Lừa tình cảm lừa tiền rồi đánh đập thì kiện thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Lừa tình cảm lừa tiền rồi đánh đập thì kiện thế nào

Mong các luật sư tư vấn giúp em với ạ.

Em với họ ở với nhau không đăng ký kết hôn. Đợt tháng 4/2018 họ năn nỉ mượn 40 triệu của chị em, không có kí giấy mượn gì hết vì nghĩ giúp họ thì họ cũng nuôi em nuôi cháu của mình. Và cách đây 1 tháng họ bảo em cầm xe 15 triệu cho họ mượn xoay sở làm ăn. Em là người kí giấy cầm. 1 tuần trước họ kêu em đưa giấy cho họ đi chuộc xe về nhưng họ không chuộc mà đi cầm thêm thành 22 triệu. Tiệm cầm viết bút bi đè lên biên lai cầm.

Giờ em hỏi xe em đâu thì họ không chuộc còn chửi và đánh em. Họ nhận là họ lừa em để lấy 40 triệu tiền mượn của chị em và lấy xe em. Họ còn thách thức em đi kiện vì không giấy tờ nào chứng minh họ mượn 40 triệu và giấy cầm là em kí. Giờ là giựt ngang luôn đó ạ.

Ngoài ra em và họ có 1 con chung 2 tuổi rưỡi. Giấy khai sinh con họ mẹ – nhập khẩu mẹ – không có tên cha. Giờ họ đòi bắt con và đuổi em đi. Hâm dọa giết cả nhà em và thách bất cứ ai có thể mang bé đi ra khỏi nhà họ được.

2 ngày nay em ở lì không đi. Chịu những trận đánh của họ chỉ muốn ghi âm lại những gì họ hăm dọa giết nhà em nếu mang bé đi và những câu nói như chơi ngang, không trả tiền, lừa lấy xe, lấy tiền…

Em muốn hỏi em cầm bằng chứng là những đoạn ghi âm và những thương tích em đang bị ra kiện họ được không ạ. Họ đánh vào tay, đầu, cổ, lưng và mặt em. Em thấy nó sưng và nhức. Nếu kiện được thì họ bị mức phạt như thế nào ạ.

Họ trước đó đi tù 3 lần rồi ạ. 2 lần cướp giựt. Lần 2 trong tù đánh nhau bị tăng án. Lần 3 thì ngày 31/12/2016 bị bắt đi cai nghiện tới ngày 10/3/2017 di lý về xử tội tiêu thụ đồ gian. Đi 1 năm mới về 10/3/2018.


Luật sư Tư vấn Bộ luật Hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 08/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

  • Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

3./ Luật sư trả lời Lừa tình cảm lừa tiền rồi đánh đập thì kiện thế nào

Bạn và người đó sống với nhau như vợ chồng không có giấy đăng ký kết hôn. Tháng 4/2018 họ có vay của chị bạn 40 triệu, không  ký giấy vay. Và cách đây 1 tháng họ bảo bạn đem đi cầm xe 15 triệu đồng cho họ mượn xoay sở làm ăn. Bạn là người kí giấy cầm. Một tuần trước họ kêu bạn đưa giấy cho họ đi chuộc xe về nhưng họ không thực hiện mà đi cầm thêm thành 22 triệu. Tiệm cầm viết bút bi đè lên biên lai cầm. Lúc bạn hỏi xe bạn đâu thì họ nói không đi lấy còn chửi và đánh. Bạn có thể tố cáo người này về các hành vi trên tới cơ quan có thẩm quyền.

Trước hết, do số tiền 40 triệu là do người kia vay vì mục đích cá nhân, không vì mục đích chung của hai người nên nghĩa vụ trả nợ trong hai trường hợp này không bị tính là nợ chung. Nói cách khác, bạn có nghĩa vụ trả 15 triệu đồng (số tiền cầm xe) để được lấy xe về. Người kia có nghĩa vụ trả 40 triệu cho chị bạn và 15 triệu cho bạn, kèm theo 7 triệu cho bên cầm đồ.

Tuy nhiên, những khoản nợ trên lại không được ghi giấy nợ, khó chứng minh, do đó, để đòi khoản nợ này bạn phải thỏa thuận được với người đó, nếu không thể thỏa thuận được, bạn có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết nhưng để Tòa án thụ lý thì ít nhất bạn phải chứng minh được người kia có vay tiền và không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Việc này có thể chứng minh qua giấy cam kết của người chứng kiến, biên lai ghi lại việc chi trả tiền,… mà không nhất thiết phải là giấy vay nợ.

Về số tiền 7 triệu mà người đó có được khi cầm đồ lần hai, bạn có thể chứng minh việc bạn không có thỏa thuận vay với người kia, cũng như việc người này có yếu tố lừa đảo bằng cách chứng minh chữ ký trong giấy vay lần hai của bạn là chữ ký giả, việc chứng minh này cần có sự công nhận của bên kia hoặc qua kết luận giám định chữ ký của các cơ quan có thẩm quyền thông qua hoạt động giám định chữ ký.

Ngoài ra, do bạn có băng ghi âm với nội dung người này công nhận việc có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt 40 triệu của chị bạn và 22 triệu (có được từ việc cầm xe của bạn) nên bạn có thể viết đơn tố cáo về hành vi này của người đó tới cơ quan công an, kèm theo đơn có thể là băng ghi âm này (nhớ sao lại) và giấy tờ ghi lại nguồn gốc của băng ghi âm, các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh có sự việc này.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của bạn, cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành điều tra, nếu phát hiện có sự việc này, nhận thấy hành vi của người này có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan này sẽ tiến hành các bước tiếp theo để giải quyết vụ án.

Do vậy, trong trường hợp này, chị bạn nên làm đơn tố cáo lên công an nơi người đó đang cư trú về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì người đó đã lợi dụng việc mình có quan hệ với bạn (sống chung vợ chồng và có con chung) để người chị của bạn cho người này vay 40 triệu mà không cần ký hợp đồng vay tài sản bằng văn bản, trước khi chị bạn cho người này vay, họ đã có ý định không trả lại khoản tiền trên rồi. Cũng lừa bạn về việc đi chuộc lại xe để chiếm đoạt thêm 07 triệu đồng.

Căn cứ Điều 174 Bộ luật hình sự:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1.Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: …

Sau khi làm đơn tố cáo, trong quá trình xử lý, cơ quan công an sẽ gọi mọi người lên lập biên bản lấy lời khai để xác minh về việc có việc vay tài sản hay không, bao gồm: người đó, chị bạn, bạn (người làm chứng), những người khác biết và làm chứng giao dịch trên. Nếu có giấy tờ chứng minh cho việc vay tài sản thì bạn cung cấp cho cơ quan công an: biên bản giao nhận tiền, hình ảnh, đoạn ghi âm chứng minh cho việc vay tiền,…

Đối với hành vi đánh đập, dọa giết của người đó thì bạn làm đơn tố cáo người đó về hành vi bạo lực gia đình dù cho bạn và người đó chưa đăng ký kết hôn và cung cấp các chứng cứ liên quan mà bạn có được: video, hình ảnh, đoạn ghi âm,… để hỗ trợ điều tra và cũng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bản thân. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người đó bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại do hành vi đánh đập của người đó gây ra cho bạn .

Căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự:

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 
1.Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: …

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm: 
a)Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; …”

Theo đó, nếu mức độ tổn hại cơ thể, sức khỏe của bạn từ 11% trở lên, người này sẽ bị xử lý theo quy định về pháp luật hình sự. Nếu xét thấy mức độ hành vi của người đó gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe, gây thương tích nghiêm trọng cho bạn phù hợp với quy định trên thì bạn có thể làm đơn tố cáo về hành vi cố ý gây thương tích.

Trong trường hợp chưa đủ để cấu thành tội phạm, người này sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

… 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a)Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; …”

Trong trường hợp, mặc dù không đăng ký kết hôn nhưng quan hệ hôn nhân của bạn vẫn được công nhận, thì hành vi đánh đập của người này được xử phạt theo Khoản 1 Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1.Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. …”

Về quyền nuôi con thì con mang họ bạn, hộ khẩu thường trú theo mẹ, trong giấy khai sinh không đề tên cha là người đó thì theo quy định pháp luật thì người đó không có quyền giành quyền nuôi con với bạn vì giữa hai người chưa đăng ký kết hôn. Trừ khi họ chứng minh mình là cha của con bạn và làm thủ tục nhận con thì mới có quyền giành quyền nuôi con. Trong trường hợp họ đã hoàn thành thủ tục nhận con thì con bạn mới 30 tháng tuổi, và nhân thân họ cũng không tốt, có tiền án nên Tòa sẽ xử bạn được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con. Căn cứ Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình thì việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn quy định như sau:

“3.Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho bạn và chị của bạn thì bạn, chị của bạn có thể làm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài ra bạn còn có thể làm đơn tố cáo người đó về các hành vi cố ý gây thương tích.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191