Câu hỏi của khách hàng: Hợp tác làm ăn nếu 1 bên bất ngờ rút vốn thì xử lý thế nào
Mong mọi người giải đáp tranh chấp này gấp giúp em, em xin hậu tạ ạ
Đầu năm 2018 em có cùng 1 người em gái cách 4 đời hợp tác mở một spa thiên nhiên chăm sóc tóc. Tỉ lệ vốn góp ban đầu tổng là 385 triệu, trong đó em góp 300 triệu và cô kia 85 triệu, đăng ký hộ kinh doanh cá thể đứng tên em với số vốn điều lệ đăng ký 385 triệu.
Trong quá trình làm việc cô ta có cho em ký 1 bản cam kết nêu rõ số vốn góp của 2 người, em góp 77,3% cô ta 22,7%, vì cô ta là người trong gia đình, cũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực làm đẹp hơn em, nên em chấp nhận chia đôi lợi nhuận với cô ấy, đối với nhân viên quyền hạn 2 người như nhau, và có quy định việc chính của cô ấy là quản lý nhân sự, sản phẩm, dịch vụ cũng như kiêm luôn việc ghi chép sổ sách, việc của em là tổng quát và marketing. Khi có bất cứ chi phí và việc gì ở spa phải thông qua người còn lại, nếu chưa thì không được thực hiện và sẽ vi phạm (Hợp đồng do cô kia soạn, chỉ có 1 bản cô ấy đang giữ, 2 người ký, không công chứng và không có người thứ 3 làm chứng).
Cô này khi làm việc thì thất thường, suốt gần nửa năm làm việc không trình đầy đủ sổ ghi chép chi tiết kế toán cho em, nhập hàng gì, chi tiêu bao nhiêu em cũng không rõ, đến cuối tháng chỉ gửi 1 file sơ sài thông báo đã xài bao nhiêu, tháng đấy lãi hay lỗ; thường xuyên tự quyết đuổi việc nhân viên, nhập hàng hóa mới bày bán mà không thông qua em. Đỉnh điểm là khi spa bắt đầu có lợi nhuận 62 triệu, cô này chưa thông báo mà tự ý rút 31 triệu mà chưa thông qua em, sau khi cầm tiền về mới nói rằng đây là tiền lời cô ấy có quyền lấy.
Thấy làm việc không ổn em đã quyết định họp với cô ấy và yêu cầu cô ấy không quản lý trực tiếp tại spa mà quản lý tại nhà (như em trước đó), em sẽ quản lý trực tiếp. Cô ấy tuyên bố không đồng ý và rút vốn, tự động gom hết tiền doanh thu nửa tháng này, gom hết sổ sách kế toán khỏi spa.
Xin hỏi trong trường hợp này em có vẫn được giữ quyền quyết định cách chức cô ấy tại spa và có quyền yêu cầu cô này hoàn trả sổ sách cũng như tiền mặt doanh thu không? Và nếu cho cô ấy rút vốn thì em phải đưa cô ấy bao nhiêu tiền? Xin cảm ơn rất nhiều
Luật sư Tư vấn Luật doanh nghiệp – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 17/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thành viên hộ kinh doanh có được rút vốn
- Luật doanh nghiệp năm 2014
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
3./ Luật sư trả lời Hợp tác làm ăn nếu 1 bên bất ngờ rút vốn thì xử lý thế nào
Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập. Bạn có giao kết hợp đồng góp vốn kinh doanh Spa thiên nhiên chăm sóc tóc với tỷ lệ góp vốn ban đầu là 385 triệu đồng, bạn góp 300 triệu đồng (77,3%), cô kia 85 triệu đồng (22,7%) với loại hình đăng ký là hộ kinh doanh cá thể do bạn đứng tên với số vốn điều lệ 385 triệu. Khi không tiếp tục hợp tác với nhau thì các bên có thể dựa vào các căn cứ sau để giải quyết:
Trong trường hợp bạn đưa ra, hợp đồng quy định rõ, cô đó chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhân sự, sản phẩm, dịch vụ, kiêm việc ghi chép sổ sách còn bạn là chủ hộ kinh doanh, rà soát tổng kết, maketing. Hai người có quyền hạn như nhau, chia đôi lợi nhuận. Khi quyết định việc gì và các chi phí cho Spa phải được sự đồng ý của người còn lại.
Nên việc cô kia làm việc thất thường, ghi chép sổ sách kế toán không rõ ràng, có sai phạm, chi tiêu không hợp lý, không có sự đồng ý của bạn, nhập hàng không thông qua ý kiến của bạn. Tự ý rút tiền của Spa (31 triệu đồng) mà không có giấy thu chi, biên nhận là không được phép. Đây là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Theo đó, bạn có thể tố cáo với cơ quan điều tra về hành vi vi phạm của cô đó.
Cụ thể, cô đó đã lạm dụng việc mình là kế toán, người đồng góp vốn, quản lý để lấy tài sản của Spa khi không được sự đồng ý của bạn (một trong những chủ sở hữu Spa) và đã chiếm đoạt 31 triệu đồng. Việc cô đó lấy lý do đây tiền lãi của Spa và quyền lấy hay không là của họ là hoàn toàn sai, vì khi chưa quyết định chia lợi nhuận của tháng, quý,… thì đây vẫn là tài sản của công ty, việc phân chia lợi nhuận sẽ được hạch toán vào hàng tháng/ quý theo thỏa thuận. Hành vi của cô đó đã đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự quy định về “Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”:
“1.Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng … thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm: …”
Theo đó, bạn có quyền yêu cầu cơ quan điều tra truy tố về hành vi trên và yêu cầu cô đó trả lại tiền đã chiếm giữ của Spa, sổ kế toán, các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản.
Còn việc cô đó muốn rút vốn thì phải tổ chức họp, lập biên bản về việc rút vốn khỏi Spa, được sự đồng ý của các bên và số tiền rút vốn được tính theo tỷ lệ phần trăm vốn góp và lợi nhuận được chia cho tới thời điểm đó theo hợp đồng góp vốn (tính vào thời điểm hiện tại).
Tuy nhiên, do bạn đăng ký kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh nên khi cô đó rút vốn góp, hộ kinh doanh sẽ có sự thay đổi về chủ sở hữu (người góp vốn) nên bạn cần làm thủ tục đăng ký thay đổi theo quy định tại Điều 75 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Tóm lại, với những chi tiết bạn đưa ra, bạn hoàn toàn có thể chấm dứt việc cùng kinh doanh với cô đó, yêu cầu cô đó giao trả lại số tiền mà họ đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp cùng các sổ sách, giấy tờ liên quan đến hoạt động của hộ kinh doanh.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.