Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Thủ tục làm bảo trợ xã hội cho người khuyết tật
Chị tôi bị tai nạn giao thông, giờ mất khả năng đi lại, hiện đã ra viện và đang tập phục hồi chức năng, tôi muốn làm hồ sơ để xin cho chị tôi được hưởng trợ cấp xã hội thì phải làm sao, khi tôi ra xã hỏi thì họ bảo phải ít nhất 7-8 tháng từ khi tai nạn thì mới làm được, như vậy họ trả lời có đúng không, hướng dẫn giúp tôi, xin cảm ơn.
Luật sư Tư vấn Luật người khuyết tật – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 12 tháng 07 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Thủ tục làm bảo trợ xã hội cho người khuyết tật
- Luật Người khuyết tật năm 2010
- Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật người khuyết tật
3./ Luật sư tư vấn
Người khuyết tật, thân nhân của người khuyết tật hoặc người có quyền nghĩa vụ liên quan có quyền thực hiện các thủ tục dưới đây để thực hiện trợ cấp xã hội cho người khuyết tật:
Căn cứ Khoản 1 Điều 44 Luật người khuyết tật 2010 và Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
– Người khuyết tật nặng: những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
– Người khuyết tật đặc biệt nặng trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này: là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Do đó, vì chị bạn sau khi bị tai nạn đã không còn khả năng đi lại nên thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội.
Về thủ tục thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho nguời khuyết tật quy định tại Điều 20, 21 Nghị định 28/2012/NĐ-CP như sau:
– Người khuyết tật, thân nhân của người khuyết tật hoặc người có quyền nghĩa vụ liên quan làm hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Nội dung hồ sơ bao gồm:
+ Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
+ Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
+ Bản sao Sổ hộ khẩu;
+ Bản sao Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân;
+ Bản sao Quyết định của cơ sở chăm sóc người khuyết tật về việc chuyển người khuyết tật về gia đình đối với trường hợp đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội;
+ Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con đang nuôi dưới 36 tháng tuổi đối với trường hợp đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
-Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội) tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ đối tượng và niêm yết công khai kết luận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 07 ngày;
Khi hết thời gian niêm yết công khai, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội bổ sung biên bản họp Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội vào hồ sơ của đối tượng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
Trường hợp có khiếu nại, tố cáo của công dân thì trong thời hạn 10 ngày, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể, công khai trước nhân dân và có văn bản kết luận của Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội để bổ sung vào hồ sơ của đối tượng.
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày, nhận đủ hồ sơ đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định hoặc có thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về lý do không được trợ cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc;
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét và ký Quyết định trợ cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
Như vậy, để được hưởng trợ cấp xã hội, người khuyết tật thực hiện xác nhận mức độ khuyết tật tại Hội đồng xác nhận khuyết tật của Ủy ban nhân dân cấp xã. Sau đó có thể đề nghị hưởng trợ cấp xã hội theo thủ tục nêu trên.
Với những tư vấn về câu hỏi Thủ tục làm bảo trợ xã hội cho người khuyết tật, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.