Ngang nhiên làm sổ đỏ trong thời gian đang thưa kiện có vi phạm luật

Câu hỏi của khách hàng: Ngang nhiên làm sổ đỏ trong thời gian đang thưa kiện có vi phạm luật

Các anh chị cho em xin tư vấn. Cô của em đang thưa kiện tranh chấp về các phần đất do ông bà để lại nhưng không có di chúc để lại. Đang trong thời gian thưa kiện và đang chờ tòa định ngày ra tòa giải quyết thì bên ông chú ngang nhiên tự ý làm sổ đỏ. Vậy như thế có vi phạm luật không ạ? Xin mọi người tư vấn cho em ạ, và cho em xin cách giải quyết để ngăn chặn sự việc trên, để thứ 2 này em về giúp cô em ạ. em cảm ơn


Luật sư Tư vấn ………. – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 01/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

  • Bộ luật tố tụng dân năm 2015
  • Luật đất đai năm 2013

3./ Luật sư trả lời Ngang nhiên làm sổ đỏ trong thời gian đang thưa kiện có vi phạm luật

Theo bạn trình bày ở trên thì cô và chú của bạn đang trong quá trình kiện tranh chấp đất đai nhưng người chú đó lại tự ý đi làm sổ đỏ. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cô tham gia vào vụ kiện tranh chấp đất đai, pháp luật có quy định như sau:

Căn cứ Khoản 2 Điều 100 và  Điều 101 Luật Đất đai thì một trong những điều kiện bắt buộc để chú của bạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay sổ đỏ) theo quy định của pháp luật  là đất phải không có tranh chấp. Nói cách khác, trong trường hợp đất đang trong thời gian thưa kiện tranh chấp đất đai thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không cấp Giấy chứng nhận cho bất kỳ chủ thể nào.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cô bạn thì cô bạn có thể yêu cầu tòa án ra quyết định cấm chuyển dịch quyền sở hữu thửa đất ấy để ngăn chặn chuyển giao, thay đổi chủ sở hữu, các hành vi xâm hại tới quyền lợi ích hợp pháp của cô bạn.

Căn cứ Khoản 7 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự thì việc “cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” được coi là một biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Căn cứ Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự về Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời :

“1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, … có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

…”

Vậy, trong trường hợp bạn đưa ra thì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cô bạn có thể làm đơn yêu cầu tòa án ra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm dịch chuyển quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” để ngăn chặn hành vi chuyển dịch quyền sở hữu đối với tài sản đang tranh chấp.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191