Thỏa thuận bị lừa thì vô hiệu như thế nào

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Thỏa thuận bị lừa thì vô hiệu như thế nào

Tôi và vợ kết hôn cách đây 11 năm, nay do cô ta ngoại tình nên muốn về ly hôn tôi, cô ta còn mưu đồ cướp hết tài sản của tôi nên cố tình dàn dựng ra một số khoản nợ vay người nhà và vô số các vở kịch khác, tôi cũng một lần bị cô ta lừa nên đã ký vào một hợp đồng vay tiền mà cô ta dựng ra, thừa nhận cùng cô ta trả một khoản vay 318 triệu, nay phát hiện việc vay đó không có thật thì tôi còn trách nhiệm phải trả không, luật sư tư vấn giúp tôi để lật lại cô ta được không.


Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 24 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Hợp đồng dân sự vô hiệu do lừa dối

Bộ luật Dân sự năm 2015.

3./ Luật sư tư vấn

Một giao dịch dân sự chỉ bị vô hiệu khi có quyết định của Tòa án, khi giao dịch bị tuyên vô hiệu thì sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên tham gia giao dịch kể từ thời điểm giao kết. Một Hợp đồng vay tiền được xác lập do một bên bị lừa dối thì các bên trong giao dịch dân sự không phải thực hiện các nghĩa vụ ghi trong Hợp đồng đó khi hợp đồng này bị tuyên vô hiệu.

Điều 122 Bộ luật dân sự quy định:

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.

Mà Hợp đồng vay tiền cũng là một loại giao dịch dân sự, do đó, một hợp đồng cũng sẽ vô hiệu khi không đủ các điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự (trừ một số trường hợp pháp luật quy định khác). Mà điểm b Khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự có quy định về điều kiện “chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện” do đó, khi một hợp đồng dân sự được xác lập do lừa dối- tức vi phạm điều kiện “tự nguyện” trên thì hợp đồng đó bị coi là vô hiệu.

Điều 127 Bộ luật Dân sự cũng quy định:

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. …

Theo đó, hành vi lừa dối trong việc xác lập hợp đồng vay tài sản là một trong những yếu tố làm hợp đồng này vô hiệu.

Điều 131 Bộ luật Dân sự quy định về “hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu” như sau;

1.Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2.Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. …

Theo đó, nếu hợp đồng vay tiền bị vô hiệu thì các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận để khôi phục lại tình trạng ban đầu, bên đã ký vay không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ như thỏa thuận trong hợp đồng.

Tuy nhiên, một hợp đồng vay tiền chỉ vô hiệu và dẫn tới hậu quả pháp lý theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự  khi bị Tòa án tuyên vô hiệu theo quy định.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố hợp đồng vay tiền kia là vô hiệu, khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì bạn sẽ không có nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng này.

Với những tư vấn về câu hỏi Thỏa thuận bị lừa thì vô hiệu như thế nào, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191