Đòi quyền lợi khi đang bầu mà chưa đăng ký kết hôn

Câu hỏi của khách hàng: Đòi quyền lợi khi đang bầu mà chưa đăng ký kết hôn

Em năm nay 18 tuổi. Giấy tờ chính xác thì 20/10 này em mới tròn 18 tuổi.
Em có 2 bé sinh đôi 9 tháng, 1 bé đang bầu 2 tháng, em sống không đăng kí với 1 người. Bây giờ tụi em không sống chung được nữa, họ muốn kiện em ra tòa và chia đôi con .
Em xin hỏi họ có kiện em được không? Giấy khai sinh bé chưa làm vì tụi em chưa đăng ký kết hôn ?
Em có quyền kiện ngược lại để đòi quyền lợi không ạ?
Em cảm ơn


Luật sư Tư vấn Luật Hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 10/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Hậu quả về việc sống chung như vợ chồng

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

3./ Luật sư trả lời Đòi quyền lợi khi đang bầu và chưa đăng ký kết hôn

Chung sống như vợ chồng được hiểu là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Trong trường hợp hai bên nam, nữ có hành vi chung sống như vợ chồng khi bên nữ chưa đủ tuổi và có con dưới 36 tháng tuổi thì khi có tranh chấp về người trực tiếp nuôi con, việc giải quyết được căn cứ vào các quy định sau:

Căn cứ Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình:

Điều 9. Đăng ký kết hôn

1.Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý. …

Mà trong trường hợp của bạn, hiện nay bạn chưa đủ 18 tuổi, do đó, bạn chưa đáp ứng được điều kiện kết hôn được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình. Nói cách khác, giữa bạn và người kia chưa hề tồn tại quan hệ hôn nhân đến hiện tại.

Khi hai bên nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì quyền, nghĩa vụ của cả hai bên với con là như nhau và được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình.

Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, cả 3 người con đều chưa đủ 36 tháng tuổi nên căn cứ vào Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

3.Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo đó, mặc dù bên kia có yêu cầu Tòa án quyết định việc chia con chung thì Tòa cũng sẽ quyết định bạn là người trực tiếp nuôi con trừ trường hợp bên kia chứng minh được quyền lợi của con bạn sẽ bị ảnh hưởng nếu chung sống với bạn.

Còn về việc khởi kiện, trong trường hợp này, nếu bạn không có hành vi ngăn cản việc thực hiện nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn sẽ không bị coi là có hành vi vi phạm pháp luật, khi đó, việc khởi kiện là không có căn cứ.

Ngoài ra, do bạn chưa đăng ký kết hôn cho người kia, cũng chưa làm giấy khai sinh cho con của mình nên bên kia nếu muốn có quyền trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con thì người này phải có các tài liệu chứng minh quan hệ huyết thống và thực hiện thủ tục nhận con theo quy định để được công nhận các quyền trên theo quy định.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, do hai bên chưa có hành vi vi phạm pháp luật, không có đăng ký kết hôn nên việc khởi kiện của bên kia là không có căn cứ. Còn về việc yêu cầu Tòa án giải quyết về người trực tiếp nuôi con, nếu bên kia không chứng minh được con ở với bạn sẽ gây những hậu quả xấu tới việc phát triển của con bạn thì Tòa án sẽ quyết định cho bạn nuôi con.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191