Chủ nhà trọ tự ý phá cửa vào phòng đã cho thuê đúng hay sai

Câu hỏi của khách hàng: Chủ nhà trọ tự ý phá cửa vào phòng đã cho thuê đúng hay sai

Cần sự giúp đỡ về luật cho thuê phòng.

Xin trình bày đến mọi người như sau, mình gặp vấn đề như vầy :

Mình có thuê 1 phòng riêng biệt trong 1 nhà nguyên căn.

Theo hợp đồng (Ký tay, không có công chứng ) là tiền nhà 3,5 triệu, đặt cọc 3,5 triệu là 7 triệu. Tiền điện 3k/ký.

Nước, gửi xe, cáp, mạng, wifi = 150k / tháng.

Mình ở được 2 tháng thì không thuê nữa, vì chuyển chỗ mới, mình có báo với chủ nhà và nói là để cho người khác (Bạn mình hoặc mình kiếm ai đó để sang lại) được chủ nhà đồng ý.

Sau 15 ngày mình bỏ phòng trống thì có 1 người bạn đồng ý thuê lại. Và trong ngày mình cho người bạn xem phòng thì bạn mình có tắt Modem WIFI (để ở trong phòng mình) ra và khóa cửa lại đi về. Mình thật sự không để ý.

Chừng chiều hôm đó chủ nhà có nhắn tin đến số điện thoại của mình với nội dung: Nhắn mình về phòng để mở cửa cho họ sửa WIFI (Vì lúc này bạn mình rút modem ra rồi, nó không biết rằng Modem đó xài chung nguyên căn nhà).

Do có việc bận bịu và cũng ít check tin nhắn thường xuyên nên mình không để ý đến tin nhắn của mình.

Đến sáng hôm nay tức tầm 2 ngày kể từ thời điểm chủ nhà nhắn tin thì mình mới đọc được. Và chạy qua bạn mình để mượn chìa khóa phòng để mở cửa.

Thì phát hiện ra cửa phòng mình phá ra. (Chủ nhà thừa nhận là họ kêu người vào phá cửa với lý do sửa WIFI, mình cũng có người làm chứng là thợ sửa khóa gần đó có xác nhận là chủ nhà có kêu họ qua phá cửa phòng giùm, nhưng họ không phá được nên chủ nhà kêu nơi khác hay làm cách nào đó mình không rõ)

Lúc này thì bạn mình đổi ý không dám thuê nữa vì thấy sự việc như vậy.

Mình cũng thương lượng với chủ nhà là trả tiền cọc lại cho mình, mình cũng không dám dẫn ai lại thuê nữa.

Họ không chịu và nếu mình bỏ ngang sẽ bị mất cọc.

Mình có gọi điện cho công an phường, công an phường cử người xuống làm việc thì xử lý bằng cách : Yêu cầu chủ nhà dời MODEM WIFI ra khỏi phòng mình còn vấn đề tiền cọc hay hợp đồng thuê nhà gì đó công an không giải quyết được.

Hiện tại, cửa phòng mình bị hư, không khóa được nữa.

Và mình muốn hỏi ở trường hợp này mình đúng hay sai . Nếu đúng thì mình có thể khởi kiện hay làm cách nào để giải quyết vấn đề. Còn nếu mình sai thì mình chấp nhận mất cọc.

Cám ơn mọi người đã đọc.

Mình cam đoan những lời trên là hoàn toàn đúng sự thật.


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 17/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý tiền đặt cọc khi một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ được bảo đảm

  • Luật nhà ở năm 2014
  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Hiến Pháp năm 2013

3./ Luật sư trả lời Chủ nhà trọ tự ý phá cửa vào phòng đã cho thuê đúng hay sai

Bạn thuê nhà nhưng sau đó muốn chuyển đi đã thỏa thuận với chủ nhà nhượng lại phòng cho người khác và được sự đồng ý. Trong quá trình tìm người thuê lại phòng bạn đã chuyển đi nhưng vẫn đang trong thời hạn thuê, tức phòng đó vẫn thuộc quyền sử dụng của bạn. Tuy nhiên, chủ nhà đã tự ý phá khóa, mở cửa phòng bạn với lý do sửa Wifi.

Căn cứ Điều 22 Hiến Pháp quy định như sau:

“1.Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2.Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3.Việc khám xét chỗ ở do luật định.”

Căn cứ Khoản 2 Điều 122 Luật nhà ở:

Điều 122. Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở

… 2.Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng. …

Theo đó, hợp đồng thuê nhà của bạn, pháp luật không yêu cầu công chứng, chứng thực. Hợp đồng này có hiệu lực từ thời điểm hai bên ký kết hợp đồng.

Do đó, việc chủ nhà tự ý xâm phạm chỗ ở của người khác là trái quy định pháp luật. Và tùy vào mức độ hành vi người chủ nhà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi xâm phạm chỗ ở người khác. Căn cứ Điều 158 Bộ luật hình sự:

“Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

… d)Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.”

Theo đó, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình bạn có thể tố cáo với công an về hành vi của chủ nhà. Từ hành vi của chủ nhà dẫn tới việc người mới không dám tới thuê phòng, khiến bạn không thể làm thủ tục nhượng phòng theo như thỏa thuận trước đó. Bạn có quyền yêu cầu chủ nhà trả lại tiền cọc do lỗi của bên cho thuê.

Đặt cọc được hiểu là việc một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Đây là một biện pháp bảo đảm.

Nếu bạn không thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm như đã cam kết thì bên kia có quyền nhận số tiền đặt cọc đó như một khoản tiền bồi thường do vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, nếu bạn chứng minh được rằng, việc vi phạm của bạn là do lỗi của phía bên kia thì bạn sẽ được nhận lại số tiền cọc trên kèm theo khoản tiền tương ứng với số tiền bạn đã đặt cọc.

Tóm lại, trong trường hợp của bạn, nếu bạn chứng minh được lỗi khiến cho bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng sau hai tháng thuê là lỗi của bên cho thuê thì bạn có quyền yêu cầu bên cho thuê trả lại tiền cọc cho bạn. Ngược lại, bên kia có quyền nhận số tiền cọc đó.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191