự giác.
Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 27 tháng 07 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Mức cấp dưỡng nuôi con tối thiểu
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
3./ Luật sư tư vấn
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ nhằm thể hiện tình yêu thương lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình và thể hiện trách nhiệm của những người thân trong gia đình với nhau khi không còn chung sống với nhau. Nghĩa vụ cấp dưỡng được pháp luật quy định như sau:
Về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con:
Căn cứ Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014, cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Về mức cấp dưỡng:
Căn cứ Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về phương thức cấp dưỡng:
Căn cứ Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng:
Căn cứ Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình 2014, người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó: Người thân thích; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ.
Như vậy, mức cấp dưỡng do thỏa thuận giữa người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận với nhau, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định về mức cấp dưỡng tối thiểu. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp bố mẹ cháu cố tình không thực hiện việc cấp dưỡng thì chị có thể yêu cầu Tòa án buộc người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Với những tư vấn về câu hỏi Mức cấp dưỡng nuôi con tối thiểu, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.