Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Làm giấy khai sinh cho con 4 tuổi để đi học
Cho tôi hỏi sự việc như sau:
Trẻ bây giờ đã 4 tuổi, chưa làm giấy khai sinh. Mẹ cháu trước đây kết hôn với người khác, chưa ly hôn, chưa cắt khẩu trên nhà chồng cũ, nay đã bỏ đi. Cháu hiện đang ở với bố. Sắp đến tuổi đi học thì phải làm gì để làm giấy khai sinh cho cháu. Hay không cần giấy khai sinh thì có nhập học cho cháu được không. Cháu vẫn còn giấy chứng sinh từ khi sinh ra. Nếu làm giấy khai sinh có cần mẹ cháu phải đi làm không
Luật sư Tư vấn Luật Hộ tịch – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 05 tháng 09 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Làm giấy khai sinh cho con khi con đã 4 tuổi
- Luật Hộ tịch năm 2014
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hộ tịch
- Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP
3./ Luật sư tư vấn
Một trong những quyền mà khi sinh ra đã có chính là quyền được khai sinh. Giấy khai sinh tuy chỉ là một văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân nhưng giá trị của nó thì không hề nhỏ. Nội dung trong Giấy khai sinh còn là cơ sở, là căn cứ để nhận định các thông tin cá nhân của một người. Mặc dù có giấy chứng sinh nhưng khi nhập học, bản sao Giấy Khai sinh được coi là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có, nên để được đi học ở một trường mẫu giáo, đứa trẻ buộc phải có Giấy khai sinh theo quy định để có thể nộp Bản sao Giấy Khai sinh vào hồ sơ nhập học.
Trên thực tế, tại các cơ sở giáo dục thường yêu cầu có bản sao giấy khai sinh để lưu vào hồ sơ học sinh. Việc không có giấy khai sinh trong bộ hồ sơ đăng ký học tại cơ sở giao dục khiến hồ sơ trở thành hồ sơ thiếu, không đầy đủ và có thể dẫn tới cơ sở giáo dục từ chối hồ sơ không nhận học sinh.
Hơn nữa, việc khai sinh cho con là nghĩa vụ của cha, mẹ. Theo Khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh:
“1.Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.”
Theo đó, khi trẻ được sinh ra, cha hoặc mẹ của đứa trẻ phải đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký khai sinh cho con. Trong trường hợp của bạn thì con của bạn sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa vợ bạn với người chồng trước nên về mặt pháp luật đây là con chung của vợ bạn và chồng cũ của cô ấy theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. …”
Do vậy, về mặt pháp luật thì bạn không thuộc đối tượng đi đăng ký khai sinh cho con mình. Để đăng ký khai sinh cho con thì bạn cần làm thủ tục nhận con theo quy định. Theo đó, để đứa trẻ theo họ của bạn thì bạn làm đơn xin Tòa án xác nhận bạn là cha của đứa trẻ, với chứng cứ kèm theo chứng minh quan hệ này (có thể là giấy xét nghiệm ADN chứng minh quan hệ huyết thống của bạn và con bạn).
Khi có quyết định của Tòa án xác nhận bạn là cha của đứa trẻ thì bạn có thể đứng tên cha và làm giấy khai sinh cho con bạn. Tuy nhiên trường hợp hai người chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, có con nhưng nay vợ bỏ đi thì bạn phải làm thủ đăng ký nhận con không cần đến sự có mặt của vợ, kết hợp với đăng ký khai sinh, căn cứ theo Khoản 1 Điều 13 Thông tư 15/2015/TT-BTP:
“1.Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn, để cháu bé được nhập học thì bạn cần làm giấy khai sinh cho cháu. Để đăng ký khai sinh cũng như đứng tên cha trong giấy khai sinh của cháu thì bạn cần có quyết định của Tòa án xác định bạn là cha của đứa trẻ và làm thủ tục nhận con theo thủ tục mà pháp luật quy định.
Với những tư vấn về câu hỏi Làm giấy khai sinh cho con 4 tuổi để đi học, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.