Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Các giấy phép phải có để kinh doanh sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm
Luật sư Tư vấn Luật An toàn thực phẩm – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 29 tháng 08 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Giấy phép để kinh doanh thực phẩm
- Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
- Thông tư 58/2014/TT-BCT quy định cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương.
3./ Luật sư tư vấn
Trên thị trường thực tế thì mỗi loại ngành nghề sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật khác nhau, có những ngành nghề chỉ cần đăng ký doanh nghiệp là chủ thể sẽ được tiến hành kinh doanh nhưng cũng có những ngành nghề khi tiến hành kinh doanh thì ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ra còn cần có thêm các giấy phép con. Cụ thể trong lĩnh vực thực phẩm, doanh nghiệp muốn kinh doanh sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh cần có các loại giấy phép sau:
Căn cứ Mục 52, Mục 57, Mục 172 và Mục 194 Phụ lục 4 Luật Đầu tư thì “kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương”, “Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh”, “Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, “Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế” đều là những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, khi kinh doanh thực phẩm thuộc các Mục này, chủ thể kinh doanh phải đáp ứng được các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Nhưng nhìn chung, các cơ sở kinh doanh thực phẩm đều cần có “Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” bên cạnh việc “đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm quy định về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm như sau:
“1.Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
a)Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;
b)Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”
Điều 38 Luật An toàn thực phẩm quy định:
“1.Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các điều kiện tương ứng quy định tại Chương III của Luật này và các điều kiện sau đây:
a)Phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu;
b)Phải được cấp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
2.Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế theo quy định của Chính phủ. …”
Theo đó, để được nhập khẩu thực phẩm thì chủ thể cần đăng ký bản công bố hợp quy trước khi nhập khẩu và phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” theo quy định. Với việc nhập khẩu thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ thì cần có thêm Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc Giấy chứng nhận y tế theo quy định.
Ngoài ra, trước khi đăng ký quảng cáo thì tổ chức, cá nhân có thực phẩm phải gửi hồ sơ tới cơ quan quản lý nhà nước để xác nhận nội dung quảng cáo.
Như vậy, đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm thì ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định cần phải có thêm Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nếu công ty của người thân bạn kinh doanh thêm các mặt hàng khác thì cần có các giấy phép khác như kinh doanh rượu thì cần giấy phép bán buôn rượu, giấy phép bán lẻ rượu theo quy định.
Với những tư vấn về câu hỏi Các giấy phép phải có để kinh doanh sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.