Doanh nghiệp tự ý xâm phạm đất sở hữu cá nhân xử lý thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Doanh nghiệp tự ý xâm phạm đất sở hữu cá nhân xử lý thế nào

Mong các luật sư tư vấn giúp em với ạ.

Nhà em có 1 bãi không trồng gì tầm 2 năm nay nhưng vẫn có trong bìa đỏ, có 1 doanh nghiệp đến hỏi mua đất nền( đất mặt) để làm đường nhưng gia đình em không bán bỗng 1 hôm đẹp trời doanh nghiệp đó cho máy xúc vào múc đất nhà em và cho ô tô chở đi. Khi gia đình em biết thì số đất chở đi đã khá nhiều tính ra tiền mặt khoảng 3 triệu. Em đã liên hệ cho doanh nghiệp đó nhưng bên họ không nhận là múc đất mà chỉ bảo là thử máy xúc thôi. Nhưng thử gì mà nhiều vậy,em đã liên hệ bên phường và họ bảo để cho 2 bên giải quyết tình cảm, tầm 1 tháng sau họ vẫn không có câu trả lời nào với gia đình nhà em mà lại cho máy vào xúc tiếp khi em gọi điện cho bên doanh nghiệp thì họ tỏ ra là người có tiền muốn làm gì cũng được họ bảo tý đất là gì đợi họ làm xong dự án xong về họ khác san trả. Và nhiều câu nói rất khiếm nhã không coi ai ra gì. Em tức quá đã làm đơn ra công an nhưng họ cũng chưa gặp trường hợp này bao giờ chưa biết giải quyết thế nào, 1 phần là họ nể doanh nghiệp kia vì có tiếng tăm. Vậy xin mọi người cho em lời tư vấn để giải quyết trường hợp trên.


Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 09/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật

  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Luật đất đai năm 2013

3./ Luật sư trả lời Doanh nghiệp tự ý xâm phạm đất sở hữu cá nhân xử lý thế nào

Đất nền được hiểu là những lô đất vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu mà chưa có bất kì một tác động nào của con người như san lấp, đào, múc,… Khi có chủ thể tự ý lấy phần đất nền này, chủ sở hữu quyền sử dụng mảnh đất có thể yêu cầu chủ thể có hành vi bồi thường thiệt hại.

Với những tình tiết bạn đưa ra, nhà bạn có 1 bãi đất không trồng gì tầm 2 năm, hiện đang thuộc quyền sở hữu của nhà bạn, có bìa đỏ. Nay có một doanh nghiệp đã cho ô tô tới xúc phần đất nền nhà bạn và dùng ô tô chở đi khi không được sự cho phép của gia đình bạn, tính thiệt hại đã khoảng 3 triệu.

Căn cứ Điều 159 Bộ luật dân sự quy định về Quyền khác đối với tài sản:

“1.Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

2.Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

a)Quyền đối với bất động sản liền kề;

b)Quyền hưởng dụng;

c)Quyền bề mặt.”

Căn cứ Điều 164 Bộ luật dân sự quy định về Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản:

“1.Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

2.Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Và theo Điều 170 Bộ luật dân sự thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.

Mà mảnh đất đó thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn nên gia đình bạn có quyền sử dụng, định đoạt, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ mảnh đất đó theo quy định của pháp luật. Việc doanh nghiệp đến mua đất nền nhưng gia đình bạn không bán là hoàn toàn đúng quy định, và khi đó doanh nghiệp không có quyền khai thác phần đất mặt đó.

Tuy nhiên, mặc dù không mua được quyền khai thác đất mặt, doanh nghiệp lại tự ý khai thác (múc đất) khi không có sự đồng ý của gia đình bạn nên hành vi của họ đang xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình bạn. Gia đình bạn có quyền yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại từ việc xúc đất đó, nếu doanh nghiệp không bồi thường thì bạn làm đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân nơi có mảnh đất tiến hành hòa giải, có biện pháp ngăn chặn việc khai thác trái pháp luật của doanh nghiệp. Nếu không hòa giải được, gia đình bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu doanh nghiệp này bồi thường thiệt hại.

Tóm lại, trong trường hợp của bạn, nếu chỉ với những chi tiết trên thì cơ quan công an không có quyền giải quyết tranh chấp này, bạn nên thử thương lượng với doanh nghiệp trên về vấn đề bồi thường thiệt hại, nếu không thương lượng được bạn cần yêu cầu Ủy ban nhân dân xã tiến hành hòa giải, nếu vẫn không hòa giải được thì bạn nên khởi kiện về hành vi này của doanh nghiệp ra Tòa án để yêu cầu bồi thường.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191