Câu hỏi của khách hàng: Cơ quan nào phụ trách đảm bảo vệ sinh trong khu dân cư
Cho em hỏi vấn đề về vệ sinh môi trường với ạ. Khu nhà em đang sống ban đầu chỉ 1 nhà nuôi gà nhưng giờ là rất nhiều, đã vậy còn thả rông và đi vệ sinh tự do, nhưng mà để tới trưa thì chỉ có 1 nhà ra quét dọn do nhà đó bán hủ tíu và cũng có nuôi gà,đã vậy còn nhiều tiếng ồn vào buổi trưa. Còn nữa là do nuôi gà nên họ nuôi thêm rất nhiều chó để trông nhà nhưng lại thả rông, không biết có chăm sóc không mà toàn đi bới rác kiếm đồ ăn cũng như đi vệ sinh tự do và đặc biệt hầu như là tập trung ngay khu trước nhà em. Nên cho em hỏi là giờ em cần gọi cho bộ phận nào xuống kiểm tra là tốt nhất ạ? Ủy ban của khu vực em thì cũng có nói nhưng hầu như không có tác dụng. Mỗi lần mở cửa nhìn trước cửa nhà là hết muốn ra ngoài đường (em ở khu vực Hóc Môn ạ) mọi người cho em xin ý kiến về vấn đề này với ạ, em cám ơn rất nhiều ạ.
Luật sư Tư vấn Luật Bảo vệ môi trường – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 15/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Vệ sinh trong khu dân cư
- Luật bảo vệ môi trường năm 2014
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình,
3./ Luật sư trả lời Cơ quan nào phụ trách đảm bảo vệ sinh trong khu dân cư
Ở khu bạn ở, các hộ gia đình nuôi gà thả rông, để gà phóng uế gây ô nhiễm môi trường, buổi trưa gà kêu gây ồn ào. Ngoài ra, còn thả chó để nó bới rác làm mất vệ sinh ảnh hưởng tới gia đình bạn, môi trường xung quanh.
Căn cứ Khoản 6 Điều 82 Luật bảo vệ môi trường quy định về “Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình” thì:
“… 6.Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn.”
Theo đó, các hộ gia đình khi nuôi gà, nuôi chó phải có những công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm để bảo đảm vệ sinh, an toàn. Khi hộ gia đình có các hành vi nuôi gia súc, gia cầm mà không thực hiện việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi, các chủ thể đó sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm về giữ gìn vệ sinh chung:
“Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung
1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: …
d)Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng; …
e)Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.
3.Biện pháp khắc phục hậu quả:
a)Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại Điểm b, c, d, đ, e Khoản 1 và Điểm b, d Khoản 2 Điều này; …”
Theo đó, hành vi của những hộ gia đình có nuôi gà, nuôi chó mà không thực hiện đúng các quy định trên là hành vi vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tùy vào hành vi cụ thể trong trường hợp bạn đưa ra, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Trường hợp đặc biệt, vi phạm cả điểm d và điểm e Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì chủ thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng. Ngoài ra người vi phạm còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Căn cứ Điều 66 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“Điều 66.Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân
1.Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:
a)Phạt cảnh cáo;
b)Phạt tiền … đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; …
2.Trạm trưởng, Đội trưởng, Thủy đội trưởng Cảnh sát đường thủy của người được quy định tại Khoản 1 Điều này có quyền:
a)Phạt cảnh cáo;
b)Phạt tiền đến … 1.200.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; …”
Căn cứ Điều 67 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“Điều 67.Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1.Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a)Phạt cảnh cáo;
b)Phạt tiền đến … 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; …”
Theo đó, khi hàng xóm của bạn có hành vi chăn nuôi gia cầm (gà), gia súc gây mất vệ sinh trong khu dân cư gây ảnh hưởng tới gia đình bạn và những hộ xung quanh thì bạn có thể tố cáo hành vi này tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để yêu cầu xử lý.
Trường hợp gia đình bạn ở đô thị hoặc khu vực đông dân cư thì các chủ nuôi chó phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Chủ nuôi chó phải xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. Và hành vi để chó gây mất vệ sinh thì chủ chó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, nếu bạn có những căn cứ và có thể chứng minh được những thiệt hại do nhà hàng xóm xây nhà vệ sinh không đảm bảo và ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình bạn thì bạn có thể khởi kiện gia đình đó ra Tòa án nhân dân cấp huyện. Trong đơn bạn cần nêu rõ lý do khởi kiện, mức bồi thường và kèm theo các chứng cứ chứng minh gia đình hàng xóm gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến gia đình bạn. Trên cơ sở xem xét đơn thì Tòa án sẽ ra quyết định cụ thể.
Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cũng như sức khỏe của gia đình bạn, bạn nên làm đơn tường trình gửi tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để yêu cầu giải quyết. Việc yêu cầu cũng có thể làm đơn tập thể nếu như những hộ xung quanh cũng có chung ý kiến như gia đình của bạn.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.