Câu hỏi của khách hàng: Cho phép lấy hàng trên xe gây tai nạn đang điều tra đúng hay sai
Xin phép luật sư cho em hỏi với ạ. Nhà em bị xe công đâm vào lúc nửa đêm, khi trong nhà có 5 người đang ngủ, ai cũng hồn bay phách lạc do tiếng va chạm rất lớn, gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, đồ đạc. Công an đã xuống lập biên bản và thu giữ xe hàng, họ yêu cầu 2 bên thỏa thuận, nhưng do bên nhà xe đền bù quá thấp nên em không đồng ý. Trong khi đó công an đã cho nhà xe lấy hàng trên xe của họ đi rồi. Em muốn hỏi là công an làm như vậy có đúng không? Và công an bảo là vụ án không đủ lớn để tố tụng hình sự là có chính xác không ạ? Em đang rất mất niềm tin vào công an, nhờ luật sư tư vấn giúp ạ. Em xin chân thành cảm ơn
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 11/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
- Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
3./ Luật sư trả lời Cho phép lấy hàng trên xe gây tai nạn đang điều tra đúng hay sai
Phương tiện giao thông vận tải cơ giới là các loại xe chạy bằng động cơ, có tốc độ và khả năng vận chuyển khối lượng lớn con người, tài sản được con người điều khiển. Công ten-nơ là phương tiện giao thông vận tải cơ giới có khối lượng trọng tải lớn, chuyên dùng để chở hàng, độ nguy hiểm cao. Theo thông tin bạn đưa ra thì nhà bạn bị xe công ten-nơ đâm vào lúc nửa đêm, khi trong nhà có 5 người đang ngủ, gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, đồ đạc. Công an đã xuống lập biên bản và thu giữ xe hàng, họ yêu cầu 2 bên thỏa thuận, nhưng do bên nhà xe đền bù quá thấp nên gia đình bạn không đồng ý. Trong trường hợp này bạn có thể:
-Thỏa thuận lại với bên gây thiệt hại về việc bồi thường thiệt hại mà họ đã gây ra. Căn cứ Điều 601 Bộ luật dân sự:
“Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1.Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2.Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3.Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a)Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b)Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. …”
Theo đó, người lái xe (hoặc chủ xe, người thuê người lái xe) điều khiển xe đâm vào nhà bạn, gây thiệt hại sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại họ gây ra cho gia đình bạn, trừ trường hợp hành vi của họ là do sự kiện bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.
Sự kiện bất khả kháng ở đây được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Tình thế cấp thiết được hiểu là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
Vậy nên, bên gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường toàn bộ, kịp thời thiệt hại mà người này đã gây ra hoặc phải chịu trách nhiệm. Bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có quyền thỏa thuận với nhau về mức bồi thường.
-Khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết. Nếu gia đình bạn thấy mức bồi thường không hợp lý so với thiệt hại thực tế xảy ra, bạn có thể không chấp nhận mức bồi thường đó và thực hiện việc khởi kiện tới tòa án có thẩm quyền giải quyết (nơi có thiệt hại xảy ra,…). Theo quy định tại Khoản 6 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự thì “tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
-Tố cáo người gây thiệt hại về hành vi gây thiệt hại. Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể có hành vi trên thì phải xác định được mặt chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể. Trong trường hợp này, cần xác định người lái xe đâm vào nhà bạn có phải cố ý hay không.
Như khi người này cố ý đâm vào nhà bạn với động cơ trả thù hoặc với mục đích khác thì chỉ cần thiệt hại xảy ra trên 2.000.000 đồng, bạn có thể tố cáo hành vi này ra chủ thể có thẩm quyền về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự:
“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1.Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng … thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: …
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: …
b)Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; …
3.Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4.Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. …”
Nếu thiệt hại này xảy ra với lỗi vô ý mà giá trị thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì bạn cũng có thể tố cáo người gây thiệt hại về hành vi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo quy định tại Điều 180 Bộ luật hình sự:
“Điều 180. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản
1.Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2.Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Như vậy, với những gì bạn đưa ra thì không thể nhận định hành vi của phía công an là đúng hay sai. Tùy vào tính chất và mức độ hành vi, lỗi của người lái xe để xác định việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại của lái xe. Đối với mức bồi thường thiệt hại, nếu bạn không đồng ý mức bồi thường mà bên gây thiệt hại đưa ra thì bạn có thể khởi kiện tới Tòa yêu cầu giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.