Câu hỏi của khách hàng: Giả danh người khác để làm đơn tranh chấp có phạm pháp
Mọi người cho em hỏi với ạ. Có người giả danh mẹ em để làm đơn tranh chấp. Cái đơn này còn có cả chữ kí xác nhận của trưởng xóm. Trong khi đó mẹ em không hề biết gì về sự có mặt của tờ đơn này ạ.
Nay trên cấp huyện gọi mẹ em mới biết.
Vậy em xin hỏi hành vi của người kia và trưởng xóm có phạm pháp không nếu có thì em phải làm sao ạ.
Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 12/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý người có hành vi mạo danh
Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
3./ Luật sư trả lời Giả danh người khác để làm đơn tranh chấp có phạm pháp
Theo thông tin bạn cung cấp, có người giả danh mẹ bạn để làm đơn tranh chấp có chữ ký xác nhận của trưởng thôn. Hành vi của người đã “giả danh mẹ bạn” là hành vi vi phạm pháp luật. Mẹ bạn có thể:
-Khởi tố về hành vi của người này về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản/ trộm cắp tài sản. Nếu hành vi mạo danh mẹ bạn để làm đơn là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và tài sản chiếm đoạt trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ Điều 174 Bộ luật hình sự quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1.Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: …”
Trong trường hợp người này giả mạo là để có thể trộm cắp được tài sản của người khác. Hành vi của họ sẽ bị truy cứu về tội trộm cắp tài sản khi thỏa mãn các dấu hiệu được Bộ luật hình sự quy định. Căn cứ Điều 173 Bộ luật hình sự:
“Điều 173.Tội trộm cắp tài sản
1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: …”
-Trong trường hợp người đó mạo danh mẹ bạn vì mục đích khác không thỏa mãn các dấu hiệu được quy định trên hoặc không gây phương hại đến mẹ bạn thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi ký xác nhận của bác trưởng thôn thì cần xem xét bác có nhận thức được (hoặc buộc nhận thức được) người đó đang thực hiện hành vi trái pháp luật không. Nếu bác không biết, không buộc phải biết về việc văn bản này được xác lập không đúng quy định, chữ ký là giả mạo nhằm mục đích nhất định thì việc bác ký xác nhận vào đơn là không vi phạm pháp luật. Ngược lại khi có nghi ngờ, trưởng thôn phải thực hiện việc xác minh, nếu không xác minh, hành vi này bị coi là hành vi thiếu trách nhiệm.
Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, việc xử lý hành vi của những người đã ký, xác nhận vào đơn còn tùy thuộc vào mục đích, và mức độ nghiêm trọng của hành vi cũng như nhận thức về sự việc của những người này. Nếu, mục đích giả mạo là nhằm chiếm đoạt tài sản (trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên) thì hành vi giả mạo có thể bị truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.